Tình cờ tôi gặp Nguyễn Văn Doanh tại cổng TAND Tp Hà Nội, trước thái độ khá điềm nhiên của anh ta, tôi không ngờ đó là một bị cáo của phiên tòa sắp sửa diễn ra, và lại càng không nghĩ rằng đó là một người chồng vừa qua giỗ đầu của vợ.
Mà cái chết oan uổng của người đàn bà đó chính là nguyên nhân của vụ án này. Những băn khoăn ấy đã thúc giục tôi đi tìm những điều còn uẩn khuất.
Người nhà chị Lưu và di ảnh người đàn bà xấu số tại phiên tòa sơ thẩm |
Bản án từ lòng tốt
Nguyễn Văn Doanh chính là bị cáo của phiên tòa sơ thẩm ngày 13/4 của TAND huyện Sóc Sơn – Hà Nội. Hội đồng xét xử cho rằng y phạm tội ngược đãi vợ, dẫn đến cái chết thương tâm của chị Nguyễn Thị Lưu. Câu chuyện vụ án này đã gây xôn xao dư luận trong cả một thời gian dài.
Vụ việc bắt đầu từ chuyện chị gái của Nguyễn Văn Doanh bị ốm, chiều ngày 31/5/2009 vì tình chị em, chị Lưu vào viện thăm và biếu chị chồng 200.000đ, sau đó cùng hai em gái chồng đi cắt lúa giúp gia đình chị này.
Vì biết tính chồng nhỏ mọn, chị Lưu chỉ dám nói với chồng rằng có vào thăm người ốm, cho 50.000đ, nhưng không dám nói đi làm giúp chị, mà nói đi cắt cỏ.
Biết vợ nói dối, lại mắc tội hoang phí vì cho chị những 200.000đ, Nguyễn Văn Doanh đã chửi bới, và dùng dây cua-roa máy xát gạo đánh đập vợ. Được sự can ngăn của mọi người, Doanh đã ngừng tay, nhưng sau đó, khi cùng nhau đến nhà bố mẹ vợ, Doanh vẫn tiếp tục mắng chửi chị Lưu.
Khoảng 23h hôm đó, gia đình mẹ đẻ chị Lưu nhận được hung tin về chị. Chị Lưu được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung Giã nhưng bác sĩ cho biết chị Lưu đã chết từ nhà nên không thể cứu được.
Mặc dù cáo trạng của VKSND huyện Sóc Sơn, và bản án của TAND huyện Sóc Sơn cũng đã kết luận chị Lưu chết do tự tử bằng thuốc độc.
Tuy nhiên, những người thân của chị Lưu, cũng như dư luận của người dân huyện Sóc Sơn đã rất bất bình với phán quyết của Tòa án. Họ cho rằng còn rất nhiều ẩn khuất sau cái chết oan uổng chị Lưu, và cái ác còn chưa được trừng trị.
Địa ngục trần gian với kẻ tay ấp má kề
Nguyễn Văn Doanh nói với tôi rằng, vợ anh đã chết một năm, nỗi đau đã được ẩn sâu trong lòng - khi tôi thắc mắc về sự thản nhiên của người chồng mất vợ.
Nhưng khi tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Lưu, khác với “nỗi đau đã ẩn sâu” ở gã chồng này, không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ.
Từ ngoài ngõ, tôi đã gặp khuôn mặt u uất xót xa của những người hàng xóm. Chiếc bàn nhỏ bày di ảnh của chị Lưu vẫn nghi ngút khói hương.
Ông Thu, bà Tiền – thân sinh của chị Lưu - ngồi như hai bức tượng ở ngoài hiên, sự hiện diện của một người khách lạ làm ông bà giật mình, như sực tỉnh sau khi trôi về một quá khứ xa lắc. “Từ khi con gái mất, lúc nào chúng tôi cũng như mơ. Cái chết thương tâm của con tôi như một cơn ác mộng, chúng tôi chỉ mong tỉnh giấc để thấy đó không phải là sự thực.” – ông Thu nói.
Chị Lưu là con gái giữa của ông bà Thu. Hiền lành, khỏe khoắn, khi còn ở với bố mẹ, chị Lưu chưa bao giờ để ông Thu, bà Tiền phải phiền lòng.
Gả con cho Nguyễn Văn Doanh, nhất là khi hai đứa cháu một trai một gái ra đời, ông bà ngỡ tưởng đã chọn cho con được chốn bình yên.
Nhưng mãi sau này, ông bà mới biết đứa con gái đáng thương ấy luôn phải chịu những trận đòn roi, mắng chửi dã man của gã chồng vô nhân tính. “Không biết bao nhiêu lần nó đánh đập con tôi, đóng cửa, bịt mồm không cho kêu khóc. Thương bố mẹ, không muốn bố mẹ đau lòng, thêm tính cam chịu, một phần muốn giữ thể diện cho chồng, con tôi cứ âm thầm chịu đau đớn như thế.” Bà Tiền nói trong nước mắt.
