Năm 2014, Hà Nam có mức tăng trưởng 13,15%, được đánh giá là năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong ba năm trở lại đây, trong đó chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng công nghiệp đóng góp. Năm 2014 cũng là năm Hà Nam được xếp vào Top 10 địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất.
Mạnh dạn đổi mới để tăng tốc
Từ một tỉnh thuần nông, sau 18 năm tái lập, Hà Nam hiện nay có tốc độ phát triển công nghiệp khá cao. Xin ông cho biết đâu là “bí quyết” của điểm nhấn này?
- Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, cùng với cầu Yên Lệnh, cầu Thái Hà tạo cho Hà Nam lợi thế mới để mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh Đông bắc và ra cảng biển Hải Phòng. Những năm qua, Hà Nam đã tận dụng lợi thế đó để tự tin và vươn lên phát triển kinh tế, xã hội theo hướng chất lượng, toàn diện, tăng tốc và bền vững.
Cùng với việc thực hiện chính sách thông thoáng về môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh, có thể nói, trong những năm qua, Hà Nam đã thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo tỉnh có 10 cam kết với các DN và luôn nghiêm túc thực hiện. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2013 của tỉnh tăng 26 bậc so với năm 2012, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, gồm hệ thống chiếu sáng, giao thông, trạm cấp nước, hệ thống thoát nước, trạm xử lý nước thải... với các ngành sản xuất có tính động lực như điện tử, dệt may, cơ khí với kỹ thuật tiên tiến, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 474 dự án đầu tư còn hiệu lực, với 124 dự án FDI của hầu hết các tập đoàn và công ty lớn đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu là đến từ 2 thị trường uy tín là Hàn Quốc và Nhật Bản với 59 dự án của Hàn Quốc, 53 dự án của Nhật Bản. Kết quả là tốc độ tăng trưởng công nghiệp năm 2014 của Hà Nam đạt 18,7%, đưa con số bình quân của phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 — 2014 lên 22,4%/ năm. Có thể nói, năm 2014 Hà Nam có được tốc độ tăng trưởng 13,15% là nhờ có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, trong đó chủ yếu là do các DN đầu tư nước ngoài đóng góp.
Chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, Hà Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Mai Tiến Dũng |
Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, được biết Hà Nam cũng rất chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ông có thể cho biết mục tiêu của tỉnh và những kết quả đạt được trong lĩnh vực này?
- Nếu không quan tâm tới nông nghiệp mà chỉ chăm lo đến công nghiệp thì dần dần khoảng cách sẽ giãn rất xa, bây giờ có thể chưa nhìn thấy ngay nhưng tiềm ẩn những bất ổn cho đời sống xã hội.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ là tăng tốc, phát triển nông nghiệp là bền vững, năm 2015 này, Hà Nam tiếp tục trọng tâm vào phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân ở nông thôn. Hiện chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện và triển khai mô hình liên kết giữa nhà nông, DN và ngân hàng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, mở rộng hợp tác với DN có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu đến từ Nhật Bản.
Ðể tháo gỡ vướng mắc cho DN về mặt bằng sản xuất, tỉnh đứng ra bảo đảm với nông dân và DN theo hai hình thức: nông dân góp ruộng cùng hợp tác với DN hoặc nông dân cho DN thuê lại ruộng, sau đó tiếp tục làm công nhân cho DN ngay trên diện tích đất đã cho DN thuê.
Mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung gắn với ký hợp đồng tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị diện tích canh tác, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp DN yên tâm đầu tư cho sản xuất. Khi nông dân được tiếp cận và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nam xác định triển khai hết sức kỹ càng, thận trọng nhưng phải nhanh. Trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, diện mạo nông thôn hiện nay đã thay đổi rất nhiều theo hướng khang trang hơn, văn minh hơn. Chỉ nói riêng tiêu chí về giao thông thông thôn, hơn 2.890km đường thôn xóm đã được tỉnh hỗ trợ xi măng cho bà con làm đường, bà con đóng góp đất, dịch giậu, dịch tường và huy động những người con quê hương đi công tác xa đóng góp thêm, làm toàn bộ mặt đường bê tông rộng ít nhất 3m…
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc cũng góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an sinh xã hội đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng nông thôn, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ vững và phát huy có hiệu quả khiến bà con rất phấn khởi.
Thực tế, việc công nghiệp hóa nông nghiệp thường kéo theo tình trạng dôi dư lao động ở khu vực nông thôn, tỉnh Hà Nam giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi cũng đã tính toán nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn sau khi việc tích tụ ruộng đất hoàn thành và đi vào hoạt động. Ðó là cách giải bài toán giảm bớt lao động trong nông nghiệp để cân bằng cho các DN đang và sắp đi vào hoạt động, tạo ra chuỗi đô thị hóa, bảo đảm thị trường lao động trong tỉnh được ổn định, đồng thời thu hút DN cùng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng “doanh nhân hóa chủ thể nông dân”, lựa chọn DN “đầu tàu” để kéo nền sản xuất nông nghiệp theo kịp với sự phát triển chung của đất nước và thế giới.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, nếu tỷ lệ lao động trong nông thôn lớn quá cũng không ổn vì có nhiều việc trước kia cần tới 5 người, nay nhờ máy móc chỉ cần có 1 người. Bởi vậy, mục tiêu của chúng tôi là rút dần lao động ở khu vực nông thôn sang làm việc tại các khu công nghiệp và dịch vụ tại chỗ.
Phải đưa nông dân đi đào tạo để trở thành công nhân cho các khu công nghiệp và công nhân cho DN ngay trên mảnh ruộng của mình.
Công khai, minh bạch từ việc nhỏ
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xã hội, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được Hà Nam triển khai thế nào, thưa ông?
- Để Đại hội Đảng các cấp diễn ra thành công tốt đẹp, đúng mục đích, cấp ủy các cấp của Hà Nam đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước trong công tác chuẩn bị, từ việc tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên; thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội; chuẩn bị văn kiện Đại hội; chuẩn bị nhân sự cấp ủy...
Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Hà Nam cũng đã tổ chức Kỳ họp thứ 32 thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo lần 1 Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, chúng tôi luôn xác định phải làm tốt công tác dân chủ, công khai, minh bạch để thấu tình, đạt lý từ cơ sở.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2014, cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam có bước chuyển tích cực: Công nghiệp, xây dựng đạt 54,68%; dịch vụ đạt 30,85%; nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 14,47%; thu ngân sách đạt khá, tăng 7,68% so với năm 2013...
Hà Nam hiện có hơn 36 nghìn lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong đó 76% số lao động là người địa phương, với mức thu nhập bình quân từ ba triệu đồng người/tháng trở lên. Việc xây dựng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho bộ phận lớn lao động phổ thông đang dư thừa trong sản xuất nông nghiệp có cuộc sống tương đối ổn định.