Một Tân Phong mới theo tiêu chí quốc gia dần trở thành hiện thực

Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) Bùi Đức Dụng hồ hởi cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phong đang chuẩn bị thực hiện xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia. Đó là xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng, khu vực trung tâm. Đây là nền móng, tiền đề để xây dựng nông thôn mới thành công”.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) Bùi Đức Dụng hồ hởi cho biết: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phong đang chuẩn bị thực hiện xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia. Đó là xây dựng và triển khai quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng, khu vực trung tâm. Đây là nền móng, tiền đề để xây dựng nông thôn mới thành công”.

Mong muốn về một Tân Phong đổi mới, khang trang, sản xuất và xây dựng đều theo quy hoạch luôn mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân nơi đây có những việc làm đóng góp thiết thực biến ước mơ sớm thành hiện thực. Năm 2005, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân xã bắt tay vào việc xây dựng quy hoạch đất đai, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Kể về thời kỳ đội ngũ cán bộ địa phương tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa với khẩu hiệu "Dồn đổi ruộng đất, vẽ lại đồng quê, xây dựng hộ giàu, thôn mạnh", ông Dụng chia sẻ: "Thay đổi nếp suy nghĩ của người dân để hướng đến cái chung không dễ. Bởi vậy, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần đảng viên đi trước, làng nước theo sau, cấp uỷ đi đầu, bí thư đột phá". Bà con và cán bộ ở đây còn nhớ việc ông Dụng thuyết phục vợ mình đồng thuận chuyển đổi 8 sào ruộng ở khu vực thuận lợi lấy sang  chân ruộng trũng sâu, xa xôi. Công cuộc dồn điền đổi thửa của Tân Phong thành công lớn với việc giảm 4.000 thửa toàn xã. Sau đó,  xã bắt tay vào xây dựng quy hoạch. Xã trực tiếp làm đề án quy hoạch 3 vùng sản xuất chính, quy hoạch đất xây dựng trường chuẩn, các di tích lịch sử và khu vực trung tâm. Các thôn làm quy hoạch đồng ruộng, hạ tầng giao thông, khu trung tâm văn hóa làng, các công trình phục vụ công cộng. Tránh tình trạng quy hoạch từ trên dội xuống, không dân chủ như trước đây, tất cả đề án quy hoạch của xã và các thôn đều có sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhân dân. Việc quy vùng, tổ chức lại sản xuất ra sao, dành đất xây dựng khu trung tâm văn hóa làng như thế nào đều được người dân tham gia góp ý kiến và sau này, chính họ là những người thực hiện quy hoạch.

Lãnh đạo đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) trao đổi với các đảng viên về quy hoạch phát triển nông thôn mới.
Lãnh đạo đảng ủy xã Tân Phong (Kiến Thụy) trao đổi với các đảng viên về quy hoạch phát triển nông thôn mới.

Nhờ cách làm này, đến nay, nhiều quy hoạch lớn ở Tân Phong từng bước  được thực hiện. Chẳng hạn như việc quy hoạch 3 vùng sản xuất chính gồm: vùng thâm canh 3 vụ ở Lão Phong rộng hơn 20 ha cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha; vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia trại, trang trại trên 40 ha nằm dọc 2 thôn Kính Trực- Lão Phú; vùng sản xuất gắn với du lịch sinh thái ven sông Đa Độ. Tại vùng trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản ở Kính Trực- Lão Phú hiện có 25 trang trại, gia trại tập trung, ở xa khu dân cư. Vùng sản xuất nông sản hàng hóa gắn với du lịch sinh thái ven sông Đa Độ hiện hình thành 5 trang trại chuyên trồng cây ăn quả, kết hợp với khu vực di tích chùa Hoàng Long, đường 403 mở rộng và ven bờ Đa Độ, mở hướng cho phát triển du lịch sinh thái. Cũng nhờ chủ động xây dựng quy hoạch từ cơ sở, 4 làng văn hóa ở Tân Phong vừa tổ chức lại sản xuất, vừa có quỹ đất làm khu trung tâm văn hóa.

Các làng văn hoá vận động người dân nhường đất để tạo diện tích lớn, ở khu trung tâm để xây dựng các công trình văn hoá làng. Chẳng hạn như làng Thái Lai huy động người dân cắt mỗi khẩu một thước đất để mở rộng đường giao thông, nhờ vậy, đường nhựa của xã, đường bao quanh làng mặt đường từ 2,5 m tăng lên 5 m. Để có diện tích lớn xây dựng khu trung tâm văn hoá, làng Thái Lai vận động các hộ dân ở khu vực trung tâm nhường đất, cho làng. Làng quy hoạch và xây dựng nhà văn hoá, sân vận động với diện tích 4000 m2, mức kinh phí đầu tư gần 600 triệu đồng. Các làng văn hoá khác như Kính Trực, Lão Phú cũng vận động được một số hộ dân nhường đất ở khu trung tâm để quy hoạch xây dựng nhà văn hoá, sân vận động; mở rộng diện tích xây dựng đường giao thông nông thôn. Đến nay, 3 trong số 4 làng ở Tân Phong triển khai xây dựng khu vực trung tâm làng theo đúng quy hoạch gồm 1 sân vận động rộng 1 ha, 1 nhà văn hóa trung tâm, khu vực vui chơi công cộng…

Nhờ sức mạnh lòng dân, Tân Phong hôm nay rộng mở đường mới; làng văn hoá nào cũng có khu trung tâm văn hoá khang trang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang dồn sức cho việc xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí cấp quốc gia, vẽ lại bức tranh đồng quê văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Hoàng Yên

Đọc thêm