Khẩu trang y tế đã qua sử dụng: Xử lý để không lây truyền mầm bệnh

(PLVN) - Trong những ngày thế giới căng sức chống dịch nCoV, có lẽ khẩu trang là từ khóa được được nhắc nhiều nhất. Từ việc khan hiếm, giá cả leo thang, đầu cơ trục lợi hay cảm kích trước những chiếc khẩu trang từ thiện… Nhưng có một vấn đề quan trọng là xử lý những chiếc khẩu trang đã dùng như thế nào để an toàn không lây truyền mầm bệnh cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo hiện tượng thu gom khẩu trang đã qua sử dụng.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo hiện tượng thu gom khẩu trang đã qua sử dụng.

Nguồn lây nhiễm tiềm tàng

Theo tìm hiểu khẩu trang thường được làm từ hai vật liệu chính gồm vải (dệt kim, dệt thoi) và vải không dệt. Trong đó, khẩu trang y tế dùng một lần thường dùng vải không dệt với nguyên liệu chính là polypropylen.

Độ che phủ bề mặt của vải không dệt cao hơn, nhưng khẩu trang được làm từ vải dệt thoi, dệt kim vẫn có thể hạn chế lây lan virus, do hạn chế dịch hô hấp của người sử dụng văng ra bên ngoài, cũng như hạn chế người sử dụng đưa tay trực tiếp lên miệng.

Theo TS-BS Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, phổ thông nhất hiện nay là loại khẩu trang 3 lớp. Trong đó, mỗi lớp của khẩu trang có những công dụng khác nhau theo quy chuẩn. Thứ nhất là lớp trong cùng, lớp này có tác dụng hút ẩm từ hơi thở của người đeo (thường có màu trắng).

Thông thường, khẩu trang y tế gần như không được sử dụng đúng cách. Người dùng liên tục chạm vào khẩu trang để điều chỉnh, thường xuyên tháo chúng ra và đeo chúng lại. Những hành động đó có thể khiến vi trùng trên bề mặt của khẩu trang xâm nhập cơ thể.

Tuy nhiên, ông Choi Hyo-jick, một kỹ sư y sinh và là giáo sư tại Đại học Alberta ở Canada, cho biết ông có một giải pháp khả thi: Một loại khẩu trang có thể tiêu diệt mầm bệnh hơn là chỉ ngăn chặn chúng. Thành phần bí mật là muối tinh. Theo ông Choi, cấu trúc phân tử của muối là tinh thể, các góc của chúng sắc và cứng có thể đâm vào virus, khiến chúng không thể tồn tại.

Nhóm của ông đã thử nghiệm khẩu trang phủ muối trong phòng thí nghiệm vài năm qua và phát hiện rằng chúng có thể vô hiệu hóa 3 chủng của virus cúm.

Nhóm đã công bố những phát hiện ban đầu này trong tạp chí Báo cáo Khoa học năm 2017. Họ cho rằng công nghệ vô hiệu hóa mầm mệnh có thể cải thiện đáng kể các nỗ lực phòng chống bệnh truyền nhiễm và hy vọng sẽ đưa ra thị trường loại khẩu trang này trong vòng 18 tháng tới.

Ngược lại, lớp ngoài cùng của khẩu trang có tác dụng kháng thấm, không hút ẩm để chống sự xâm nhập của virus, vi khuẩn vào bên trong cơ thể. Thứ ba là lớp lọc nằm giữa 2 lớp trên, lớp này có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, mỗi loại chất liệu có hiệu lực lọc khác nhau.

Đeo khẩu trang y tế được khuyến cáo là một trong các biện pháp để phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Bởi thế mà người người, nhà nhà đổ xô đi mua khẩu trang để đeo và dự trữ dùng dần. Chính vì vậy mà mặt hàng này trở nên khan hiếm và đắt đỏ. 

Nhưng đó chỉ là câu chuyện mua khẩu trang, còn vấn đề xử lý khẩu trang khi dùng xong vẫn thật sự nan giải. Những ngày qua trên các tuyến phố, ngõ ngách Hà Nội không khó để chúng ta bắt gặp những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bỏ ra dọc hai bên đường. Một lao công cho biết: “Trước đây có rác khẩu trang y tế, nhưng không nhiều như bây giờ.

Cứ cuối ngày là thấy đầy đường phố, không hiểu sao người ta sợ dịch, sợ lây lan dịch bệnh mà lại vứt bỏ khẩu trang một cách vô ý thức như thế. Thử nghĩ mà xem nếu những chiếc khẩu trang bỏ không đúng nơi quy định kia có mầm bệnh thì sẽ nguy hiểm thế nào? Nếu một đứa trẻ nhặt chiếc khẩu trang đã sử dụng lên chơi, điều gì sẽ xảy ra?”.

Và khi nhìn những chiếc khẩu trang vứt đầy đường, bạn có nghĩ chúng sẽ được quay vòng không và nếu bạn là nạn nhân của nạn quay vòng đó thì sao?  Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã cảnh báo hiện đang có tình trạng một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần được thu lượm lại và bán lại; nước rửa tay cũng được làm giả, bán trên mạng rất nhiều.

Chính vì vậy mà rất nhiều người đã lên mạng xã hội kêu gọi cũng như khuyến cáo người dân về việc vứt bỏ khẩu trang những ngày dịch nhằm đảm bảo an toàn chống lây lan bệnh tật cũng như bảo đảm về môi trường. 

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bừa bãi có thể trở thành nguồn lây nhiễm mầm bệnh.
 Khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt bừa bãi có thể trở thành nguồn lây nhiễm mầm bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng khẩu trang để phòng chống và ngăn ngừa dịch viêm phổi do nCoV là điều cần thiết, nhưng người dân cần có cách sử dụng hợp vệ sinh, sau khi sử dụng xong người dân nên có ý thức vứt vào thùng rác công cộng, hoặc gói gọn vào để trong túi về nhà vứt vào thùng rác nhà mình, không nên vứt khẩu trang sau khi sử dụng bừa bãi tại nơi làm việc, gia đình hay nơi công cộng, bởi đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh.  

Khi tháo khẩu trang, người dân nên cuộn mặt ngoài của khẩu trang vào trong, cho vào túi nilon bọc kín lại để vào trong xe ô tô hoặc xe máy để đến cuối ngày đem giặt bằng xà phòng và phơi nắng thường xuyên. Đối với khẩu trang y tế dùng 1 lần nên cuộn lại, để vào một túi riêng và vứt cùng rác sinh hoạt. 

Vi  phạm  đạo  đức,  pháp  luật

Chia sẻ trên báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp) cho rằng, hành vi gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại vi phạm đạo đức đáng lên án. Bởi lẽ, hành vi diễn ra trong khi dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát, con số người nhiễm bệnh và người chết trên thế giới đang tăng, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ bị nhiễm bệnh.

Thủ tướng đã công bố tình trạng dịch bệnh theo quy định của Điều 48 và 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Sau khi công bố dịch thì trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện theo bộ luật này. Theo đó, việc vệ sinh làm sạch môi trường, tổ chức cách ly, thành lập ban chỉ đạo, kiểm dịch y tế biên giới, xử lý các trường hợp nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh, các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phải thực hiện quyết liệt.

Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác, không còn giá trị và có thể chứa nhiều mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Không những vi phạm mặt đạo đức, hành vi nhặt, gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên.

Trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.

Trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán hàng giả. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên). 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa):

“Với rác thải y tế trong bệnh viện chứa rất nhiều loại bệnh khác nhau nhưng lại tập trung được nên họ có cách xử lý riêng và đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với riêng khẩu trang y tế, sau khi dùng xong nếu có thể tập trung, thu gom lại để xử lý bằng cách đốt đi là rất tốt, triệt để hơn rất nhiều nhưng khó có thể làm được điều này. Vì vậy việc người dân dùng xong có ý thức vứt vào thùng rác, vứt đúng nơi quy định để bảo vệ mình, mọi người và bảo vệ môi trường mới là biện pháp hữu hiệu nhất vào thời điểm này.

Đặc biệt, trong những trường hợp khu vực có dịch cần thông báo cho những cán bộ làm khâu xử lý môi trường, những khẩu trang dùng một lần cần phải thu gom vào một túi riêng để xử lý, phải được bọc kín vào không để lây lan ra xung quanh. Những người đó cũng phải dùng khẩu trang y tế, dùng que, hay dụng cụ để gắp, hoặc đeo gang tay, dùng túi kín để cho vào, đưa đi để xử lý an toàn, tốt nhất là cho vào lò đốt hoặc chôn lấp an toàn. 

Khẩu trang y tế dùng một lần được làm bằng vải, không phải bằng ni lông có một số loại có tẩm than hoạt tính nên có thể xử lý giống như xử lý rác thải sinh hoạt thông thường, không gây ảnh hưởng đến môi trường giống như rác thải nhựa, túi nilon. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩu trang y tế bị nhiễm bệnh phải được xử lý theo đúng quy trình của ngành y tế, để hạn chế sự lây nhiễm ra cộng đồng”. 

Đọc thêm