Ngay từ khi sinh ra, em Nguyễn Quốc Đạt đã phải gánh chịu nhiều thiệt thòi khi mỗi bàn tay và bàn chân đều chỉ có một ngón. Bằng nghị lực và sự chăm sóc tận tình của cha mẹ, cậu bé hiếu học đã kiên trì tập viết và làm nhiều việc bằng đôi tay, chân tật nguyền.
Dị tật bẩm sinh
Gia đình của Đạt nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc xã Hoàng Đông (Hà Nam). Cha của em - ông Nguyễn Tiến Thiểu cũng chỉ có một ngón ở mỗi bàn tay, bàn chân.
Thấy khách có vẻ tò mò, ông Thiểu giải thích: “Từ lúc sinh ra tôi đã bị như vậy rồi, cũng nhiều lần các đoàn khoa học tới kiểm tra nhưng chưa có kết luận gì. Lấy vợ sinh được 6 đứa con lành lặn, còn một đứa con gái tên Hương giống tôi hiện đang làm việc tại Hà Nội. Sau khi vợ mất, tôi lấy vợ hai và sinh được cậu quý tử (em Đạt) nhưng thật không may là cháu cũng bị khuyết tật giống mình”.
Tuy cơ thể không được hoàn hảo nhưng bản thân ông Thiểu cũng đáng là một tấm gương sáng. Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội, ông từng làm phiên dịch tiếng Trung một thời gian dài cho nhiều đoàn công tác.
Sau đó, ông giảng dạy ở trường Nguyễn Huệ (quận Hà Đông - Hà Nội) một thời gian trước khi chuyển sang công tác ở ngành ngân hàng. Tại Ngân hàng Công thương Hà Nam, ông nhiều năm giữ chức Trưởng phòng Tổ chức.
Rất nhiều lớp cán bộ được ông tuyển chọn, đào tạo hiện nay đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ngành ngân hàng, kho bạc ở tỉnh, Trung ương và Hà Nội.
Ngày ông về hưu cũng là lúc bé Đạt chào đời, ông đã dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cậu. Lớn lên ông dạy cậu viết rồi vẽ, mỗi buổi chiều ông lại dạy cậu tập đi xe đạp… Cứ thế hai bố con như hình với bóng tập tễnh trên con đường làng. Nhờ có ông mà Đạt đã làm được nhiều việc.
|
Bàn tay chỉ có một ngón nhưng Đạt vẫn đi xe đạp đến trường. |
“Em chưa bao giời mặc cảm về bản thân, vì em luôn có bố ở bên, em cũng rất tự hào về người bố của mình, sau này em cũng có gắng để được thành đạt như bố” – Đạt tâm sự.
Nét chữ đầu tiên
Ngay từ nhỏ Đạt đã có ý thức tự lập rất cao, tuy bị khuyết tật nhưng em chưa bao giờ làm nũng cha mẹ. Mọi công việc sinh hoạt cá nhân như đánh răng, mặc quần áo… đều tự em làm, thậm chí em còn giúp mẹ nhặt rau, giúp bố tưới cây cảnh.
Tất cả mọi việc với em thật đơn giản, duy chỉ có việc cầm bút viết khiến em gặp không ít khó khăn. Hai ngón tay chụm vào nhau giữ chặt đầu bút, phần bàn tay không có ngón để giữ thân bút, từ từ từng nét một, cẩn thận, những con chữ tròn trịa dần hiện ra từ đôi tay nhỏ bé của em.
Để viết được thành thạo như vậy là một quá trình tập luyện kiên trì. Năm lên 4 tuổi Đạt đã cầm bút tập viết, hai bàn tay khô cứng với cây bút chúng trở nên khó bảo. Em ngồi lì cặm cụi cố nắn nót. Hai ngón tay của hai bàn tay bị phồng rộp da, tê cứng vẫn không nản.
Mỗi lần nhìn con tập viết, nước mắt đẫm gương mặt khắc khổ của đôi vợ chồng già. Thấy con thích học chữ, ông Thiểu bỏ công bỏ buổi kèm cặp cho con chỉ với ý nghĩ là để con đỡ buồn, đỡ cô đơn chứ không dám hy vọng gì hơn.
Nhưng không ngờ Đạt lại học rất nhanh, học say mê, học quên ăn quên ngủ, Đạt tiếp tục học viết bằng phấn bất chấp cả việc phấn ăn vào kẽ tay khiến da bị loét, máu tứa ra. Đêm đêm, người mẹ lại lấy thuốc bôi vào chỗ loét, nhưng hôm sau vết thương lại như cũ vì Đạt nhất quyết không chịu rời viên phấn, cây bút...
|
Những con chữ tròn trịa dù bàn tay chỉ có một ngón. |
Cuối cùng Đạt đã làm nên một điều phi thường, em đã học thông viết thạo khi mới lên 5 tuổi, và em háo hức được chờ đến ngày nhập trường.
Ước mơ trở thành họa sỹ
Hiện nay, Đạt đang là học sinh lớp 4D trường tiểu học Hoàng Đông. Năm học nào Đạt cũng là học sinh tiên tiến của lớp, liên tiếp trong những năm gần đây, Đạt được nhà trường cử đi thi viết vở sạch chữ đẹp ở huyện và đạt được nhiều thành tích cao.
Mới đây, Đạt lại có một sở thích nữa là vẽ. Mỗi bức tranh mang một xúc cảm của cậu bé. Năm 2008, Đạt đã đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh do huyện Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức. Mẹ Đạt nói: “Cháu nó thích vẽ lắm, tôi cho tiền ăn sáng nhưng nó không ăn mà dành tiền để mua giấy và màu vẽ. Chỉ cần ngồi yên 10 phút là nó có thể vẽ được chân dung của chú rồi”.
Như để khẳng định mình, Đạt vừa nói chuyện vừa nhìn tôi vẽ, thoáng một cái bức chân dung của tôi dần hiện ra qua nét vẽ của Đạt. Những góc học tập của Đạt có đủ những bức tranh muôn mầu. “Sau này em muốn mình trở thành một họa sỹ nổi tiếng, bức tranh đầu tiên em muốn vẽ là về gia đình mình” - Đạt tâm sự
Chia tay Đạt, chia tay gia đình ông Thiểu trong ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp tình thương, chúng tôi không sao quên được hình ảnh cậu bé tật nguyền bằng nghị lực em đã “biến” đôi tay một ngón của mình làm được những công việc kì diệu.
Theo Bee.net.vn