Mối tương quan giữa Đức Phật và thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời còn tại thế, Đức Phật thực hiện nếp sống giản dị, hài hòa với thiên nhiên và mọi người không phân biệt giai cấp.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị giáo chủ sống trọn vẹn với thiên nhiên.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị giáo chủ sống trọn vẹn với thiên nhiên.

Thọ dụng những gì gia chủ phát tâm cúng dường, lấy thiên nhiên muôn loài kể cả đất đá cỏ cây làm bài học sinh động giáo hóa đệ tử, bình đẳng đối xử với tất cả, xem đây như bài học không thể bỏ qua trên con đường tu tập đạt mục tiêu giác ngộ giải thoát.

Cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ, thời Phật tại thế, khái niệm ô nhiễm môi trường... rõ ràng chưa đặt thành vấn đề và hẳn nhiên giải pháp bảo vệ môi trường cũng chưa đặt ra. Tuy nhiên, với tuệ giác nhận thức bản chất duyên sinh của vạn hữu và tinh thần tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên trên cơ sở nhận định về mối tương quan giữa muôn loài thực sự là giải pháp tích cực ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hiện nay.

Đức Phật sống hài hòa với thiên nhiên

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị giáo chủ sống trọn vẹn với thiên nhiên. Ngài sinh ra dưới gốc cây Vô ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành đạo dưới cội cây Bồ-đề, chuyển bánh xe Pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển và nhập Niết-bàn ở rừng Sa-la. Đặc biệt, từ khi rời bỏ cung điện vào núi tìm đạo, Ngài sống hoà hợp với thiên nhiên dưới bóng cây rừng. Một bậc toàn giác với trí tuệ siêu việt đã gắn cuộc đời mình với thiên nhiên, lấy gốc cây làm ngôi nhà để hành đạo, chia sẻ mọi kinh nghiệm chứng đắc với tất cả chúng sinh. Bước chân của Đức Phật và Tăng đoàn đều được nâng đỡ bởi thiên thiên. Phải nói rằng Phật giáo và thiên nhiên luôn gắn bó mật thiết với nhau.

Lý thuyết Duyên khởi trong Phật giáo khẳng định mối tương quan giữa các hiện tượng tự nhiên, nhân sinh và vũ trụ: mọi loài sống trên trái đất này đều có quan hệ, gắn bó, khăng khít với nhau, hỗ tương nhau, cái này có nên cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Như vậy, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ cộng sinh, cùng sinh tồn và phát triển. Thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người, sẽ bị hủy diệt.

Để nhấn mạnh vấn đề này, Hòa thượng Thích Chơn Thiện khẳng định: “Thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người, hay một phần rất lớn của cơ thể con người, con người không thể hiện hữu và tồn tại được nếu không có môi sinh. Nếu môi sinh hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người, sẽ tức khắc đi đến hủy diệt. Vậy nên, nếu con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi, hay nếu các phương tiện truyền thông của con người giới thiệu Duyên khởi, thì con người sẽ tự nguyện cật lực bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm, bởi vì đó là ý nghĩa bảo vệ hạnh phúc và sự tồn tại của chính mình”[1]. Một khi đã hiểu rõ mối tương duyên giữa chúng ta với tất cả muôn loài thì tình thương yêu sẽ có mặt, xóa tan đi những bất công và hận thù trong cuộc sống. Làm cho con người hiểu và thương nhau nhiều hơn, đồng thời trang trải mối thâm tình và sự bình đẳng đến khắp mọi loài là để bảo hộ, chăm sóc cho một thế giới tự nhiên luôn sinh sôi, nảy nở không ngừng và muôn loài đều được sống trong một cảnh giới an ổn thanh bình.

Không những tôn trọng sự sống của loài người, hay loài vật và môi trường sống của các chúng sanh khác, thậm chí đến các loài cây cỏ cũng cần được bảo vệ. Đức Phật tuân giữ một thói quen không đổ thức ăn dư thừa lên đám cỏ xanh hay nhấn chìm vào chỗ nước có các chúng sanh trong ấy. Trong bài kinh Thừa tự Pháp số 3, Đức Phật khẳng định: “Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”[2].

