Một ngôi làng nhỏ nhưng có đến…. hai bảo tàng không nhỏ

(PLVN) - Không ai có thể cưỡng lại được thời gian. Vì thế quá khứ, dù chỉ mới hôm qua thôi, cũng như chuyến tàu lao vùn vụt về phía sau vào vùng lãng quên. Ấy thế nhưng, ở một nếp làng nhỏ ở ngoại thành Hà Nội, quá khứ đã được trân trọng gìn giữ. Không những thế, sự gìn giữ đó còn rất đáng để học tập vì có mấy nơi nào mà một ngôi làng nhỏ nhưng có đến…. hai bảo tàng không nhỏ.

Trong xu thế đô thị hóa hiện nay, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, HN vẫn giữ được khá nhiều nét cổ, nét cũ của mình với những con đường nhỏ ngoằn nghèo chạy giữa các nếp nhà, với những vuông ao có điểm màu hồng của hoa súng, màu xanh của cánh bèo. Khách lạ về tới thôn, thấy vẻ lơ ngơ là người dân đã đoán hỏi “đi thăm bảo tàng đúng không” và chỉ đường rất tận tình, thậm chí chỉ cả chỗ đỗ xe cho mát. 

Khách thăm quan đến với Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và câu chuyện làm bảo tàng thôn đầu tiên

Nghe tiếng về Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã lâu và dù chỉ cách Hà Nội vỏn vẹn 15 cây số nhưng tôi vẫn lười đi, cho đến khi những câu chuyện cảm động về liệt sĩ làng Lai khi người trong thôn một lần nữa lại “hoạt động bảo tàng” để tri ân những người có công của làng mình  đến tai, thì tôi quyết định dẹp bỏ bệnh lười sang một bên.

Đón tôi ở cửa, ông Nguyễn Văn Thắng – Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, cũng như bao làng quê khác, Lai Xá có nhiều người con đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến, lẫn trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc khi tháng 7 đến  là ý kiến, nguyện vọng của đông đảo bà con dân làng.

“Vì thế với kinh nghiệm làm bảo tàng của mình cũng như góp phần vào các hoạt động văn hóa của thôn, đồng thời đưa nghệ thuật nhiếp ảnh vào cuộc sống và phục vụ đời sống nhân dân, Ban lãnh đạo thôn cùng với Bảo tàng đã tổ chức cuộc trưng bày chuyên đề “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” – ông Thắng cho biết.

Nhưng thôi, người viết xin phép được đề cập những câu chuyện về “Ký ức, liệt sĩ làng Lai” trong một bài viết khác, để quay lại với chủ đề sự gìn giữ quá khứ rất chuyên nghiệp của người dân nơi đây thông qua mô hình bảo tàng.

Trước hết xin nói về Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Bảo tàng được khai trương chính thức ngày 15/5/2017 tại làng Lai Xá, trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được coi là bảo tàng làng nghề đầu tiên của Việt Nam.

Bảo tàng này cố gắng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như: Làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh; Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào; Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh ở nước ta?

Trong bài viết về câu chuyện hình thành Bảo tàng – PGS.TS Nguyễn Văn Huyên nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – một cư dân của làng - đã kể câu chuyện về hành trình từ ý tưởng đến hình thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Theo đó, cụ ông Đặng Tích là người đầu tiên trong làng nhận ra câu chuyện về sự cần thiết phải làm một bảo tàng về nghề ảnh nên đã trao đổi với lãnh đạo thôn.

Khi đó các ông Nguyễn Văn Dần - Bí thư Chi bộ thôn, ông Lê Văn Nhật - Trưởng thôn, ông Phí Văn Kim - phụ trách Mặt trận thôn, Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm câu lạc bộ làng nghề đều nhận thấy rằng ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của dân làng đang muốn phát huy các giá trị di sản văn hoá của mình. Các ông đã nhanh chóng biến ý tưởng thành lập Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá thành quyết tâm của chi ủy, chi bộ và của nhân dân thôn Lai Xá.

Có thể nói khâu sưu tầm hiện vật là khâu khó nhất của bất kỳ bảo tàng nào. Thế nhưng với người dân Lai Xá thì điều đó cũng không quá khó khăn bởi lòng mong muốn gìn giữ quá khứ. Được biết, cùng với quyết định xây dựng toà nhà bảo tàng, lãnh đạo thôn và CLB nhiếp ảnh Khánh Ký đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan.

Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay. Đặc biệt các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm và tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh và các thiết bị khác của nghề ảnh. 

Ảnh là một loại hiện vật vô cùng quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất của Bảo tàng. Đó là sản phẩm cuối cùng của nghề phản ánh quan niệm cũng như kỹ thuật của người thợ ảnh, của cửa hiệu. Chính nhận thức được như thế, nhiều gia đình có truyền thống ảnh như con cháu của ông Phạm Văn Tám, Phạm Văn Mười (hiệu ảnh Tân Lai, Hải Phòng), ông Nguyễn Văn Bối (hiệu ảnh Minh Tân, Nam Định) mang đến cho bảo tàng nhiều bức ảnh quý được chụp vào những năm 1940... 

