Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa của Bệnh viện TWQĐ108 mới tiếp nhận bệnh nhân vào viện với triệu chứng khó thở nhẹ, ho nhiều khi nằm và về đêm, kèm theo đại tiện phân lỏng gần 1 tháng nay. Bệnh nhân gầy sút gần 10 kg/1 tháng, suy kiệt nhiều.
Hình ảnh CT scan của bệnh nhân cho thấy có tràn dịch cả màng phổi và ổ bụng.
2 tháng trước, bệnh nhân phẫu thuật vết thương thấu bụng và được điều trị kháng sinh sau phẫu thuật (có kháng sinh nhóm cefalosporin). Sau một số xét nghiệm chẩn đoán, nội soi đại tràng, bác sĩ kết luận bệnh nhân viêm đại tràng giả mạc (Pseudomembranous Colitis).
Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị của viêm đại tràng giả mạc kết hợp với bổ sung dinh dưỡng tích cực, chọc hút dịch ổ bụng. Sau 3 ngày bệnh nhân đáp đứng tốt, dịch màng phổi, ổ bụng giảm, đại tiện phân lỏng giảm.
Theo BS. Mai Thu Hoài, Khoa Điều trị bệnh Ống Tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108, viêm đại tràng giả mạc là trường hợp viêm nghiêm trọng của đại tràng thường liên quan đến vi khuẩn Clostridium difficile nhưng cũng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày thì viêm đại tràng giả mạc có thể liên quan đến viêm đại tràng thiếu máu, tắc nghẽn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc kim loại nặng.
Viêm đại tràng giả mạc do nhiễm Clostridium difficile (CDI) là một trong những nhiễm trùng bệnh viện phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi. Clostridium difficile ngày càng được chẩn đoán nhiều ở lứa tuổi trẻ và trong cộng đồng, vi khuẩn Clostridium difficile xâm lấn hệ vi sinh vật đường ruột bình thường sau khi bị phá vỡ (thường liên quan đến sau điều trị nghiệm pháp kháng sinh).
Biểu hiện của CDI có thể từ không triệu chứng đến tổn thương nặng nề như phình đại tràng nhiễm độc. Các triệu chứng hay gặp nhất là:
Đại tiện phân lỏng, nhiều nước, nhầy, đau bụng, mất nước điện giải làm cho bệnh nhân suy kiệt nhanh chóng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ ngày càng nặng nề.
Đau bụng (có thể đau quặn, âm ỉ hoặc thành cơn.
Sốt cao, có thể lên đến 39-40 độ C.
Chẩn đoán CDI nên được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng tiêu chảy cấp tính mà không giải thích được nguyên nhân đặc biệt trong các trường hợp bệnh nhân điều trị kháng sinh gần đây, người lớn tuổi. Cũng theo bác sĩ Hài, có khoảng 3-8% bệnh nhân có biến chứng nặng như phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng, viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn nước điện giải…
“Từ ca bệnh trên, chúng ta cần cẩn trọng về mối nguy hiểm đối với việc sử dụng kháng sinh điều trị dài ngày và việc khai thác bệnh sử, diễn biến bệnh, phân tích các triệu chứng và yếu tố nguy cơ và nội soi cũng đóng góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân”, bác sĩ Hoài khuyến cáo.