Một thẩm phán gạ bán...công lý?

Ngày 21/8/2013, tòa án ở Brownsville, bang Texas (Mỹ) đã tuyên án cựu thẩm phán Abel C. Limas, nhân vật trung tâm của “công ty” tống tiền theo kiểu mafia. Việc điều tra và xét xử vụ này kéo dài đã nhiều năm, nhiều chuyện hối lộ, chạy án được tiết lộ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Mỹ vào tòa án.

Ngày 21/8/2013, tòa án ở Brownsville, bang Texas (Mỹ) đã tuyên án cựu thẩm phán Abel C. Limas, nhân vật trung tâm của “công ty” tống tiền theo kiểu mafia. Việc điều tra và xét xử vụ này kéo dài đã nhiều năm, nhiều chuyện hối lộ, chạy án được tiết lộ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân Mỹ vào tòa án.

Thẩm phán gạ bán… công lý.

Abel C. Limas, năm nay 59 tuổi, làm thẩm phán Tòa án quận thứ 404 hạt Brownsville miền Nam bang Texas từ  tháng 1/2001 tới hết năm 2008. Đây là một tòa liên bang và thẩm phán của tòa này được bầu. Tháng 3/2010, FBI đã khởi tố Limas về tội tống tiền, tội danh này được giải thích một cách ngắn gọn là phối hợp với những người khác và thu lợi từ những hành động bất hợp pháp.

 Cựu thẩm phán Abel Limas.
Cựu thẩm phán Abel Limas.

Sa chân vào chốn lao tù quả là điều vô cùng đáng tiếc cho Limas, một người đã có quá trình phấn đấu bền bỉ để đạt tới ước mơ trở thành thẩm phán. Bố của Limas là một cảnh sát với 40 năm tận tụy phục vụ ngành. Tốt nghiệp đại học, Limas cũng xin vào ngành cảnh sát như cha.

Sau bốn năm làm cảnh sát, Limas vào học trường luật, trở thành luật sư rồi thành thẩm phán. Bền chí phấn đấu đã giúp Limas thành đạt, nhưng bài bạc đã đẩy ông vào chỗ “thân bại danh liệt”.

Hơn 30 lần Limas tới Las Vegas, một trong những trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, để đánh bạc. Những cuộc đỏ đen đã khiến Limas mắc nợ vài trăm ngàn USD. Tiền lương tháng 8.000 USD không đủ cho Limas vừa lo cho cuộc sống cho gia đình một vợ và bốn con đang tuổi ăn học, vừa trả nợ. Lâm vào thế bí, Limas ngỏ lời  với vài luật sư quen biết rằng ông ta cần tiền và gạ họ kiếm “mối” để làm tiền.

Một ai đó đã bí mật tố cáo Limas với FBI vào cuối năm 2007 khiến cơ quan này ngấm ngầm theo dõi, thu thập chứng cứ về các hành động phạm pháp của Limas và những kẻ  đồng lõa. FBI đã thu âm hơn 40 ngàn cuộc gọi điện thoại, rất nhiều email và chứng từ khác để điều tra. Hết năm 2008, Limas không còn làm thẩm phán nhưng vẫn hành nghề luật cho đến tháng 3/2010 thì bị FBI “mời” tới thẩm vấn.

Bản cáo trạng dài 17 trang buộc Limas tội dùng văn phòng và địa vị của thẩm phán tòa án quận để kiếm tiền cho mình và cho những người hợp tác với mình bằng các hành động bất hợp pháp. Khoảng 10 người đồng lõa với Limas bị điều tra, buộc tội và kết án, trong số đó phân nửa là luật sư.

Luật sư Ray Marchan đã  đưa cho Limas số tiền tổng cộng 6.000 USD “đền đáp” việc Limas đã dùng quyền thẩm phán để chỉ định Marchan làm người đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trẻ vị thành niên trong một vụ kiện dân sự.

Limas khai tại tòa rằng làm luật sư đại diện bảo vệ quyền lợi cho trẻ em hay người không đủ năng lực  để  dàn xếp một vụ kiện dân sự  rất nhàn mà nhận phí rất cao. Khi cử Marchan, Limas biết mình sẽ được chia nhiều iền. Marchan còn  hối lộ Limas 5.000 USD để  Limas bác một kiến nghị đòi phạt Marchan vì bỏ một cuộc hẹn của tòa. Số tiền hối lộ này được ngụy trang dưới hình thức cho vay nợ.

Hai luật sư  Joe Martin Valle và luật sư De la Fuentes cũng được Limas chỉ định làm đại diện bảo vệ  quyền lợi cho thân chủ không đủ năng lực để nhận của hai người này 3.000 USD và 2.200 USD.

Xử án vì tiền

Luật sư Marc Garrett Rosenthal thuộc công ty luật Rosenthal & Watson và  Jim Solis, cựu dân biểu bang Texas và cũng là người hành nghề luật, hợp tác với Limas trong vụ kiện bồi thường liên quan tới tai nạn máy bay xảy ra vào tháng 2/2008 gần đảo South Padre. Do thời tiết xấu, chiếc trực thăng đi cứu hộ bị rơi  làm chết 3 người, gồm phi công và hai nhân viên y tế.

