Một nhóm tay súng hôm 11/2 đã ám sát một tướng quân đội ở Damascus, Syria. Đây là quan chức cấp cao đầu tiên của Syria bị giết hại kể từ đầu cuộc nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Bachar Al - Assad.
|
Biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Bachar al-Assad. Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công có thể là một dấu hiệu cho thấy các thành viên có vũ trang của phe đối lập, những người đã thực hiện các cuộc tấn công vào quân đội ở nhiều nơi trên đất nước Syria, đang cố gắng tăng cường hoạt động tại thủ đô vốn đang được kiểm soát chặt chẽ và tương đối yên ả so với các thành phố khác.
Hãng thông tấn Sana đưa tin, 3 tay súng đã bắn tướng Issa al-Khouli vào sáng 11/2 khi ông rời nhà mình tại khu Rukn-Eddine. Al-Khouli là một bác sĩ và cũng là người đứng đầu một bệnh viện quân đội trong thủ đô. Đại úy Ammar al-Wawi của Quân đội Syria Tự do (FSA), một nhóm nổi dậy muốn lật đổ chế độ bằng bạo lực, đã phủ nhận liên quan tới vụ ám sát mà chỉ xảy ra một ngày sau 2 vụ nổ bom tự sát ở Aleppo.
Các vụ ám sát như thế này không tràn lan ở bên ngoài Damascus và hầu hết các sĩ quan quân đội bị giết trước đây ở các tỉnh bất ổn như Homs hay Idlid. Bạo lực tại những khu vực khác của Syria cũng khiến ít nhất 17 người thiệt mạng khi quân đội của chính phủ tiến vào các khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm giữ tại thành phố Homs và kiểm soát thị trấn miền núi Zabdani ở phía Bắc Damascus.
Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính 5.400 người đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc nổi dậy hồi tháng 3 năm ngoái đến tháng 1 vừa qua. Hàng trăm người khác cũng được cho là đã chết kể từ tháng 1 tới nay. Cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu với sự phản đối hòa bình chống lại chế độ của Tổng thống Assad. Nhưng sau đó nó được quân sự hóa với những quân nhân đào ngũ và những người biểu tình có vũ trang và hợp thành FSA.
Sau khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết đề xuất của phương Tây và Liên đoàn Ả rập tại LHQ để gây sức ép buộc ông Assad rời quyền lực, chỉ huy của FSA tuyên bố sức mạnh vũ trang là biện pháp duy nhất để lật đổ tổng thống.
Các quốc gia phương Tây và Ả rập hiện đang xem xét thành lập một liên minh để hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Syria, mặc dù cho tới nay chưa hề có tín hiệu nào cho thấy họ có ý định trợ giúp trực tiếp FSA.
Hôm qua, các bộ trưởng ngoại giao Ả rập đã gặp nhau tại Cairo để quyết định bước tiếp theo. Một quan chức thuộc Liên đoàn Ả rập cho biết, các bộ trưởng xem xét việc kêu gọi một nhóm quan sát chung Ả rập – LHQ đến Syria để điều tra việc thực hiện lời hứa của ông Assad.
Damascus đã cho phép các quan sát viên của Liên đoàn A rập đến Syria vào tháng 12 năm ngoái, nhưng nhiệm vụ của phái đoàn này đã phải dừng lại trong bối cảnh đổ máu. Người Syria có thể sẽ không chấp nhận một nhóm quan sát mới.
Trong diễn biến khác liên quan tới Syria, chính quyền Syria hôm 11/2 đã yêu cầu Libya và Tunisia đóng cửa đại sứ quán của hai nước này tại Damascus trên cơ sở “có đi có lại”. Sự liên lạc giữa Damascus với hai nước này đã gần như bị cắt đứt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho biết Damascus đã yêu cầu các đại sứ Libya và Tunisia rời khỏi nước này trong 72 giờ tới. Ngoài ra, ông Makdissi cũng cho biết thêm tại một cuộc gặp gỡ ngắn với báo giới rằng, Syria đã đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Qatar, đồng thời triệu hồi về nước các đại sứ nước này tại Kuwait và Arập Xêút.
Việc trục xuất các đại sứ Tunisia và Libya hẳn là một hành động trả đũa chống lại các hành động tương tự mà hai nước này đã áp dụng đối với các nhà ngoại giao Syria. Tunisia là quốc gia Arập đầu tiên thông báo quyết định trục xuất Đại sứ Syria và cắt quan hệ với chính quyền Damascus.
Bộ Ngoại giao Libya hôm 9/2 cũng đã thông báo quyết định trục xuất Đại biện lâm thời Syria cùng các nhân viên, đồng thời yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Syria rời Libya trong 72 giờ. Các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng đã quyết định triệu hồi các đại sứ của mình tại Syria và yêu cầu các đại sứ Syria rời khỏi các nước này.
Phúc Lợi (Theo AFP, Xinhuanet)