Quả thật, với lòng từ bi vô hạn, Đức Phật đã tổ chức an cư kiết hạ ba tháng mùa mưa là thời gian để các Tỳ-kheo sống hòa hợp, tập trung tu học giáo lý, thực hành thiền định, kiểm chứng lại quá trình tu tập của mình, vừa hạn chế sự đi lại để tránh vô tình giẫm đạp lên những sinh linh bé nhỏ. Điều này không những thể hiện tinh thần từ bi của Đức Phật mà còn là hành động tích cực thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, thái độ có trách nhiệm đối với môi trường và tạo cho cảnh vật môi sinh phát triển cân bằng, hòa hợp.

Chúng ta thấy thiên nhiên, rừng núi có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Đức Phật và Tăng đoàn. Có thể nói, thiên nhiên là phương tiện để chư Tỳ-kheo tu tập, hành thiền và là nền tảng sự sống của Tăng đoàn. Tác phẩm “Đạo đức trong Kinh Pháp cú” có diễn đạt: “Sống giữa thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, tâm luôn an trụ trong chánh niệm, các vị không còn sợ hãi, không có hành động thô ác đối với muôn vật. Thiên nhiên là môi trường sống vừa trong lành vừa thân thiện, tạo mối liên hệ khắng khít giữa con người với cảnh trí bên ngoài. Có như vậy mới đảm bảo sự sống của con người và muôn vật trên hành tinh này”[3].

Hòa thượng Thích Trí Quảng còn nhận định trong bài “Phật giáo và môi trường sinh thái” như sau: “Ngoài ra, chúng ta còn thấy một số lời dạy của Đức Phật trong kinh Nguyên thủy có liên quan đến việc bảo vệ môi trường, như trong kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng: ‘Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta’. Hoặc kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng ‘Một Tỳ-kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội’, hoặc ‘Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây Bồ-đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa’. Đức Phật cũng khuyên mọi người không nên lãng phí, mà phải biết trân quý tài nguyên”[4].

Đức Phật tôn trọng sự sống của mọi loài

Đạo Phật là đạo từ bi, luôn thương yêu và bảo hộ sự sống của các loài hữu tình chúng sanh. Cho nên, Đức Phật dạy cho hàng đệ tử phải sống một đời sống tịnh hạnh, nuôi thân mạng bằng những thực phẩm chay tịnh, tinh khiết và đạm bạc, được chế biến từ thực vật, rau củ. Và chỉ xem thức ăn là món lương dược trị bệnh gầy yếu, nhằm có sức khỏe để tiến tu trên con đường giải thoát. Là người Phật tử thì không được thọ dụng những thức ăn làm từ máu thịt và xương tủy của chúng sanh. Đồng thời không ham mê, tìm cầu, thọ hưởng ăn uống một cách sa đà, không tiết độ. Lối sống ấy giúp chúng ta xa lìa mọi tâm niệm, lời nói và hành động bất thiện làm tổn hại đến sanh mạng của khắp chúng sanh.

Đạo Phật chủ trương không sát sinh, thể hiện qua việc ăn chay, như là một chính sách dinh dưỡng tốt và cần thiết cho sự hành trì Phật pháp của mỗi cá nhân, ổn định cho gia đình, xã hội, và tận diệt nguồn gốc của chiến tranh. Căn cứ vào đời sống gương mẫu của Đức Phật, chúng ta hiểu khi chế định ra giới cấm này, không giới hạn trong loài động vật, mà ngay cả loài cỏ cây hoa lá, dù không phải là hữu tình chúng sinh, không có tình cảm khổ vui, Ngài cũng dạy nên tôn trọng. Đó là thói quen rất tốt, giúp cho người Phật tử không sử dụng bạo lực.

Chúng ta thấy lòng từ bi của Đức Phật thật không thể nghĩ bàn, không thể diễn nói bằng lời. Ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sự sống muôn loài, thì giới không sát sinh trong đạo Phật cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính con người. Vì việc sát sinh nhằm phục vụ các nhu cầu của con người sẽ dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Những người sống bằng việc khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên biển, những người cấy trồng, sản xuất nông nghiệp nếu chỉ khai thác tự nhiên bằng cách tận thu và tận diệt mà không để những tài nguyên đó có thời gian tái tạo sẽ làm kiệt quệ tài nguyên. Đó là chưa kể việc khai thác những tài nguyên khó tái tạo được như than, dầu mỏ... sẽ làm cho các vấn đề môi trường thêm nghiêm trọng.

