Một bước lên thiên đường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một đứa con gái bị mẹ sinh ra rồi ném ra ngoài đường, kèm theo căn bệnh chết người. Điều đó là một định mệnh đau thương, như một tấm chứng minh thư nhắc cho tôi biết mình là ai. Người cứu tôi là một nhà sư.
Một bước lên thiên đường

Tôi được nuôi nấng ở trong chùa cho đến khi 15 tuổi, và phát hiện trong tôi mang căn bệnh thế kỷ. Lúc đó, tôi đã muốn chết đi. Lại một lần nữa được cứu. Người đưa cánh tay ra nâng đỡ tôi là một người đàn bà bất hạnh nhưng hết lòng yêu người.

Khi mang tôi về chăm sóc, mẹ đã nhận tôi làm con và đặt tên lại là Dâng, như sự hiến dâng của trời đất. Cả ngày hai mẹ con ríu rít bên nhau như chim, như không hề biết buồn, biết chán nản, dẫu mẹ nuôi đã cả đời vấp váp trong những vũng đau khổ. Và cả cái Câu lạc bộ Hoa Sữa của mẹ nữa. Những người con gái, người phụ nữ bị bệnh tật và cả sự dè bỉu dìm xuống đáy, nhưng quật cường đứng lên, mang niềm vui và ánh sáng cho người khác.

Tôi vẫn được mẹ dạy rằng: “Con người sinh ra, không thể vô nghĩa và bị lãng quên như hạt cát, mà phải làm nên những mùa xuân”. Tôi biết, mẹ đã làm nên rất nhiều mùa xuân.

***

Mẹ Thanh là người con gái Hà Nội có thời con gái xinh đẹp. Mười tám tuổi sớm lên xe hoa theo chồng về Hải Phòng. Chồng mẹ là một thủy thủ tàu viễn dương. Hạnh phúc chưa kịp thấm vị ngọt trên môi, mẹ mang thai con gái đầu lòng, đứa bé chưa ra đời thì chồng mẹ bị tai nạn đắm tàu biệt xác ở ngoài khơi.

Năm đó mẹ mới 19 tuổi, nặng nhọc sinh con một mình. Sau đó cùng cha mẹ chồng di cư vào Sài Gòn. Chẳng bao lâu, nhận được tin em trai mẹ nghiện ma tuý nặng và có HIV, mẹ quyết định bỏ hết, ôm con trở về nhà chăm sóc cha mẹ và các em.

Bà đẻ ra mẹ bị tai biến mạch máu não nằm suốt 15 năm, em gái kề mẹ dở người đi lang thang rồi có chửa, sinh ra hai đứa trẻ không biết cha là ai. Vứt lại hai đứa trẻ còn đỏ hỏn cho ông bà, em gái mẹ bỏ đi biệt tích không tìm được. Cha của mẹ còng lưng trước những đòn đau của số phận, ông suy nghĩ nhiều sinh trọng bệnh. Mẹ quyết định không đi đâu nữa. Cũng không ai ngờ, HIV sẽ cột chặt vào cuộc đời mẹ như một ám ảnh của số phận.

Bốn năm trời mẹ túc trực bên giường bệnh chăm cha mẹ, chăm em trai giai đoạn cuối của AIDS. Rồi tai họa ập đến. Trong một lần rút kim truyền dịch cho em trai mẹ, khi đóng nắp kim tiêm, mẹ bị trượt tay, kim tiêm đâm qua găng vào ngón tay đeo nhẫn. Cả nhà mẹ hốt hoảng xúm vào nặn ra bao nhiêu máu ở đầu ngón tay cho mẹ. Đi xét nghiệm, kết quả lúc đó vẫn âm tính. Mấy ngày sau khi cha mẹ qua đời, em trai mẹ cũng trút hơi thở cuối cùng. Chôn cất hai người thân xong mẹ lại đi xét nghiệm HIV, lần này đúng như những dự cảm về tai ương, mẹ có HIV.

Khủng hoảng và suy sụp, mẹ nằm bệt cả tháng trên giường, không bước ra khỏi nhà, sợ ánh sáng, sợ tiếng người, sợ những âm thanh của cuộc sống, những âm thanh trước đó nuôi sống mẹ thì giờ đây làm mẹ đau nhức nhối, làm cho mẹ kiệt sức. Mấy tháng sau, mẹ mẹ cũng qua đời. Trong những ngày bóng đêm phủ ngập căn nhà cũ ấy, mẹ thấy mình còn đau khổ hơn cả nàng Kiều. Nàng Kiều có thể bán mình chuộc cha, hi sinh tiết hạnh để cứu cơn gia biến. Còn mẹ, không cứu được mẹ, cha, em đều mắc bệnh nan y.