Một số đồng phạm của thẩm phán biến chất
Một số đồng phạm của thẩm phán biến chất

Limas xử vụ này. Hai nhân vật trên đã gặp gỡ Limas nhiều lần để bàn tính việc hợp tác và ăn chia. Limas đồng ý xử kiện theo yêu cầu. Đổi lại, công ty luật nhận Limas vào làm sau khi Limas thôi làm thẩm phán, còn đưa trước 100.000 USD và sau khi xử chia 1% phí luật sư cho Limas.

 Solis cũng đưa cho Limas 80.000 USD. Xử xong vụ này, ngoài số tiền đã nhận trước, Limas nhận thêm 85.000 USD tiền chia phần trăm phí luật sư như đã thòa thuận.

Chưa hết, Jose Manuel Longoria, một người Mexico nhưng cư trú hợp pháp tại Mỹ, làm “cò” bắt  mối cho Limas. Hai bên hợp tác làm ăn nhiều vụ, trong số đó vụ  Armando Pena được chú ý nhất. Armando Pena bị bang Texas quản chế về tội cướp, phải trình diện với nhân viên phụ trách theo định kỳ.

Vậy mà anh ta đã tự ý rời khỏi Texas tới  ở bang Arkansas mà không xin phép, vi phạm điều kiện quản chế nên có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Vợ của Armando Pena tới gặp Longoria để nhờ dàn xếp cho chồng  được báo cáo với nhân viên quản chế bằng email thay vì phải gặp trực tiếp.

Ngã giá xong, Armando Pena từ Arkansas gửi về cho Longorina 1.800 USD. Longorina đưa cho Limas 1.500 USD còn 300 USD  là “tiền công” của Longoria. Nhận tiền xong, Limas điện cho nhân viên quản chế, ra lệnh cho phép Armando báo cáo bằng email.

Một vụ “lùm xùm” khác, Armando Villalobos, công tố viên, và Eduardo Lucio, luật sư tư, dính với Limas trong một vụ dàn dựng, phối hợp nhịp nhàng để  làm tiền từ một vụ giết người. Kẻ gây án là Amit Livingston, được Villalobos thuyết phục để nhận tội sát nhân mức độ một trước tòa. Liền sau khi nhận tội, Livingston bị kêu án tù 23 năm.

Sau đó Villalobos thương lượng với Limas cho sát nhân được nộp 500.000 USD tiền thế chân để được tự do 60 ngày thay vì bị bắt vào tù ngay. Được tự do, Livingston trốn mất biệt, cho đến nay cảnh sát cũng chưa tìm thấy tăm hơi. Kế đó Villalobos bảo Lucio, luật sư của gia đình nạn nhân, xin chứng nhận Livingston mất tích,  xem như đã chết, để lấy số tiền 500.000 USD của Livingston đã nộp để giải quyết bồi thường cho gia đình nạn nhân. Gia đình nạn nhân lấy  300.000 USD còn  luật sư Lucio lấy 200.000 USD. Lucio chia cho Villalobos 80.000 USD. Limas nhận 10.000 USD do Villalobos và Lucio chia nhau trả.

Bản án quá nhẹ?

Trên đây chỉ là  vài vụ nổi cộm trong số nhiều vụ nhận hối lộ và phối hợp moi tiền của Limas mà cơ quan điều tra phát hiện được. Trong 8 năm làm thẩm phán, Limas đã xét xử hơn 270 vụ, có thể cơ quan điều tra cũng chưa khám phá được hết các vụ “có vấn đề”.

Trước khi xử Limas, tòa đã xét xử một số người đã từng hợp tác làm tiền với Limas, như đã xử “kẻ trung gian” Longoria 10 năm tù, luật sư Joe Valle  một năm và một ngày tù, luật sư Ray Marchan 47 tháng tù... Trong phiên xử ngày 21/8/2013, tòa chỉ kêu án Limas 6 năm tù và ba năm bị quản chế sau khi ra tù, phải bồi thường 6,8 triệu USD và bị thu hồi giấy phép hành nghề luật.

Dư luận cho rằng Limas được xử quá nhẹ, so với dự đoán của nhiều người. Thật ra cũng có thể hiểu vì sao Limas nhận mức án nhẹ như thế. Từng là luật sư và  thẩm phán, Limas biết mình phạm tội gì và làm thế nào để được giảm nhẹ hình phạt. Limas khai nhận tội nhưng nhận số tiền kiếm được từ các hành động sai trái chỉ có 257.300 USD.

Ngoài ra Limas tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, khai ra và ra tòa làm chứng chống lại những người từng cộng tác với ông ta trong các phi vụ làm tiền bất hợp pháp. Những điều đó đã giúp cho hình phạt dành cho ông ta được giảm bớt.

Trong phiên xử cuối, Limas nói lời “xin lỗi xã hội”, “xin lỗi cộng đồng luật pháp” về những hành vi sai trái của mình. Lời xin lỗi của Limas có thể là rất chân thật, nhưng vết nhơ mà Limas gây ra cho hệ thống tòa án Mỹ chẳng thể nào được xóa sạch.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm