Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại

(PLVN) - Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945) nhằm giúp độc giả có một hình dung vừa bao quát vừa cụ thể, thấy được sự chuyển mình của Hà Nội trong quá trình trở thành một “thành phố Pháp” - thủ phủ của Liên bang Đông Dương, cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến đã xây dựng một hệ thống lớp lang gồm 40 bài viết về hầu khắp các phương diện của lịch sử Hà Nội thời kỳ này.

Ở cấu trúc trục dọc, tác giả phân chia giai đoạn này gồm hai quá trình lớn: bắt đầu với quá trình tấn công, chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp (từ 1873 đến cuối thế kỷ 19) và nối tiếp là quá trình tái thiết, xây dựng thành phố Hà Nội của chính quyền thực dân (từ cuối thế kỷ 19 đến 1945).

Ở cấu trúc chiều ngang, tác giả đưa ra một bức tranh toàn cảnh nhằm phản ánh quá trình biến đổi của Hà Nội diễn ra một cách đồng loạt ở tất cả các lĩnh vực, gồm: chính trị; địa giới và tổ chức hành chính; quy hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố; văn hóa - xã hội; giao thông; giáo dục; bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử. Gắn bó sự nghiệp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, TS. Đào Thị Diến có điều kiện khai thác các tài liệu lưu trữ về Hà Nội. Trong cuốn sách của mình, bà đã khai thác một lượng lớn tài liệu là các phông lưu trữ như Phông Đô đốc và Thống đốc Nam Kỳ (Fonds des Amiraux et des Gouverneurs)…

Một trong những văn bản pháp lý đầu tiên về quy hoạch đô thị Hà Nội thời kỳ đầu Pháp xâm chiếm là dụ số 567 của Vua Đồng Khánh (1/10/1888) về giới hạn các khu nhượng địa cùng sơ đồ đính kèm. Có một thời gian dài trong lịch sử, bản sơ đồ khu nhượng địa ở Hà Nội đã bị mất, thậm chí có ý kiến cho rằng việc “mất” bản sơ đồ nói trên là một “mưu toan có dụng ý”. Tuy nhiên, trong chuyến đi nghiên cứu năm 2013 tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en Provence, tác giả Đào Thị Diến đã tìm thấy bản sơ đồ nói trên trong hồ sơ gốc số 20.244 thuộc phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, qua đó phá tan những nghi ngờ và cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu về thành phố Hà Nội thời thuộc địa.

Tài liệu lưu trữ đã giúp cung cấp những cứ liệu xác đáng để chúng ta hôm nay có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội. Hoặc như cùng một sự kiện thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng thành Hà Nội, chỉ khi thấy được góc nhìn, quan điểm, thái độ của kẻ xâm lược qua các thư từ, báo cáo trong tài liệu lưu trữ, chúng ta mới có nhận thức đầy đủ về ý đồ biến Hà Nội thành một “Paris thu nhỏ”, một “thành phố Pháp” hoa lệ, chứ không chỉ là dã tâm phá hủy văn hóa bản địa của chính quyền thực dân như vẫn tồn tại trong ghi chép của các sử gia Việt Nam.

Đào Thị Diến sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970 - 1975) và sau đó công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội (1975 - 2008). Bà có bằng Thạc sĩ Lịch sử (năm 1999) và bằng Tiến sĩ Lịch sử (năm 2004) tại Đại học Paris 7 - Denis Diderot (Pháp). Bà là tác giả của nhiều chuyên luận đã xuất bản về Hà Nội.