Điều khẳng định chắc chắn rằng, Vũ “nhôm” không thể tha hóa và lôi kéo những vị lãnh đạo này vào con đường phạm tội mà do những thế lực hắc ám đã “đẻ” ra anh ta, trang bị cho anh ta những quyền lực “ngầm” để có thể thao túng quyền lực “thật” thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm thâu tóm tài sản nhà nước.
Không có một môi trường tham nhũng thì Vũ “nhôm” không thể tồn tại mà tác yêu, tác quái được. Việc mở rộng vụ án, phanh phui từng mắt xích của quá trình phạm pháp chính là làm trong sạch môi trường để những mầm mống kiểu Vũ “nhôm” không còn đất sống nữa. Chắc chắn, không chỉ là vụ án này mà các vụ tham nhũng “động trời” khác cũng bị phanh phui. Cơ quan điều tra đang vào cuộc vụ PVN “đổ tiền” vào Venezuela là một dẫn chứng.
Hành vi trái pháp luật của một số người cũng tạo môi trường cho các loại tội phạm khác phát sinh. Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố bị can với hai “nhà báo” tống tiền cảnh sát giao thông của tỉnh này. Các bị can đã quay video một Tổ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường cao tốc Trung Lương và đến tận trụ sở, đọc cho cán bộ ở đây nghe bài báo sắp đăng, cho xem cảnh đã quay được.
Đã có sự “xin xỏ bỏ qua” nhưng nhóm người này không nghe, đã có những kỳ kèo ngã giá và sau đó khi nhận 250 triệu đồng của cảnh sát giao thông thì bị bắt quả tang. Câu chuyện này là một dẫn chứng sinh động về môi trường, cơ hội để loại tội phạm “cưỡng đoạt tài sản” thi triển tài năng tống tiền.
Ở một diễn biến khác, tại Bắc Giang, xử lý tội phạm để rồi mình cũng trở thành tội phạm. Ba bị can mắc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị một thẩm phán huyện, người được phân công thụ lý vụ án này triệu tập đến phòng làm việc của mình, yêu cầu “muốn nhẹ tội thì phải chi tiền”. Giá là 70 triệu đồng/người sẽ được án nhẹ, ở khung hình phạt thấp nhất, một người do thẩm phán chiếu cố đến “hoàn cảnh khó khăn” nên chỉ lấy 30 triệu đồng. Cũng ngã giá, cò kè và nếu không chịu chi thì thẩm phán này đe dọa sẽ xử “cho rơi tự do”.
Từ tố cáo của các bị can, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố vụ án và bắt giam thẩm phán này về tội “Nhận hối lộ”. Đáng nói là sau khi nhận được tố cáo thì lãnh đạo Tòa án án này chỉ đạo cho thẩm phán “nhận hối lộ” trả tiền cho bị hại để rút đơn tố cáo mà không xử lý theo pháp luật. Đó cũng chính là môi trường dung dưỡng cho tội phạm chức vụ tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội của mình sau khi được bao che, bỏ qua.