Một vụ án kỳ lạ, kỳ lạ từ chuyện “mai phục” của bị hại đến công tác thực nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, đến việc khởi tố, truy tố và xét xử... Vì vậy qua 5 lần xét xử và nhiều lần tạm hoãn, dư luận vẫn chưa biết thủ phạm gây thương tích cho nạn nhân là bị cáo đứng trước vành móng ngựa hay người đang đóng vai trò nhân chứng trực tiếp(?!).
Lê Văn Thôi bị dẫn giải ra tòa |
• Có lọt người, lọt tội?
Ngày 16/9/2009, do muốn bênh vực cho chị của mình là Lê Thị Ngọc Thúy bị thua thiệt lúc cự cãi với bà Phạm Thị Huê về chuyện đất đai, Lê Văn Thôi rủ Phạm Quốc Phong cùng hai người bạn tới nhà bà Huê để hỏi chuyện phải trái.
Tại đây, Thôi có đánh cháu ngoại bà Huê một cái, thấy người nhà bà Huê không phản ứng gì nên cả nhóm kéo nhau quay về.
Trên đường về thì bị nhóm người thân của bà Huê trong đó có ông Nguyễn Tấn Định, Nguyễn Tấn Bình... “mai phục” và tấn công. Trong lúc ẩu đả, ông Định bị chém vào tay với thương tật 46%.
VKSND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre truy tố Lê Văn Thôi về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ năm năm đến mười lăm năm. Vụ việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Lê Văn Thôi không một mực khẳng định mình không dùng dao chém ông Định mà người chém chính là Phạm Quốc Phong.
Tang vật vụ án |
Trước đó, ông Định có đơn tố cáo cả Thôi và Phong cùng chém ông. Tại Cơ quan Điều tra ông cũng khai tương tự. Tuy nhiên, không hiểu sao, ông lại rút lời chỉ tố cáo một mình Thôi.
Quá trình tiền hành tố tụng như lập biên bản, ghi lời khai, thu thập chứng cứ... của các cơ quan tố tụng bộc lộ nhiều thiếu sót như: Không tiến hành lập biên bản hiện trường; khám xét nhà trái luật; các vật chứng quan trọng (con dao gây án, bao đựng hung khí, hai áo thun) có thu hồi nhưng không bảo quản để mất đi…
Hai nhân chứng trực tiếp là Phạm Quốc Phong và Võ Thị Lức lại đều có mối quan hệ gia đình thân thiết với bị hại, những nhân chứng quan trọng xác định bị cáo có thể vô tội lại không được đối chất...
Do vậy, ngày 13/5/2011, TAND huyện Ba Tri tuyên phạt Lê Văn Thôi tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 28/7/2011, tại phiên tòa Phúc thẩm, VKSND tỉnh Bến Tre thừa nhận cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên yêu cầu hủy án để điều tra lại.
Tiếp đó, ngày 30/12/2011, tòa Sơ thẩm tiếp tục tuyên bị cáo Thôi phạm tội.Bốn tháng sau (26/4/2012), bản án một lần nữa lại bị hủy trong phiên xử Phúc thẩm lần hai tại TAND tỉnh Bến Tre.
Công tố viên “dắt lời” nhân chứng
Ngày 4/1/2013, tòa Sơ thẩm tiếp tục xét xử cũng với nội dung vụ án không khác gì so với những lần trước đó. Cơ quan tố tụng chỉ dựa vào “trọng cung” của bị hại là ông Nguyễn Tấn Định cùng hai nhân chứng Phạm Quốc Phong và Võ Thị Lức, từ đó cho rằng đủ cơ sở buộc tội Lê Văn Thôi.
Vụ án đã trở nên “kỳ lạ” hơn khi trong phần xét hỏi, vị Công tố như muốn chú trọng vào các tin đồn nên không dưới 4 lần căn vặn nhân chứng bằng câu hỏi: “Ông/bà có nghe dư luận nói bị cáo Thôi là người chém ông Định không?”. Điều này khiến các Luật sư (LS) phản ứng vì cho rằng vị đại diện VKS dẫn dắt, mớm lời khai – một cách làm vi phạm tố tụng.
Chưa hết, vị Công tố tiếp tục mắc sai sót khi bỏ qua nghĩa vụ chứng minh để thay bằng phương pháp loại trừ, khi cho rằng Phong không gây thương tích, vậy người chém ông Định chỉ là Thôi(?!)
LS bào chữa cho bị cáo đưa ra một loạt các lập luận và dẫn chứng chứng minh Lê Văn Thôi phạm tội là không có cơ sở: Trong 21 nhân chứng, cơ quan tố tụng chủ yếu sử dụng lời khai của Phạm Quốc Phong và Võ Thị Lức làm căn cứ buộc tội. Trong khi hai người này có quan hệ thân tộc với bị hại; Bản thân Phạm Quốc Phong cũng là người tham gia đuổi chém ông Định, lẽ ra Phong ít nhất phải là đồng phạm chứ không thể ở vai trò nhân chứng. Ngoài Phong ra, không ai khai đã nhìn thấy hai con dao được cho là của Thôi mang theo.
Đó là chưa nói, vật chứng quan trọng là bao đựng dao cũng không có; hai áo thun của Phong và Thôi để xác định dấu vết lôi kéo, vật lộn tại hiện trường cũng không. Bên cạnh đó, lời khai của đa số nhân chứng chứa đựng mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất.
Cụ thể, bị hại Nguyễn Tấn Định ban đầu khai hai người chém thì nay lại tố cáo chỉ một người. Ngoài ra, bị hại không thể chỉ một mình với một chiếc đòn gánh lại dám có ý định chặn đánh phục thù 4 thanh niên khỏe mạnh… Từ đó, các LS cho rằng cáo buộc của VKSND là thiếu căn cứ, và đề nghị tòa tuyên vô tội đối với bị cáo Thôi. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lại không cho như thế, sau khi nghị án, Tòa tuyên bị cáo có tội, thống nhất với cơ quan công tố.
Cũng tại phiên tòa, 4 LS bào chữa cho bị cáo Thôi gồm: “LS Nguyễn Thị Kim Hạnh và Nguyễn Nghệ An (Đoàn LS Bến Tre); LS Vũ Duyên Hoan, Nguyễn Anh Dũng (Đoàn LS TP.HCM) đồng quan điểm cho rằng: Khi xét xử các cơ quan tố tụng phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; việc phán quyết của toà phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, vật chứng, nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, ý kiến người bào chữa; Để từ đó ra bản án, quyết định đúng người, đúng tội và đúng pháp luật”.
Đáng tiếc, cơ quan tiến hành tố tụng chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục, chứng minh việc phạm tội của bị cáo; các lời khai của nhân chứng thì tiền hậu bất nhất, vật chứng vụ án thu hồi không đầy đủ; công tác thực nghiệm hiện trường không khách quan; Kể cả phần đối chất giữa các nhân chứng, chứng minh bị cáo vô tội cũng không được thực hiện...
Quân Tuấn – T.Nhi