Nguyễn Thị Thanh Huyền, trước đây là kế toán trưởng của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố (TTBTTEĐP) Đà Nẵng, nhưng từ năm 2008 đến nay, chị là chủ của một cơ sở chuyên chế tác và kinh doanh các loại đá quý thiên nhiên và tranh làm bằng dăm đá quý với thương hiệu Trúc Xanh. Điều đặc biệt của cơ sở Trúc Xanh là những nhân viên ở đây đều là người khuyết tật, và những câu chuyện ở cơ sở đã thực sự làm chúng ta xúc động.
|
|||
Chị Huyền (phía sau) với em Vũ Trường Giang. |
Huyền kể rằng, có lẽ những ngày làm việc ở TTBTTEĐP Đà Nẵng đã hun đúc trong suy nghĩ của Huyền nhiều trăn trở về hoàn cảnh của những đứa trẻ bị thiệt thòi. “Máu” công tác xã hội dường như cũng đã ăn sâu trong con người Huyền từ bao giờ chẳng hay biết. Vì vậy mà từ khi bước chân vào nghề chế tác và kinh doanh các loại đá quý, chị đã nghĩ ngay đến việc biến cơ sở của mình thành nơi đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật ở địa phương.
Người đầu tiên Huyền đưa về làm việc tại Trúc Xanh là Ngô Thị Lan - một cô bé trước đây sống lang thang không nơi nương tựa, với đôi chân tật nguyền, ngày ngày Lan phải đi xin ăn ở khu vực chợ Hàn. Sau khi được TTBTTEĐP đưa về nuôi dưỡng và cho đi học, nay Lan đã chững chạc làm việc ở cơ sở Trúc Xanh với lương tháng 1,2 triệu đồng. Nguyễn Đức Vinh, quê ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cũng là người khuyết tật gắn bó từ đầu với Trúc Xanh. Theo phân công của Huyền, hằng ngày Vinh đến các khách sạn hoặc các đơn vị kinh doanh để giới thiệu sản phẩm, qua đó, Vinh đã đưa nhiều sản phẩm của cơ sở đến với khách hàng ở khắp mọi nơi.
Với thu nhập 1,4 triệu đồng/tháng, Vinh đủ để tự nuôi sống bản thân và góp một phần nhỏ giúp đỡ gia đình. Anh Nguyễn Hùng Minh, trước đây từng là một bệnh nhân tâm thần, nay đã chữa khỏi bệnh nên được Huyền bố trí làm việc ở bộ phận bảo vệ của cơ sở. Vừa bưng bê các loại đá cho những người thợ khuyết tật chế tác, vừa trông coi cơ sở ở số 486 đường 2-9 Đà Nẵng, mỗi tháng anh Minh cũng có thu nhập trên 1 triệu đồng… Khi chúng tôi đến Trúc Xanh, cũng là lúc Huyền vừa đưa về cơ sở của mình thêm một thanh niên khuyết tật tên là Vũ Trường Giang, quê ở xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Huyền cho biết: Giang bị khuyết tật ở chân, hiện sức khỏe em còn yếu nên đi lại hết sức khó khăn, dự định của Huyền là sẽ cho Giang học nghề vẽ tranh sơn dầu. Trước mắt, cơ sở sẽ nuôi cơm và hằng tháng cố gắng để phụ cấp thêm cho em một ít tiền tiêu vặt.
Hiện tại, Huyền đã thuê được một cơ sở ở số 195/1 đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng, sau khi sửa chữa hoàn tất, đây sẽ là nơi để những người khuyết tật học nghề, chế tác và trưng bày sản phẩm bán cho khách hàng. Đồng thời tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Huyền cũng đang tổ chức một cơ sở vừa dạy nghề cho người khuyết tật, vừa chế tác các sản phẩm từ đá. Đây là cơ sở có diện tích tương đối, nên người đến học nghề hay làm việc sẽ được bố trí chỗ nghỉ lại và ăn cơm trưa…
|
|||
Sản phẩm được chế tác từ đá. |
Làm việc với người bình thường đã khó, làm việc với người khuyết tật càng khó hơn. Huyền luôn ý thức được sự khó khăn ấy, cho nên chị thường xuyên phải tìm đến các giáo viên có chuyên môn dạy cho người khuyết tật, các bà Xơ trong các tu viện để học hỏi những kỹ năng ứng xử với người khuyết tật. Huyền kể: Ở cơ sở Trúc Xanh có em Nguyễn Mạnh Cường là người khuyết tật câm, điếc. Cường rất siêng năng, dễ mến và đam mê công việc làm tranh bằng đá dăm, nhưng chỉ vì một sơ suất nhỏ của bộ phận kế toán là không đưa tên Cường vào danh sách bảng lương mà Cường tự ái bỏ việc về nhà…
Ước ao lớn nhất bây giờ của Huyền là cơ sở Trúc Xanh phát triển bền vững, ngày càng đón được nhiều người khuyết tật đến học nghề và làm việc. Có thời gian, Huyền sẽ theo học một khóa về giáo dục đặc biệt để thuận tiện trong việc ứng xử, giao tiếp với người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật câm, điếc… Và làm sao để cơ sở chế tác này ngày càng làm ra nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn của quê hương Đà Nẵng, đưa hình ảnh của Đà Nẵng ngày một vươn xa hơn thông qua những sản phẩm mỹ nghệ này để đến được với bạn bè ở khắp năm châu.
Hy vọng rằng những cố gắng vượt bậc của Huyền đối với người khuyết tật sẽ được đền đáp bởi những thành công và cơ sở Trúc Xanh rồi đây sẽ trở thành một “địa chỉ đỏ” lập thân cho những người khuyết tật.
Bài và ảnh: BẢO THY