Cùng với việc điều chỉnh, đưa vào quy định của dòng họ, hương ước làng văn hóa cũng như tuyên truyền và kiểm tra theo một số văn bản nhà nước quy định về việc tang lễ dư luận cũng mong muốn các cấp, ngành nhân rộng hơn nữa các mô hình tang lễ mà MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng và được cơ sở duy trì. Bên cạnh đó, mỗi nhà nên có một cuốn sách “Việc tang lễ”- loại sách phong tục của tác giả Trương Thìn do Vụ văn hóa quần chúng và Thư viện nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành.
Sở dĩ “Việc tang lễ” được xem như là “cẩm nang” tang lễ vì tác giả đã khai thác triệt để sách cổ các đời, trong đó có sách “Thọ mai gia lễ” (do cư sĩ Hồ Sĩ Tân soạn từ thế kỷ 18, được các triều đại Lê - Nguyễn thừa nhận như là một thứ luật tục) song hành với việc nghiên cứu, khơi gạn các tập tục tang lễ vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa đúng với tâm thức truyền thống của dân tộc. Sách chia làm 7 chương. Mỗi chương chia làm nhiều mục hướng dẫn tỉ mỉ và dễ hiểu, dễ làm những việc từ khi gia đình có người hấp hối, đến việc báo tang, khâm liệm, phúng viếng, tang phục, nhạc tang, hạ huyệt và các tuần tiết, cải táng. Cứ như các việc dẫn ra trong sách, thì mỗi gia đình chỉ cần có một cuốn “Việc tang lễ”, thì khi lâm sự, gia đình rất bình tĩnh và biết được các việc cần làm.
|
Kèn, trống trong lễ đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng theo truyền thống. Ảnh: Trường Giang |
Ví dụ, ở chương 4 viết về nhạc tang và tang phục, sách “Việc tang lễ” hướng dẫn rõ: “Nhạc tang lễ do đội nhạc tang cử hành, mỗi phường, xã nên thành lập đội nhạc tang do UBND hoặc Ủy ban MTTQ chủ trì giao cho văn hóa thông tin tổ chức thực hiện. Nơi nào chưa tổ chức được đội nhạc này thì tang chủ mời các thợ kèn – trống tư nhân. Chính quyền địa phương nên cho họ đăng ký hành nghề và phục vụ các đám tang theo quy ước nếp sống của cơ sở. Nhiều nơi tang chủ không dùng đội nhạc tang mà thay bằng nhạc tang thu sẵn (cát-xét) cũng rất thuận lợi cả lúc phúng viếng cũng như trong hành nghi dẫn cữu. Đội nhạc tang hoặc các tốp kèn, trống của địa phương cũng như tư nhân không được bày ra ca, khóc, thương làm đủ trò để mua vui cho người xem. Vì như vậy làm giảm đi sự nghiêm túc của đám tang trong lúc mọi người đang đau buồn. Điều cần lưu ý là không phải đám tang nào cũng có kèn trống. Theo tập quán của dân tộc ta cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, cái chết nào hợp quy luật (như chết già, chế đúng lúc) thì có kèn trống. Ngược lại chết không hợp quy luật như chết trẻ, con chết trước cha mẹ, chết do tai nạn, chết “bất đắc kỳ tử” thì không dùng kèn trống”.
Còn tang phục là biểu hiện trình độ của văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới về việc tang. Ở châu Âu, những người có tang thường mặc đồ đen. Còn ở ta, đồ trắng trở thành phong tục. Qua nghiên cứu và kết hợp với kết luận của nhiều địa phương thấy rằng: Khi có tang, con trai, con gái, con dâu nên mặc áo tang màu trắng (để phân biệt với khách đến viếng). Áo tang sạch sẽ chỉnh tề là biểu hiện của văn hóa văn minh. Bỏ quan niệm của “Thọ mai gia lễ” là áo tang phải xổ gai, xổ gấu, rách không được vá, ngắn không được nối thêm, khi chưa hết tang thì không được giặt… Con trai, con gái, con dâu có thể dùng khăn trắng thắt bỏ múi ra đằng sau (để phân biệt với hàng cháu chắt và người viếng tang). Con rể và con cháu khác cũng dùng khăn trắng nhưng không thắt kiểu bỏ múi như trên mà là gấp vào. Dân ta có tập quán đội khăn vàng, khăn đỏ, khăn xanh… tùy theo người để tang là chắt, chút chít (đời thứ 4, 5)… nhằm biểu lộ lòng tự hào của con cháu đã nuôi dưỡng cha mẹ sống lâu. Đây cũng là tập quán hay cần phát huy. Với cách thức tang phục như vậy, khi gặp đám qua đường không cần hỏi người ta cũng có thể biết được người quá cố có mấy trai, mấy gái, con dâu, con rể, có cháu, chắt, chút chít đến mấy đời. Rõ ràng, đấy là một thể chế văn hóa khá hoàn chỉnh về việc tang của dân tộc ta. Nhân dân ta có tập quán con gái, con dâu thì đội mũ mấn (vuông vải khâu theo hình phễu để úp lên đầu, con trai thì đội mũ rơm (dùng rơm bẹ chuối - lá chuối khô bện lại thành vòng vừa đầu) và chống gậy khi chịu tang. Đây là tập quán lâu đời. Vì đã là mũ mấn thì chụp vào đầu ai cũng vừa bất kể người cao hay thấp, tóc dài hay tóc ngắn, đầu to hay đầu nhỏ. Từ lúc lễ phát tang trở đi, con gái, con dâu lúc nào cũng phải cất tiếng khóc, khi khóc nước mũi chảy ra, chiếc mũ mấn vừa làm khăn lau nước mắt luôn (thể hiện sự vội vàng, bối rối trong lúc đau buồn ). Việc đội mũ mấn (của nữ), mũ chuối, mũ rơm của nam chỉ là biểu hiện của tang phục và cũng là để phân biệt với những người khác đưa tang - là biểu hiện của sự hoàn thiện thể chế việc tang. Những nơi có tập quán này mà nhân dân khi có việc tang vẫn có nhu cầu duy trì xét rằng không có hại gì trong phong tục, cũng không nên bắt buộc phải bãi bỏ, cấm đoán. Riêng việc chống gậy biểu hiện sự lom khom khúm núm, thiếu tư thế của con người trông quá khổ ải nên vận động nhân dân bỏ dần.
Đối với việc rắc vàng mã dọc đường lúc đưa tang, sách “Việc tang lễ” phân tích: “Các đám tang ở nông thôn cũng như thành phố khi đi đường ( từ nhà đến nghĩa trang), tang chủ thường rắc vàng mã dọc đường gọi là “tiền mãi lộ và để cho các linh hồn người chết nhận ra lối về nhà theo dấu vết đó”. Việc này thật ra không có cơ sở khoa học. Trong tâm thức, hẳn nhiều người không tin nhưng vẫn cứ theo tập quán. Nên chăng cần tuyên truyền giải thích để quần chúng hiểu và bỏ dần. Mặt khác nên đưa vào quy ước nếp sống văn hóa ở địa phương, dùng dư luận mà điều chỉnh hành vi cá nhân và xã hội, bỏ dần việc rắc vàng mã cũng như một số hủ tục khác trong đám tang.
Cuối cùng là trách nhiệm của một số ngành, đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu những nội dung trong cuốn sách “Việc tang lễ” tới người dân, để đông đảo nhân dân nhận thức đúng “Thế nào là một đám tang chuẩn mực” ở khía cạnh tiếp nhận thông tin chính thống về việc tang lễ hiện nay.
Nhóm phóng viên
văn hóa xã hội
---------------------