Một mô hình hay của các nhà nông

Về thôn Hoàn Kiếm I, xã Nam Hà huyện Lâm Hà hôm nay, những vườn cà phê xanh mướt, những giàn chanh dây (mác mác) trĩu quả. Nhiều hộ gia đình đang mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi sản xuất vươn lên làm giàu.

Về thôn Hoàn Kiếm I, xã Nam Hà huyện Lâm Hà hôm nay, những vườn cà phê xanh mướt, những giàn chanh dây (mác mác) trĩu quả. Nhiều hộ gia đình đang mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi sản xuất vươn lên làm giàu. Đó chính là kết quả của sự chung sức đồng lòng, chia sẻ giúp nhau làm kinh tế, phát triển chăn nuôi sản xuất của những nhà nông ở Tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I sau hơn 2 năm hoạt động.
Trồng chanh giây trên vườn cà phê, một cách làm hay đang được các hộ gia đình trong Tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I áp dụng.
Trồng chanh giây trên vườn cà phê, một cách làm hay đang được các hộ gia đình trong Tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I áp dụng.

Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt, những nhà nông giàu ý tưởng, nhiều kinh nghiệm thuộc thôn Hoàn Kiếm I Nam Hà, Lâm Hà đã tập hợp nhau lại thành một tổ hợp tác để giúp nhau cùng phát triển chăn nuôi, sản xuất. Tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I được hình thành từ 4 hộ gia đình là hội viên hội cựu chiến binh trong thôn. Là những “Anh bộ đội Cụ Hồ”, rời quân ngũ trở về với ruộng đồng tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, họ đã cần cù lao động sản xuất, nhưng do thiếu cách làm hay, mô hình mới cũng như những ý tướng, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp nên chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, những gia đình cựu chiến binh nơi đây đã tập hợp nhau lại để cùng chung tay hợp sức, trao đổi những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt để động viên khuyến khích và giúp nhau đầu tư phát triển sản xuất nâng cao đời sống gia đình và xây dựng cuộc sống mới. Từ đó hình thành nên một tổ hợp tác sản xuất hiệu quả và thu nhập của các hộ gia đình này đã được nâng lên rõ rệt.

Thấy được hiệu quả của việc chung sức đồng lòng giúp nhau phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình trong thôn đã tự nguyện xin gia nhập tổ hợp tác sản xuất của các hộ gia đình cựu chiến binh nơi đây và bầu ông Tiêu Văn Minh làm tổ trưởng. Đến nay, tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I đã có đến 10 hộ gia đình trong thôn tham gia. Tham gia tổ hợp tác sản xuất, các hộ gia đình thành viên trong tổ đã giúp nhau ngày công lao động, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, cũng như nguồn vốn, giống. Khi một thành viên trong tổ gặp rủi ro trong sản xuất thì các hộ khác sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ để họ vượt qua khó khăn. Các thành viên trong tổ cũng không ngừng tìm tòi học hỏi để đưa ra những cách làm hay, mô hình mới, về truyền đạt, phổ biến nhân rộng cho các tổ viên của mình. Kết quả, đến nay, họ đã áp dụng thành công việc trồng chanh dây trên diện tích vườn cà phê. Trên những vườn cà phê chè, họ đã trồng xen chanh dây và làm giàn cho chanh dây phủ trên diện tích cà phê. Theo những hộ dân trong tổ, thì đây là một cách làm hay và có hiệu quả lớn. Với cách làm này vừa tiết kiệm được diện tích, vừa đem lại hiệu quả cao, vì cây cà phê chè ưa ánh sáng tán xạ, nên khi làm giàn chanh dây phủ lên cây cà phê thì cây cà phê phát triển tốt hơn và cây chanh dây cũng đỡ sâu bệnh hơn. Các thành viên trong tổ cũng đã dạy cho nhau cách ghép thành công cành cà phê giống mới trên gốc cà phê cũ. Ngoài ra, các thành viên trong tổ cũng đã giúp đỡ nhau phát triển chăn nuôi và đưa vào chăn nuôi những con giống mới như nhím, chồn… Hiện nay, các thành viên trong tổ cũng đang tiếp tục tìm tòi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất chất lượng và nâng cao thu nhập cho gia đình. Để nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm trong sản xuất, các thành viên trong tổ cũng đã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp do các cơ quan, ban, ngành mở tại địa phương. Ngoài ra, các tổ viên trong tổ cũng đã tổ chức nhiều buổi hội thảo đầu bờ để truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho nhau trong sản xuất.

Không chỉ giúp nhau phát triển chăn nuôi sản xuất, mà các hộ gia đình tổ viên trong tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I, còn giúp nhau xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Các thành viên trong tổ đã khuyến khích nhau không tham gia các tệ nạn xã hội như, cờ bạc, rượu chè, thực hành tiết kiệm và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương…  Khi một gia đình trong tổ có người ốm đau bệnh tật, thì các thành viên tổ chức đến thăm hỏi động viên chia sẻ. Đến với tổ hợp tác sản xuất, các hộ gia đình thành viên đã thực sự có nhiều đổi thay trong cuộc sống sản xuất. Ông Tiêu Văn Minh - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I cho biết: “Tổ hợp tác sản xuất của chúng tôi được hình thành trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và dựa vào nhu cầu thực tế của cuộc sống sản xuất. Các thành viên trong tổ rất hào hứng phấn khởi khi tham gia tổ hợp tác sản xuất và cuộc sống của họ cũng đã đổi thay rõ rệt. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Nhiều hộ trong tổ đã có thu nhập cao và ổn định. Có nhiều hộ gia đình trong và ngoài thôn muốn gia nhập tổ hợp tác, nhưng chúng tôi đang xây dựng tiêu chí hoạt động và xem xét lựa chọn những hộ gia đình đủ điều kiện để kết nạp vào tổ”.

Để đánh giá nhận xét những việc đã làm được, cứ đều đặn hàng tháng những hộ nông dân trong tổ hợp tác lại ngồi lại với nhau để cùng nhìn lại những việc đã làm được trong một tháng qua của từng hộ gia đình. Đây cũng là dịp để họ trao đổi với nhau những kinh nghiệm hay, việc làm tốt để mọi người cùng áp dụng trong tháng tới.

Đánh giá về tổ hợp tác sản xuất thôn Hoàn Kiếm I, ông Vũ Mạnh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Nam Hà, cho biết: “Đây là một cách làm hay, mô hình mới của bà con nông dân trong xã. Chúng tôi luôn ủng hộ và tạo điều kiện hết mức để tổ hợp tác sản xuất của bà con hoạt động hiệu quả. Chúng tôi cũng đang xem xét để nhân rộng mô hình này cho bà con nhân dân trong xã học hỏi và làm theo”. 
Duy Danh

Đọc thêm