Môn Lịch sử ĐH: Đã có 9.75, nhiều điểm cao

Đề thi môn Lịch sử năm nay có sự phân hoá trình độ HS rõ rệt, thể hiện qua các bài thi đã được chấm: nhiều điểm dưới trung bình, số lượng bài đạt từ 7 trở lên kha khá.

Đề thi môn Lịch sử năm nay có sự phân hoá trình độ HS rõ rệt, thể hiện qua các bài thi đã được chấm: nhiều điểm dưới trung bình, số lượng bài đạt từ 7 trở lên kha khá. Một số bài thi đã được chấm 9,75 điểm, không được điểm 10 bởi cách hành văn và chữ viết.

Nhiều bài từ 7 đến 9 điểm

Thầy Đỗ Thanh Bình, Trưởng môn Lịch sử của Hội đồng chấm thi môn này của ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: Tới nay, các GV đã chấm được khoảng hơn 10.000 bài thi trên tổng số 13.000 bài, bao gồm bài của ĐHSP và một số trường khác thuê chấm.

Hiện chưa thể thống kê phổ điểm, tuy nhiên theo cảm quan của thầy Bình, điểm Lịch sử thể hiện được sự phân hoá rõ rệt trình độ của thí sinh thi ĐH. Cụ thể, nhiều em đạt điểm từ 7 đến 9 điểm, số lượng kha khá đạt điểm từ 5-6, nhiều điểm từ 1/2 điểm tới 4 điểm.
Mô tả ảnh.
Thí sinh thi ĐH năm nay. Ảnh VNN
"Có khoảng 10 bài đạt 9,5 điểm, có một bài của thí sinh thi vào ĐHSP đạt điểm cao nhất: 9,75 điểm, tất nhiên, đây chưa phải là số liệu cuối cùng", thầy Bình cho biết. Cá biệt, có một túi bài thi khoảng 40 bài mà có tới 14 bài thi đạt từ 7 đến 9 điểm.Theo thầy Bình, với bài thi đạt 9,75 điểm đã được GV chấm ban đầu cho 10 điểm, tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ về mọi mặt như cách hành văn và chữ viết, Hội đồng đã quyết định chỉ cho 9,75 điểm. Tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), PGS.TS Ngô Đăng Tri, thành viên chấm thi môn Lịch sử của trường cho biết hiện đã chấm xong khoảng hơn 3500 bài thi trên tổng số 5100 bài.Theo thầy Tri, năm nay rất ít điểm 0 (giảm hẳn so với năm trước) nhưng cũng rất ít điểm 9, điểm bình quân khoảng 3,5 điểm (như mọi năm). Tình trạng bỏ giấy trắng không nhiều. Thầy Bình cho biết điểm 0 cũng ít hơn năm ngoái, những em bị điểm 0 không phải do bỏ trống mà vì viết sai.Không còn "ngây ngô" về kiến thức Theo thầy Ngô Đăng Tri, những thí sinh nào có trình độ nhận xét thì sẽ đạt điểm cao. Em nào nói đúng tên chiến dịch (câu hỏi ở phần riêng: Chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là chiến dịch nào?) thì mới được điểm, em nào nói sai thì bị 0 điểm. Thầy Tri cho biết nhiều em nhầm lẫn Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam với Luận cương tháng 10/1930 của đồng chí Trần Phú. Có em nhầm lẫn ở ngay câu đầu tiên: Chiến lược toàn cầu của Mỹ triển khai ở Tây Âu trong những năm 1947-1949, chứ không phải triển khai ở Việt Nam.Theo thầy Đỗ Thanh Bình, nhìn chung, kiến thức Lịch sử năm nay của các em không còn "ngây ngô" như năm trước, mà chủ yếu là nhẫm lẫn tên chiến dịch và thời điểm. Tất nhiên, đây chính là "cái bẫy" mà đề ra để phân hoá HS. HS khá sẽ nắm trúng yêu cầu đề bài, phải biết suy luận bên cạnh việc phải "thuộc lòng". Theo thầy Bình, cả bốn câu hỏi đều có những khía cạnh thử thách trí thông minh của các thí sinh.
Theo Tú Uyên
VietNamNet

Đọc thêm