Trong tác phẩm “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, Hòa thượng Thích Minh Châu có viết: “Bảo vệ sự sống ở nơi đây còn có nghĩa bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự dinh dưỡng trong lành của đất nước, cỏ cây hoa lá, bảo vệ sự trong sạch của bầu khí quyển khỏi bị ô nhiễm, để nuôi dưỡng sự sống con người. Chỉ bằng cách bảo vệ hữu hiệu môi trường sống mới có khả năng bảo đảm sự sống của muôn loài và sự sống còn của hành tinh chúng ta”[5].

Muôn loài trong vũ trụ đều đồng nhau ở dạng thể tính và trên hiện tượng giới, sự sống muôn người muôn vật cùng cộng hưởng, cộng tồn không thể tách rời. Tất cả mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống và vì vậy, đều cần được tôn trọng, yêu thương và bảo vệ. Điều này được điễn đạt trong kinh Pháp cú, kệ 129-130: “Mọi người sợ hình phạt, Mọi người sợ tử vong. Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt, Mọi người thích sống còn; Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết”[6]. Đức Phật còn dạy: “Ta thế nào, họ vậy, Họ thế nào, ta vậy, Lấy ngã làm ví dụ, Chớ giết, chớ bảo giết”[7]. Nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo là không làm tổn hại các loài động vật và có tình thương đối với tất cả chúng hữu tình, không có sự phân biệt giữa các chúng sanh. Kinh Tập đã diễn đạt những cảm xúc của Đức Phật như sau: “Mong tất cả những ai, Hữu tình có mạng sống, Kẻ yếu hay kẻ mạnh, Không bỏ sót một ai, Kẻ dài hay kẻ lớn, Trung, thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sanh, Sống hạnh phúc an lạc”[8].

Ăn chay, ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân, còn góp một phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái: “Dù phát xuất từ động cơ nào, ăn chay cũng góp phần giảm bớt việc giết hại sự sống của những loài khác mà các nhà khoa học đã chỉ rõ rằng loài người chúng ta và các loài sinh vật đều có sự cộng tồn hỗ tương cần thiết và nhất là ăn chay cũng góp phần đáng kể cho việc bảo vệ môi trường”[9].

Theo quan điểm Phật giáo, cuộc sống của chúng ta được coi là một phần không thể thiếu của môi trường, được kết hợp giữa chúng ta với người khác và với cỏ cây hoa lá. Chính mối tương quan cộng sinh đó, Đức Phật khuyên con người đối xử với muôn vật, cây cỏ, loài thai sinh và noãn sinh bình đẳng như con người đối với con người. Cho đến nay, tư tưởng này vẫn có giá trị nhất định trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Học thuyết và giáo lý của Đức Phật tạo ra một lối sống thân thiện với môi trường, có tác dụng rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường hiện nay. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể khẳng định Đức Phật đã thấy rõ quy luật tương sanh tương diệt nên Ngài sống gần gũi, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên môi trường. Từ nhân bảo vệ môi trường dẫn đến kết quả môi trường trong sạch lành mạnh. Môi trường trong lành ấy giúp cho Đức Phật và Tăng đoàn có một đời sống thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần. Đó là một nếp sống trong sạch thanh tịnh, lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, một nếp sống đi đôi với lạc, giải thoát các triền phược, một nếp sống trong ấy trí tuệ đóng vai then chốt, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người, một nếp sống vô ngã vị tha. Đức Phật đã thực nghiệm và hướng dẫn cách sống bảo vệ môi trường cách đây hơn 25 thế kỷ. Có thể nói Đức Phật là vị giáo chủ vĩ đại có đời sống gần gũi thiên nhiên nhiều nhất và cũng là người có những lời dạy thiết thực nhất nhằm bảo vệ thiên nhiên môi trường.

Chú thích:

1. Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pàli, Nxb TP.HCM, tr.105-106.

2. Kinh Trung bộ, tập1(2012), kinh Thừa tự pháp, Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.32.

3. Ngộ Bổn (2017), Đạo đức trong Kinh Pháp cú, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.111-112.

4. Thích Trí Quảng (2011), “Phật giáo và môi trường sinh thái” trong Phật giáo nhập thế và phát triển (quyển III), Nxb Tổng Hợp TP.HCM, tr.438-439.

5. Thích Minh Châu (1998), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM, tr.129 -130.

6&7&8. Kinh Tiểu bộ, tập 1(1999), Pháp cú, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.HCM.

9. Thích Trí Quảng (2011), “Ăn chay lợi cho sức khỏe và tâm linh” trong Phật giáo nhập thế và phát triển (quyển III), Nxb Tổng Hợp TP.HCM, tr.4.