Tất cả những điều đó, như những thước phim cho một đoạn đời đầy nước mắt, tơi bời thân yếu nữ đào tơ về cuộc đời người phụ nữ. Tuổi xuân qua đi, hạnh phúc chưa tới, ngập ngụa bùn đen số phận. Lúc đó, ai cũng tưởng mẹ sẽ gục, chẳng bao giờ muốn sống.

Thế mà mẹ vẫn sống, tốt là khác. Cưu mang biết bao nhiêu thân phận cùng cảnh, rồi còn cứu giúp một đứa con gái khủng hoảng tinh thần là tôi nữa. Tuổi thơ sống trong chùa, với một thế giới tâm linh, yên ắng. Có thời gian như cổ tích vậy. Nhà sư nữ tên Hòa An cũng coi tôi là con, chăm chút cho tôi hơn cả bản thân mình.

Tôi đã bị mẹ đẻ bỏ rơi, rồi được sự săn sóc của hai người mẹ, chẳng máu mủ, phúc đức nhường nào. Mẹ An từng bảo: “Ai chịu đau khổ nhiều và làm nhiều điều phúc đức, chết đi sẽ được lên thiên đường”. Lúc đó, vì còn nhỏ, tôi hét lên: “Mẹ An chết đi sẽ được lên thiên đường”.

Bây giờ, ở với mẹ Thanh, tôi muốn cả mẹ Thanh và mẹ An cùng được lên thiên đường hưởng phúc khi chết. Nhưng với những gì mẹ Thanh làm được, tôi ngây ngô nghĩ chắc mẹ phải lên hai lần thiên đường. Vì hằng ngày, mẹ vẫn làm nhiều điều phúc đức. Một hôm, sau khi đi chùa về, tôi nói với mẹ Thanh:

- Mẹ Thanh sẽ một bước lên thiên đường.

- Sao con nói thế? - mẹ ngạc nhiên hỏi.

- Bởi vì mẹ là ngôi sao sáng cho con, cho bao người. Mẹ cũng là người đau khổ số một.

Mắt mẹ đăm đắm nhìn xa xăm vô định. Như cơn mưa chiều hôm trước gửi gắm nỗi niềm. Đôi mắt ấy có ý nói rằng những việc làm như là trách nhiệm mà một người phụ nữ như mẹ phải làm. Rồi mẹ vỗ vai con gái bảo:

- Thiên đường là của chung tất cả mọi người. Ai hướng về nó thì được, nhưng chẳng dễ vậy đâu.

Tôi khẳng định:

- Với những gì mẹ đã và đang làm, cùng với sự mở rộng của Câu lạc bộ, trong con, mẹ là người phụ nữ vĩ đại nhất thế gian này.

Câu lạc bộ là do mẹ nghĩ ra, để kết nối những thân phận, tìm lấy công ăn việc làm, xoá bỏ mặc cảm để sống. Nhưng để hòa nhập được, thật không dễ. Câu lạc bộ Hoa Sữa mang tên một loài hoa Hà Nội, do mẹ thành lập, lặng lẽ toả hương cho đời, âm thầm như chính mẹ. Ngôi nhà của mẹ là trụ sở, thành “ngôi nhà chung” cho mọi thành viên.

Mẹ Thanh không chỉ chiến thắng nỗi đau của bản thân để thực hiện những nghĩa cử hiếm có mà một người có HIV như mẹ còn vượt lên cả nhiều định kiến xã hội. Để có tiền “nuôi” hoạt động của nhóm Hoa Sữa, để nấu cháo, mua quà trung thu hay gói hàng ngàn chiếc bánh chưng tặng bệnh nhân HIV dịp Tết, mẹ phải nỗ lực thông qua nhiều kênh quan hệ riêng như người cha nuôi là một giáo sư ở Ca-na-đa tìm kiếm nguồn tài trợ. Không phải là một dự án nên toàn bộ kinh phí của Hoa Sữa đều là tự túc. Mẹ hoàn toàn làm việc không lương. Những người về nhóm Hoa Sữa đa số sức khoẻ, tinh thần suy sụp. Để động viên, vực họ dậy phải mất một thời gian rất dài.