Ấy nhưng sự dã man, vô nhân tính của gã chồng vũ phu ấy đã vượt qua gian nhà hẹp, và phơi bày trước bàn dân thiên hạ khi hắn sử dụng vũ lực vô cớ với vợ.
Điển hình như một lần năm 2006, chỉ vì chị lúa đổ, Doanh đã ôm rơm, tẩm xăng đốt cả ruộng lúa, lấy dây cua-roa đánh vợ, và đẩy vợ vào đám cháy.
Hay như một lần, chỉ vì có một người khách đàn ông vỗ vai hỏi mua hàng của chị Lưu, Doanh cũng lấy cớ để hành hạ vợ…
Có chết thì cũng còn hơn mang tội bỏ con
Cắt ngang câu chuyện tưởng như vô tận của ông bà về nỗi đau mà cô con gái phải chịu qua những trận đòn của chồng, tôi hỏi, ông bà có thấy mình có lỗi trong chuyện này.
Họ gật đầu thú nhận: Chúng tôi có lỗi. Lỗi của những người bố, người mẹ tưởng con mình đã lớn, cho nó tự quyết định cuộc sống của mình. Lỗi đã không biết dạy con rằng: phải biết tự cứu mình thoát ra khỏi địa ngục khi lỡ bị sa vào đó.
Cố ngăn cho khuôn mặt đàn ông không có nước mắt, ông Thu im lặng hồi lâu rồi tâm sự: “Tôi rất ân hận. Có lần chúng tôi cũng đã cố khuyên con, bảo nó là đừng cố chịu khổ nữa, lỡ có mệnh hệ gì thì bố mẹ mất con, các con mất mẹ, chị em mất nhau. Thôi, về nhà với bố mẹ. Nó cũng đã về ở với chúng tôi được một tháng….”.
Nhưng rồi, chỉ vì nhìn thấy đứa cháu ngoại đã chín tuổi, lén lút lên nhà ngoại thăm mẹ, sà vào lòng mẹ bú tí như con lợn con, nó nói: “Con thèm mẹ lắm!”.
Câu nói của đứa bé đã làm ông mềm lòng, để con gái đắm đuối vì con ấy của ông trở lại nơi mà cả ông và nó đều biết đó là địa ngục. Lòng ông như xát muối với lý do mà con ông nại ra: Con về thôi bố ạ! Con có bị anh ấy đánh chết thì cũng còn hơn là sống mà mang cái tội mẹ bỏ con.
Đừng để có những người đàn bà phải chết như Lưu.
Cũng tưởng như kéo dài vô tận là những bức xúc của bố mẹ đẻ nạn nhân Nguyễn Thị Lưu khi ông bà nói về những điều không minh bạch trong quá trình điều tra và xét xử vụ án.
“Không chỉ bằng những linh cảm của người bố, người mẹ, mà chỉ nhìn bằng con mắt của một người bình thường, với những chứng cứ rõ ràng, với những suy luận logic đơn giản, thì đều có thể thấy rõ ràng rằng con tôi đã bị giết chết, sau đó dựng hiện trường giả, và vu cho nó cái tiếng tự tử. – ông Thu nói – Nhưng không hiểu sao, những người cán bộ điều tra lại có thể kết luận trái ngược lại sự thực như thế.”
Một phần viên độc dược còn lại - được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân - được cất cẩn thận dưới đáy hòm mà chìa khoá vẫn nằm trong tay Nguyễn Văn Doanh; những dấu tím ở cổ nạn nhân không được làm rõ; những dấu vân tay tại những vị trí có tính chất nghiêm trọng trong một vụ án hình sự bị cố tình bỏ qua... là những căn nguyên làm cho những người thân của Nguyễn Thị Lưu cho rằng oan hồn của chị chưa đựơc yên nghỉ.
Như nói từ gan ruột của mình, ông Thu tâm sự: "Con tôi chết thì cũng đã chết rồi. Nhưng chúng tôi muốn mọi việc phải được sáng tỏ. Cái ác phải được trừng trị. Sau khi toà sơ thẩm tuyên án, ó thằng vũ phu ở làng tôi đánh chửi vợ là: Thằng Doanh nó giết con Lưu đấy, có ai làm gì được nó đâu. Mày lằng nhằng, tao cũng cho mày chết luôn như nó. Tôi chỉ mong pháp luật nghiêm minh, mong những người cán bộ toà án công tâm, để cuộc sống không còn có những đứa con gái phải chết như cái Lưu nhà tôi nữa.”
Sẽ không còn những người đàn bà phải chết bởi bàn tay vũ lực, bởi sự đau đớn về thể xác và tâm hồn do chính người chồng mình gây ra – với bài viết này, mong muốn lớn nhất của tôi cũng chỉ là thông điệp của người cha già ấy được mọi người biết đến, và cùng nhân rộng trong cộng đồng.
Vân Tùng