Một gia đình nghệ sĩ

Ở phía Bắc đất nước, trong số địa danh được nhắc đến như một vùng đất văn hoá, tri thức với các danh nhân, nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, phải kể tới  Hải Phòng. “Hải tần phòng thủ”  xưa, vùng cửa sông, cửa bể giông gió và bão tố, vùng núi đá nhấp nhô, bến bãi ảo mờ

Ở phía Bắc đất nước, trong số địa danh được nhắc đến như một vùng đất văn hoá, tri thức với các danh nhân, nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, phải kể tới  Hải Phòng. “Hải tần phòng thủ”  xưa, vùng cửa sông, cửa bể giông gió và bão tố, vùng núi đá nhấp nhô, bến bãi ảo mờ; thành phố cần lao của nền công nghiệp nhỏ theo chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp; bến cảng của những thuỷ thủ, hải quân, phu bốc vác, xe bò, cần cẩu...; nơi hoa phượng đỏ cháy lửa hè đến độ thành phố được gọi tên...

Nhà thơ Lê Đại Thanh.

Xa lắm là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sừng sững huyền thoại, với bao tao nhân mặc khách của các thế hệ trước và sau - để làm nên một gương mặt sâu lắng của thơ - từ, sấm truyền.

Gần hơn là những năm 30- 40 của thế kỷ 20 đầy xao động của các siêu bút, siêu nhạc như Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Nguyễn Lân,... với ngồn ngộn chất liệu sống và ăm ắp những thành quả sáng tạo. Nhưng phần lớn là  lãng du, lữ hành, không mấy ai cắm sào ở lại với bến Cấm, cửa Rào,.. để bảo đó là người Hải Phòng hay không phải - đều được.

Chỉ có nhà thơ, kịch sĩ  Lê Đại Thanh ở lại lâu bền với nhiều dấu mốc cuộc sống cá nhân và sự nghiệp mà nhiều năm sau vẫn luôn có đông người phải nhắc tới, phải bàn đi bàn lại cho sâu hơn, cho đáng trọng hơn. Một phần của số nhà 88, phố Cầu Đất – một địa chỉ văn hoá nghệ thuật của quá nhiều nghệ sĩ thành danh trong một gia đình mà các thành viên gần như chỉ biết cùng nhau làm một nghề, sống theo một nghiệp : văn học, thơ ca, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, nhảy múa, phim ảnh và... nói tiếng Việt(!).

Khởi nguồn vẫn là Thày giáo Lê Đại Thanh và bà Đinh Ngọc Anh “ một góc khuất của sân khấu Hải Phòng” – “ Người đầu tiên thể hiện hình tượng nghệ thuật Nữ anh hùng Võ Thị Sáu” ( chữ của NSƯT Ngọc Hiền ở hai bài báo đã in). Ông là một thời của văn chương (trước 1946) và sau này (từ 1955). Bà là một giai đoạn của Sân khấu không chuyên nghiệp nhưng lịch lãm và cao sang. Từ đó có các nghệ sĩ sân khấu như Lê Mai, Lê Chức, Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vy; hoạ sĩ Lê Đại Chúc; nhà văn Hải Phũng Lê Đại Châu; sáng tác và chỉ huy dàn nhạc dân tộc- nhạc sĩ Lê Đại Chương. Rồi là các chàng rể như NSND Trần Tiến; nhà văn Hải Phòng Nguyễn Kế Truyền, cháu rể Phạm Việt Thanh; ca sĩ Phan Lê, nhạc sĩ Lê Đại Thăng với mẹ là nghệ sĩ chèo Phạm Phương Hoa; nhạc công Lê Đại Bằng với mẹ là nghệ sĩ kịch nói Phan Phúc.

Họ làm nên một gia đình có truyền thống về học và cống hiến sáng tạo.

Ông Lê Đại Thanh sử dụng được vài ngoại ngữ, cùng học với danh hoạ Nguyễn Gia Trí, cùng khóa với danh nhân - chính khách như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyờn Giáp.

Dường như những ngày này không mấy khi vắng các gương mặt của các thành viên văn nghệ sĩ này trên màn ảnh lớn và nhỏ, trên các báo và tạp chí, trên sân khấu, trên sóng phát thanh, trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam có liên quan đến các lễ hội hoặc phim tài liệu (với giọng đọc và nói “ đặc biệt” của NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch thường trực (hai nhiệm kỳ) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam)

Dấu ấn của NSƯT Lê Vân là: Chị Dậu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đêm hội Long Trì, Tự thú trước bình minh; của NSƯT Lê Vy là: Cây bạch đàn vô danh, Giải hạn, Cổ tích tuổi 17,...Với Lê Khanh là: Săn bắt cướp và từng đêm của Nhà hát Tuổi Trẻ khi hoá thân vào Jan  Đa, Phồn Y, Desđêmôna, Nora,...Và cả 3 chị em đều lần lượt nhận giải thưởng vai diễn Nữ xuất sắc nhất ở 3 kỳ liên hoan phim Việt Nam.

Cũn “ thân mẫu” Lê Mai đó đây là: Nhà có nhiều cửa sổ, Bà nội không ăn bánh Pigia,...

Có một lúc nào đó Lê Vân từng xôn xao với sách.  Còn bây giờ là với hai con trai còn dại (và nghịch!).

Hoạ sĩ Lê Đại Chúc nổi tiếng với tranh chân dung, tranh khổ lớn và quan niệm riêng về đề tài, chất liệu và hoà sắc mầu, treo tranh ở nước ngoài nhiều lần và ... bán tranh với giá khá ngất ngưởng.

NSƯT Lê Chức viết kịch, làm thơ và góp giọng vàng cho cả trăm phim tài liệu trên Đài THVN  cùng buổi Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam .

Điều mà nhiều người phải ghi nhận là các thành viên của gia đình – không ai làm chỉ một nghề, nhưng chỉ xoay quanh văn nghệ là đam mê nhất, làm việc và lao động với cường độ ghê gớm nhất, nhiều thời gian nhất, và... hiệu quả nhất. Mỗi người có một lĩnh vực để bổ sung nhau tạo ra sự “toàn cảnh” cho một bức tranh đẹp đẽ, sang trọng vừa có người, vừa có chiều sâu của kiến thức.

Ai không nhớ không thuộc một số bài thơ của Lê Đại Thanh, như: Di chúc, Tôi yêu truyện cổ tích của tôi, Thi sĩ và thơ, Ngây thơ,... bởi qua câu chữ và tứ thơ toát lên sức khái quát triết học của lẽ sống và thế thái nhân tình trong khát vọng, vị tha và bao dung.

Đã nhiều năm – cả gia đình quây quần ở Hải Phòng, nay thì tứ xứ – và nhiều người vay – trả cuộc đời xong! Những người đang sống, đang “csfy” như cho cả phần của người đã khuất.Vì thế, gia đình vẫn luôn được nhớ tới, nhắc đến, đón nhận, yêu mến, trọng thị.

Nước ta, không nhiều gia đình có chung một truyền thống dày dặn như thế. Và Hải Phòng lại càng không nhiều. Gia đình lớn của các nghệ sĩ mang họ Lê ấy vừa nhiều người, nhiều nghề, và cũng nhiều thành danh và thành công. Họ – một phần được nói đến của đất Cảng, thành phố Hoa phượng đỏ./.

                                                                                             Anh Thơ

 

Đọc thêm