QTV - Sáng nay 3/2, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc triển khai quyết định số 1956/QD- TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Về phía tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Đọc cùng các đại biểu đã tham gia hội nghị qua hệ thống truyền hình trực tuyến.
Đối tượng của đề án là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, ưu tiên dạy nghề cho người diện chính sách ưu đãi, cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội , chính quyền và công chức chuyên môn xã và cán bộ nguồn bổ sung. Với mục tiêu tổng quát là bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo bồi dưỡng 100 ngàn lượt cán bộ công chức xã , nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề , nhằm tạo việc làm tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn. So với chính sách trong quyết định 81 năm 2005 thì chính sách theo đề án này có nhiều điểm mới như tăng mức hỗ trợ từ 1,5 triệu đồng/1 người/ 1 tháng lên mức 2, 2,5 và 3 triệu đồng /người/ 1 khóa học tùy theo nhóm đối tượng.vv. Kinh phí thực hiện đề án từ ngân sách nhà nước là 25.980 tỷ đồng .
Nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu các địa phương đều nhất trí với các bước triển khai của đề án , tỏ rõ niềm vui và phấn khởi khi được đón nhận đề án. Bởi đây sẽ là chìa khóa để tháo gỡ khó khăn, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định.
Kết luận hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đây là đề án có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mỗi năm sẽ đào tạo được khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới các cơ quan trung ương cần sớm hoàn thành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện đề án. Riêng đối với Bộ Tài chính phải có hướng dẫn chi tiết về phân bổ tài chính chậm nhất là đến 27/2/2010. Cùng với đó các địa phương phải có thống kê sơ bộ về số lượng lao động để thuận tiện cho việc triển khai đề án; các đầu mối thu nhận nhu cầu lao động cũng phải được xác định rõ ràng. Vào cuối tháng 3 năm 2010, Ban chỉ đạo thực hiện đề án phải tổ chức được cuộc họp để thống nhất việc thực hiện. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh Xã hội có kế hoạch rà soát để cân đối cho mỗi vùng nên có 1 tỉnh làm thí điểm để khi đề án đi vào hoạt động có thể thu được nhiều kết quả tốt nhất.
Để đề án thực sự mang lại những hiệu quả to lớn cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Đọc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động Thương binh Xã hội là đơn vị trực tiếp giúp UBND tỉnh thực hiện đề án phải thành lập được Ban chỉ đạo. Sở Nội vụ sớm có kế hoạch để bổ sung biên chế tăng cường cán bộ phụ trách lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cùng với đó các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng phải cân đối ngân sách trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Hồng Loan