Rồi mẹ lại bươn bả để nuôi tôi, nuôi những người kém may mắn khác. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ lo lắng cho riêng mình. Đêm về trằn trọc nỗi suy tư day dứt, thời gian sau mẹ lại nghĩ ra cách mở quán sửa xe để các chú trong nhóm có việc làm, có thu nhập. Rất nhiều lần, tôi thấy các chú chào mẹ: “Chào thiên thần nhỏ”. Phải rồi, đâu chỉ mình tôi coi mẹ là thiên thần, các chú cũng vậy, những người từng biết mẹ đều nghĩ vậy. Mẹ là sứ giả của tình yêu. Bằng chứng là mẹ đã làm mai mối cho bảy đôi vợ chồng. Họ không thể sinh con, nhưng họ nguyện sống bên nhau, chăm sóc nhau nốt quãng đời còn lại. Nó phải là quãng đời có ích.

Phần mẹ, cũng có một người đàn ông theo đuổi. Các cô chú nói, con biết. Nhưng mẹ không muốn điều đó. Mẹ muốn dành hết thời gian và tâm sức để làm việc thiện. Nghe đâu người đàn ông đó cũng mắc bệnh như mẹ, cố gắng thuyết phục để mẹ Thanh chịu xây dựng một tổ ấm cho riêng mình. Các cô chú động viên, tác thành, vì mẹ đã tác thành cho họ, lại chẳng nghĩ cho mình. Mẹ lắc đầu: “Đời tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tục huyền. Tôi sống cho mọi người”.

Vậy đấy, nhưng thực sự, mẹ rất thương người đàn ông kia. Ông ta trông khổ sở quá, bi quan lạc lõng quá. Ông ta biết mẹ từ lâu, cảm mến từ lâu. Nhưng rồi một ngày, ông ta đã lợi dụng cuỗm của mẹ một số tiền lớn, là tiền để trang trải cho Câu lạc bộ rồi bỏ trốn. Các cô chú bảo mẹ báo công an. Mẹ lắc đầu: “Chắc lỗi là ở tôi, tôi đã không cho ông ấy tình, ông ấy lấy tiền, bỏ qua đi”. Mọi người ngơ ngác nhìn nhau: “Chị quá lương thiện và nhân hậu”.

***

Thời gian cho tôi làm người, cho tôi được lập gia đình và có con. Vậy thời gian lại khiến cho tôi nhanh mất mẹ Thanh, cho ngày mẹ sống trên cõi đời này ngắn lại. Và rồi, dường như kiệt sức vì làm việc và bệnh tật hành hạ. Bệnh tật đã ăn ruỗng cơ thể mẹ, khiến mẹ chẳng thể nào chống đỡ. Mẹ đã nằm liệt giường và chỉ còn chờ ngày lên thiên đường.

Mẹ dường như biết mình chẳng còn sống được bao lâu, nên gọi các cô các chú vào dặn dò. Mẹ vẫn lo cho từng người một, cho tương lai của họ, tương lai của Câu lạc bộ. Khổ thân mẹ, sắp chết rồi vẫn nghĩ cho người khác.

Tôi vào bên mẹ, nước mắt tràn trề. Mẹ nằm thở dốc, yếu đuối, tôi biết, thời gian lúc này chỉ tính bằng phút. “Con kể cho mẹ giấc mơ hôm qua nhé. Con đã mơ thấy mẹ một bước lên thiên đường thật. Con đường đi đẹp lắm, đầy hoa và núi. Cả một trời hoa mẹ ạ. Rất nhiều người muốn lên thiên đường mà không được...”. Mẹ ngắt lời: “Không, nếu có người đau khổ nào cần mẹ nhường bước để lên thiên đường, mẹ sẽ để họ đi trước”.

Tay mẹ vừa nắm chặt tay tôi, giờ lỏng dần, lỏng dần và buông thõng. Mặt mẹ nhắm lại, cơ thể bất động. Tôi nhìn mẹ, òa khóc. Ngoài kia, không gian cũng òa vỡ, bầu trời nứt toác. Tiếng khóc thê thiết bi thường bùng lên. Mẹ đã kết thúc cuộc đời khổ hạnh của mình. Và sẽ là thánh. Con tin vậy.