Ngày xưa, trong giáo dục truyền thống, giềng mối gia đình chặt chẽ và mật thiết với những ngôi nhà thường hiện hữu “tam đại đồng đường”. Trong nhà, từ thuở ấu thơ, trẻ được dạy phải nghe lời cha mẹ, ông bà... Láng giềng, làng xã, dòng tộc xa gần cũng góp phần tạo nên một mối dây liên kết trong việc giáo dục con người sống đúng lề luật, tránh xa hành vi sai trái, thói hư tật xấu.
Học sinh Trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội vẽ tranh về môi trường thân thiện Ảnh: V.Hà |
Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các giềng mối gia đình, dòng tộc, xóm giềng trở nên lỏng lẻo. Xã hội biến động với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng cá nhân khiến các giá trị tinh thần, giá trị đạo đức truyền thống chao đảo. Sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng như Internet, phim ảnh, báo chí... khiến những gì trẻ học trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội rất khác nhau.
Nhiều trường hợp trẻ phải ứng phó một mình. Cha mẹ vẫn còn đó nhưng không theo kịp những biến động xã hội hoặc mải lo kinh tế gia đình nên bỏ mặc con cái tiếp cận với đủ loại tác động tốt xấu. Do ngày càng có nhiều việc trẻ phải tự quyết định nên trẻ không chỉ cần được biết thế nào là điều hay lẽ phải, mà trẻ cần phải có khả năng hành động theo nhận thức.
Như ta được biết, nhận thức và hành động luôn có một khoảng cách khá lớn. Ví như cha mẹ, thầy cô biết đánh trẻ là sai nhưng vẫn đánh. Trẻ biết ma túy là nguy hiểm nhưng có trẻ vẫn hút vì sức ép từ bạn bè.
Trước tình hình này, vào những năm đầu thập niên 1990, các tổ chức WHO, UNICEF, UNESCO đã chung tay tìm ra cách giáo dục để trẻ biến nhận thức thành hành động, nghĩa là trẻ không chỉ hiểu biết mà còn làm được điều hiểu biết. Cách dạy cũ theo kiểu rao giảng suông, truyền đạt kiến thức suông không làm được sự thay đổi hành vi. Đây là một thực tế không thể phủ nhận.
Đây cũng chính là yêu cầu cho tất cả những giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ. Nếu Bộ GD-ĐT muốn đưa việc giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường thì lực lượng giáo viên này cần có sự đào tạo kỹ lưỡng và chính thống.
Trong cách giáo dục mới, trẻ được giúp đỡ để biết mình là ai, mình có mục đích, có ước mơ gì trong cuộc sống, biết dung hòa giữa cái tôi và cái ta, trẻ có những lựa chọn và quyết định đúng trước những biến cố do cuộc sống mang đến. Để có năng lực tâm lý xã hội này trẻ cần được học: ý thức về giá trị bản thân, sự thấu cảm với người khác, suy nghĩ sáng tạo và có phán đoán, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng bảo vệ môi trường và sức khỏe sinh sản, kỹ năng chống bạo lực...
Phương pháp dạy kỹ năng sống là giúp cho trẻ được trải nghiệm, đặt trẻ trước nhiều tình huống để trẻ giải quyết theo nhóm thông qua thảo luận, trò chơi, sắm vai, vẽ tranh hay hành động cụ thể. Qua đó trẻ học bằng hành, trẻ phải tự quyết định với sự góp sức của nhóm theo hướng tích cực.
Giáo dục kỹ năng sống không dễ chút nào, thậm chí rất khó, vì nó nằm ngoài cách suy nghĩ và thói quen của chúng ta từ trước đến nay. Giáo viên dạy kỹ năng sống phải tin vào khả năng của trẻ. Giáo viên không áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, không suy nghĩ thay cho trẻ mà cần khơi dậy tiềm năng của trẻ, hỗ trợ và phát triển tiềm năng này bằng thái độ thông cảm và tôn trọng.
Giáo viên ngoài cái tâm biết yêu trẻ, tôn trọng trẻ lại cần có kiến thức về tâm lý lứa tuổi, kỹ năng sống, kỹ năng giáo dục chủ động, kỹ năng về nhóm để vận dụng tâm lý nhóm vào phương pháp giáo dục. Giáo viên cũng cần có khả năng sinh hoạt, hát, múa để tạo không khí sinh động, vui tươi, hòa đồng làm nên sức hút thật mạnh mẽ.
Nền tảng của việc giáo dục kỹ năng sống là ý thức cao về giá trị bản thân nơi trẻ. Tất cả những yêu cầu hết sức đặc biệt đó của một giáo viên dạy kỹ năng sống sẽ là một thách thức lớn cho chủ trương đưa kỹ năng sống vào trường học. Nếu chúng ta không có lực lượng được đào tạo chuyên biệt thì xem như không khác gì môn giáo dục công dân mà cả học sinh và thầy cô giáo đều đang hết sức chán ngán.
Theo Tuổi trẻ