“Một gái gả hai chồng” – nhà đầu tư méo mặt

Cùng một diện tích đất, tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư sân golf, Bộ Tài nguyên Môi trường lại cấp phép khai khoáng. Nhiều người ví  đây là chuyện “một gái gả hai chồng”, nói vui nhưng nhà đầu tư méo mặt.

Cùng một diện tích đất, tỉnh Bình Thuận cấp phép đầu tư sân golf, Bộ Tài nguyên Môi trường lại cấp phép khai khoáng. Nhiều người ví  đây là chuyện “một gái gả hai chồng”, nói vui nhưng nhà đầu tư méo mặt. 

Bãi biển Hòn Rơm

 UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn giấy chứng nhận đầu tư dự án sân golf Hòn Rơm, tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, diện tích 196,948 ha. Chủ dự án đầu tư đã thực hiện đền bù giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2003 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005. Năm 2007, chủ đầu tư đã ký hợp đồng liên doanh với một doanh nghiệp của Hàn Quốc và đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư số 481023000100 ngày 26/10/2007. Theo báo cáo của chủ đầu tư, hai bên liên doanh đã bỏ vốn hơn 100 tỷ đồng để thực hiện đầu tư và các thủ tục khác.

Mọi chuyên tưởng chửng “ngon lành” khi chính sách khuyến khích đầu tư đang rộng mở, thì ngày 1/7/2009 Bộ Tài nguyên Môi trường ra Quyết định số 1194/GP-BTNMT cho phép Công ty Phú Hiệp thăm dò khoáng sản với diện tích 995 ha cũng tại khu vực này, chồng lấn 2/3 diện tích dự án của C ty TNHH Đầu tư Sài Gòn đã được UBND tỉnh cấp trước đó.

Chuyện “một gái gả cho hai chồng” khiến hai bên liên doanh Việt – Hàn phải tạm dừng dự án sân golf đã hơn một năm, Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn chạy đôn, chạy đáo gửi đơn kêu cứu khắp nơi nhưng chẳng được ai giải quyết.

Trong khi, UBND tỉnh Bình Thuận trong văn bản số 6733/UBND-NC ngày 29/12/2009 trả lời Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn đã thừa nhận: “Công ty TNHH Đầu Tư Sài Gòn được UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho giấy chứng nhận đầu tư sân golf Hòn Rơm, tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, diện tích 196,948 ha, trong đó diện tích chồng lấn với ranh giới thăm dò sa khoáng titan – zircon được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép cho Cty TNHH Phú Hiệp tại Quyết định số1194/GP-BTNMT ngày 1/7/2009 là 161 ha …”.

Cũng tại văn bản trên, tỉnh này khẳng định “việc cấp phép thăm dò cho Cty TNHH Phú Hiệp là cần thiết, kip thời và đúng qui định của Luật Khoáng sản”, song chuyện đền bù thiệt hại và chuyện dự án sân golf phải tiếp tục như thế nào thì lại “lờ tịt”.


Bởi vậy, ngày 05/7/2010, trong văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Cục Giải quyết khiếu nại và thanh tra khu vực 3 phải nhấn mạnh: “Qua nghiên cứu hồ sơ khiếu nại của Cty TNHH Đầu Tư Sài Gòn, Cục Giải quyết khiếu nại và thanh tra khu vực 3 (Cục III) – Thanh tra Chính phủ và Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng – Nhà nước nhận thấy từ năm 2009 đến nay Cty có nhiều đơn khiếu nại gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết, nay Cục III – Thanh tra Chính phủ chuyển đơn khiếu nại và các tài liệu liên quan kèm theo đến UBND tỉnh Bình Thuận để sớm xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật”.

Hơn một năm đã trôi qua, lỗi về cấp phép dự  án đầu tư ở Bình Thuận vẫn chưa được xem xét giải quyết thỏa đáng, mặc dù đã có nhiều cơ quan lên tiếng. “Nạn nhân” phải cắn răng chịu thiệt đã đành một nhẽ, nhưng về phía địa phương - hậu quả về sự đánh mất lòng tin của nhà đầu tư cũng sẽ khó lòng đo đếm hết.

Mới đây, này 11/8/2010 Văn phòng Chính phủ  có văn bản số 5632/VPCP-KNTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm tra, làm rõ nội dung đơn khiếu nại của Cty TNHH Đầu tư Sài Gòn, đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2010.
Hy vọng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng sẽ được thực thi nghiêm.

Văn Tân

Đọc thêm