Sự cố cá chết gây thiệt hại gần 2.000 tấn cá tại 550 lồng bè của 131 hộ dân thuộc 2 xã La Ngà và xã Phú Ngọc. Lực lượng chức năng đã xuống hiện trường ghi nhận thiệt hại của từng hộ, đồng thời lấy các mẫu nước, cá đi xét nghiệm, kiểm tra. Nhằm hỗ trợ bà con giảm bớt thiệt hại về tài sản, ngày 15/6, tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết.
Thế nhưng đến nay, 131 hộ vẫn mong chờ tiền. Một người cho biết: “Từ đó đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đến để bàn cách thức tiền hỗ trợ, dù chúng tôi mong ngóng từng ngày”.
Được cho là người bị thiệt hại nhiều nhất trong sự việc, gia đình ông Võ Văn Thảo hơn tháng nay phải sống trong cảnh phấp phỏng: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương dù số tiền này so với thiệt hại thật là rất nhỏ. Chúng tôi cũng mong Nhà nước hỗ trợ, ngân hàng và đại lý có giải pháp giãn nợ, giúp đỡ”.
Trả lời thắc mắc của người dân, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết sẽ tính hỗ trợ người dân căn cứ theo diện tích lồng bè nuôi, ước tổng số tiền hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng. Cũng theo ông Tài, căn cứ các quy định, thì các hộ nuôi cá bè phải có hợp đồng với chính quyền địa phương, nhưng do lòng hồ Trị An có những cơ chế riêng (xã quản lý hành chính về con người; đất do Thủy điện Trị An quản lý; diện tích mặt nước do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý) và qua kiểm tra, cả 2 xã Phú Ngọc và La Ngà đều không có hộ dân nào ký hợp đồng hay khai báo với xã. Vì vậy, huyện đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan để có phương án thống nhất hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất...
Một cán bộ khác cho biết thêm, huyện đã có phương án thống kê đền bù nhưng vẫn còn vướng mắc do một số hộ kê khai thiệt hại, con số có sự chênh lệch, nên huyện đang thống kê lại để gửi hồ sơ lên tỉnh.
Liên quan sự việc, hàng chục hộ cũng đã đồng loạt viết đơn xin điều tra lại nguyên nhân dù trước đó cơ quan chức năng tỉnh trong đó có Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) đã tiến hành điều tra nguyên nhân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, nguyên nhân cá chết là do sự biến đổi bất lợi về môi trường, một số hàm lượng chất trong nước vượt ngưỡng cho phép. Theo đó, tối 20/5 địa bàn có mưa lớn khiến nhiều tạp chất, rác thải trên cạn bị nước cuốn xuống sông rồi đổ về khu vực nuôi cá nên xảy ra hiện tượng cá chết.
Nhiều hộ dân không đồng tình với nguyên nhân nói trên. Hộ dân Huỳnh Tấn Hùng nghi ngờ một số doanh nghiệp khu vực suối Tam Bung (nằm phía trên thượng nguồn, gần các bè nuôi cá) lợi dụng đêm tối, trời mưa lớn nên xả thải khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm. Theo ông Hùng, ông đề nghị điều tra lại còn nhằm buộc các doanh nghiệp phải trang bị hệ thống xử lý nước thải đúng chuẩn, hoặc phải di dời đi nơi khác để người dân nuôi cá lồng bè có sinh kế ổn định, làm ăn lâu dài.
PLVN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sự việc.