Cùng với hiện vật, nhưng thông tin, câu chuyện gắn với hiện vật cũng được những thế hệ người Lai Xa góp nhặt chuyển về cho Ban tổ chức thông qua các tình nguyện viên là sinh viên Khoa Di sản của ĐH Văn hóa. Cứ như vậy hình thành dần câu chuyện và những thông điệp chính của bảo tàng…

Nhắc đến thôn Lai Xá sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do các con cháu của ông xây dựng trên phần đất của gia đình ở làng Lai Xá.

Giám đốc bảo tàng là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, con trai của cố Giáo sư, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và cũng là người có rất nhiều đóng góp cho việc hình thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, trưng bày chuyên đề “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” nhờ vào những kinh nghiệm làm bảo tàng của mình.

Phần trưng bày của bảo tàng nằm gọn trong khuôn viên của một ngôi nhà nhỏ nhưng khi bước chân vào người xem ngay lập tức sẽ bị những hiện vật ở đây chinh phục. Tầng 1 của bảo tàng là những bức ảnh ấm cúng và những hiện vật gần gũi của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và gia đình. Những căn phòng tiếp theo ở các tầng giống như bộ tiểu thuyết với từng chương, hồi… mà ở mỗi chương hồi ấy lại là một lát cắt khác nhau.

GS Nguyễn Văn Huy cho biết, bảo tàng giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc với nhiều bút tích của các nhân vật khác nhau được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Đa số tư liệu có từ nửa đầu thế kỷ XX, một số từ cuối thế kỷ XIX, nhưng cũng có các hiện vật của những năm 1970 - 1980. Những trang bản thảo, ghi chép, những ý kiến chỉ đạo, điều hành của cố Giáo sư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên liên quan đến các hoạt động phát triển văn hóa, giáo dục… hay những công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Huyên, những cuộc điền dã và những ghi chép… xuất hiện rất đầy đủ. Những cuốn sổ chữ nhỏ li ti, được ông ghi chép trong mỗi chuyến đi, giấy đã ngả vàng nhưng nét chữ và mép giấy vẫn còn tươi rói...

Ông Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chia sẻ những câu chuyện về các hiện vật

Từ câu chuyện bảo tàng thôn, bảo tàng gia đình ngẫm đến câu chuyện bảo tàng hiện nay

Trong bài viết của mình về Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã đánh giá  việc cộng đồng tự xây dựng bảo tàng của thôn để tôn vinh một truyền thống thể hiện quyết tâm của cộng đồng người dân ở Lai Xá, nhất là ý chí quyết tâm của lãnh đạo thôn và của các thợ ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh của làng. Đây là một hiện tượng mới, khi người ta đã nhận thức được rõ vai trò của bảo tàng có thể giúp họ thực hiện một trong những phương cách làm thay đổi cuộc sống, chuyển đổi phương thức kiếm sống của làng. 

Còn với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, ông Nguyễn Văn Huy đã kể một câu chuyện cảm động với truyền thông khi trong một dịp Tết Dương lịch, bảo tàng có đón một đoàn học sinh ở Đan Phượng. “Khi tôi nói chuyện và hỏi các em thì các em nói rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng cháu đến thăm một bảo tàng”. Điều đó khiến tôi giật mình và cũng rất phấn khởi bởi Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên dù ở ngoại thành nhưng cũng góp phần vào sự nghiệp giáo dục ở địa phương”  - ông Huyên cho biết. 

Cũng theo ông Huyên, bảo tàng rất được mọi người đến xem hoan nghênh. Thứ nhất, họ thấy được lịch sử cuộc đời của ông Nguyễn Văn Huyên, nó gắn liền với lịch sử của đất nước trong một thời gian rất dài. Thứ hai, qua các cuộc giao lưu, mọi người cũng rất thích thú khi liên tưởng đến câu chuyện của gia đình mình, nó có sự gắn kết giữa Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên với bản thân câu chuyện của mỗi một gia đình. “Tôi nghĩ rằng cách kết nối này tạo ra cho bảo tàng một sức sống. Một sức sống độc đáo” – ông Huy bày tỏ. 

Từ đây có thể thấy, sự xuất hiện của bảo tàng  dù nhỏ hay lớn, ở quy mô thôn làng hay quốc gia cũng có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, đến ý thức của người dân đối với việc bảo tồn và phát huy di sản. Và bên cạnh đó, bảo tàng còn là một trường học thứ hai của giáo dục, để “gửi gắm sự tôn trọng các bậc tiền bối và quyết tâm giữ nghề, lớp thợ ảnh già muốn truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, lớp trẻ không muốn nghề truyền thống của làng mất đi trước thách thức của kỹ thuật số thay thế nghề ảnh thủ công xưa” – như lời của một người dân Lai Xá đã nói với tôi.

Đọc thêm