Mong có “ngôi nhà bình yên”…

Nhiều người dân  khu tập thể D54 Đồng Quốc Bình biết chị V. có ông chồng hay uống rượu. Mỗi lần sau khi uống dăm ba chén là chồng chị lại bắt đầu mắng vợ con, đôi khi còn “giở võ” với người vợ đầu gối tay ấp của mình. Không ít lần, chị V. cùng các con phải “tạm lánh” sang nhà hàng xóm chờ chồng hết hơi men mới dám về. Cứ nhắc đến gia đình chị, ai nấy thở dài lắc đầu ngao ngán.

Mô hình “Ngôi nhà bình yên”

 

Mô hình “Ngôi nhà bình yên” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có 27 nạn nhân của bạo hành hoặc bị buôn bán được giúp đỡ, hàng trăm lượt phụ nữ bị bạo hành khác được tư vấn tâm lý và hỗ trợ pháp lý kể từ khi thành lập (tháng 3-2007) đến nay. Những nạn nhân đến đây đều trong tình trạng sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, tâm lý hoang mang, lo sợ do bị áp lực từ bạo lực gia đình và những hành vi xâm hại khác.

 

“Ngôi nhà bình yên” - mô hình hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế Tây Ban Nha với Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được triển khai thí điểm tại Hà Nội tháng 3-2007, tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ và trẻ em sau khi thoát khỏi nạn buôn bán người và nạn bạo hành gia đình có thể hòa nhập cộng đồng và gây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn...

 

Tìm sự bình yên ở “Ngôi nhà bình yên”, các nạn nhân được cung cấp miễn phí nơi ăn ở, theo dõi, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ thủ tục pháp lý, đào tạo kỹ năng sống, hướng nghiệp và đào tạo nghề. Tại đây có cán bộ xã hội, quản gia và bảo vệ trực 24/24 giờ để bảo đảm an toàn cho các thành viên. Một nhà trẻ là nơi chăm sóc các bé là con của các nạn nhân, có giáo viên chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ với sự giám sát, hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia nước ngoài. Phụ nữ bị bạo hành có thể sống tại "Ngôi nhà bình yên" tối đa 18 tháng, con của họ được đi học đúng độ tuổi tại các trường lân cận.

 

Tuy nhiên, dự án này mới được thực hiện ở giai đoạn đầu với 2 khu nhà có thể cung cấp nơi ăn nghỉ cho khoảng 40 nạn nhân. Giai đoạn 2 (từ 2009 – 2010) tập trung vào chăm sóc sức khoẻ, tâm lý và dạy nghề cho những đối tượng này. Trong giai đoạn này, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha hỗ trợ 638.400 ơ-rô trong tổng số hơn 908.539 USD . Còn quá nhiều nạn nhân chưa biết đi đâu về đâu vẫn đang chờ “ngôi nhà bình yên”.

 

Bao giờ Hải Phòng mới có….

 

Hiện mới có hai “Ngôi nhà bình yên” được xây dựng thí điểm ở miền Bắc trong khi có nhiều người đang cần tìm chỗ dựa bình yên. Mong ước ấy chỉ có thể tìm được giải đáp khi các địa phương cùng quan tâm đến vấn đề này. Với hai “Ngôi nhà bình yên” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ,  nhiều chị em là nạn nhân bạo hành gia đình được giúp đỡ, nương tựa cả về vật chất và tinh thần. Nếu địa phương nào cũng có mô hình này, sẽ có nhiều hơn nạn nhân bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em được bảo vệ.

 

Phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán hoặc bạo hành gia đình có thể thông qua các đoàn thể tại địa phương hoặc trực tiếp liên hệ với dự án “Ngôi nhà bình yên”để yêu cầu giúp đỡ thông qua địa chỉ: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - 20 Thuỵ Khê - Hà Nội. Điện thoại: 04.7.280.280.

 

Nếu Hải Phòng có được những ngôi nhà bình yên như thế, những người chịu bạo hành gia đình sẽ bớt nỗi lo không có nơi “tạm lánh” như hoàn cảnh chị V. Cũng sẽ bớt đi nhiều những câu chuyện thương tâm sau bạo lực gia đình trong bệnh viện. Cùng với sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, cảm hóa, tác động tâm lý với những người gây ra bạo lực của toàn xã hội sẽ giúp việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có những kết quả thiết thực hơn.

 

Khánh Phương

Đọc thêm