Một quân nhân có Giấy báo tử về địa phương xác nhận là liệt sỹ. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, thân nhân của chị không được hưởng chế độ, vì có một Giấy báo tử khác cũng gửi về xác nhận chị là tử sỹ.
Một cái chết, hai Giấy báo tử
Bà Lưu Thị Dụng (SN 1955, ở xóm Đồng Phú, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), nhập ngũ ngày 19/8/1973 tại đơn vị C10-E4, Sư đoàn 470 với cấp bậc Hạ sỹ.
Năm 1976, gia đình hạ sỹ Lưu Thị Dụng nhận được một Giấy báo tử (không số, không ngày tháng, thậm chí mốc thời gian năm nào cũng không có, chỉ ghi năm 197) xác nhận: “Đồng chí Lưu Thị Dụng đã chết ngày 6/3/1976. Nơi chết: C10 quân y-E4-F470; trường hợp chết: sốt rét ác tính; nơi mai táng: Nghĩa trang huyện Đăk Nông, tỉnh Đăk Lăk. Được xác nhận là Tử sỹ…”.
|
Một cái chết nhưng có 2 Giấy báo tử. Một giấy xác nhận là Liệt sỹ, môt giấy xác nhận Tử sỹ. |
Phần ký tên, đóng dấu của đơn vị rất mờ nhạt, không rõ người ký là ai, cấp bậc gì? cơ quan ban hành Giấy báo tử này là đơn vị nào? Chính vì những mập mờ này mà cha mẹ của Hạ sỹ Lưu Thị Dụng lúc đó đã không chấp nhận việc xác nhận con mình là Tử sỹ nên đã làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ và phải xác nhận Hạ sỹ Dụng là Liệt sỹ.
Tuy nhiên, cho đến lúc qua đời, cha mẹ của Hạ sỹ Dụng cũng không nhận được hồi âm. Đồng nghĩa, suốt hơn 30 năm qua, thân nhân Hạ sỹ Dụng không hề được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với gia đình liệt sỹ.
Đầu năm 2009, khi biết chính xác nơi án táng mộ của chị gái mình, ông Lưu Xuân Kiện đã vào Nghĩa trang tỉnh Đăk Nông thăm viếng. Cũng nhân chuyến đi này, ông Kiện đã đến đơn vị của của chị gái mình công tác trước đây là Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12).
Thật bất ngờ, tại đây ông được biết thêm một sự thật khác: Có một Giấy báo tử của Sư đoàn 470 xác nhận Hạ sỹ Lưu Thị Dụng là Liệt sỹ. Thậm chí, ngay cả hồ sơ lưu trữ tại Sở Lao động Thương binh & xã hội tỉnh Đăk Nông cũng xác nhận bà Dụng là Liệt sỹ.
Cần trả lại danh cho người đã khuất
Theo Giấy Báo tử số 153 (ngày 10/3/1976) của Sư đoàn 470 xác nhận “Hạ sỹ Lưu Thị Dụng đã chết lúc 15h 30 phút, ngày 6/3/1976. Nơi chết: Đại đội 10 quân y, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470- Đoàn 559; trường hợp chết: sốt rét ác tính. Nơi mai táng: Nghĩa trang, phần D25 thuộc khu vực Yaleo, tỉnh Đăk Lăk. Được xác nhận là Liệt sỹ…”. Hồ sơ lưu tại Sư đoàn 470 còn có “Biên bản bàn giao di vật Liệt sỹ Lưu Thị Dụng” để cán bộ đơn vị mang về cho gia đình liệt sỹ. Có nghĩa là các giấy tờ liên quan đến cái chết của Hạ sỹ Dụng đều được đơn vị xác nhận là Liệt sỹ.
Gần đây, ngày 22/6/2010, Sư đoàn 470 đã có Phiếu xác nhận quân nhân hy sinh (số 568/PXN) do Đại tá Nguyễn Danh Đào, Chính ủy, Thủ trưởng đơn vị ký, một lần nữa khẳng định: Hạ sỹ Lưu Thị Dụng được xác nhận là Liệt sỹ theo Giấy Báo tử số 153/BT và sơ đồ mộ chí lập ngày 10/3/1976.
Hiện nay đã quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Đăk Nông. “Sư đoàn 470 đang lưu giữ đầy đủ hồ sơ của Liệt sỹ Lưu Thị Dụng và phô tô đóng dấu sao y bản chính của Thủ trưởng đơn vị để các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ gia đinh thân nhân của Liệt sỹ Lưu Thị Dụng”.
Ông Lưu Tiến Khang, người nhà của Liệt sỹ Dụng phân trần: Khi làm việc với Sư đoàn 470 về “xuất xứ” của tờ Giấy báo tử không số đã xác nhận bà Dụng là tử sỹ, Sư đoàn cho biết họ không ban hành giấy báo tử này và từ trước đến nay đơn vị vẫn công nhận bà Dụng là Liệt sỹ.
Việc xuất hiện một Giấy báo tử khác có thể là do Tỉnh đội hoặc một cơ quan khác ban hành (như chúng tôi đã đề cập, do Giấy báo tử này không ghi ngày tháng và phần ký tên, đóng dấu đơn vị ban hành rất mờ nhạt nên gia đình bà Dụng gặp rất nhiều khó khăn khi đi tìm nguồn gốc cơ quan ban hành).
Như vậy, Đơn vị của Hạ sỹ Dụng đã khẳng định bà là Liệt sỹ. Việc thực hiện chính sách thuộc về chính quyền địa phương. Để đảm bảo công bằng trong việc ghi danh những quân nhân đã quên mình phục vụ tổ quốc cũng như thực hiện chính sách đối với gia đình có công, đề nghị Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An và các cơ quan, ban nghành liên quan cần hoàn thiện hồ sơ, giải quyết chế độ đúng pháp luật./.
Đức Duy