Trên đường Nam tiến của dân tộc, những lưu dân thuộc nam giới được biên chế thành quân ngũ, đi trước, sau đó, triều đình cho vợ con họ vào theo. Như thế việc Nam di không phải chỉ vì mưu sinh mà còn nhận lãnh trách nhiệm mở mang vùng đất mới, đồng thời trấn giữ biên cương cho nước nhà. Trong số những lưu dân này, còn có những quan lại đương chức của triều đình mà trước nay chưa được các nhà nghiên cứu nói đến.
|
|||
Phạm Nhữ Dực được thờ tự tại nhà thờ tộc Phạm làng Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: An Trường) |
Sau những cuộc chiến tranh kháng Nguyên bảo vệ Tổ quốc đời Trần tạo nên cái hào khí Đông A rực rỡ, càng về sau, như quy luật thịnh – suy tự nhiên của mọi triều đại, tình hình chính trị trong nước dần dần rơi vào cảnh rối ren. Cuộc sống nhân dân khó khăn nhiều mặt. Các bậc hiền tài, trụ cột của quốc gia lần lượt qua đời. Một trong những nhân vật kế thừa được mạng mạch của dân tộc lúc bấy giờ là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ năm của Ngự tiền Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão. Phạm Nhữ Dực là một trong những nhân vật nổi trội trong giai đoạn lịch sử ấy, đồng thời cũng là một trong những vị tiền hiền của dòng tộc Phạm trên đất Quảng Nam.
Phạm Nhữ Dực sinh ngày 16-10-1311, dưới triều vua Trần Anh Tông. Lớn lên trong cảnh đất nước bắt đầu loạn lạc, họ Phạm được Thượng tướng Trần Khắc Chung nhận làm con nuôi.
Mùa đông năm Mậu Thân 1368, vua cử Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Cuộc hành vừa đến phủ Thăng Hoa thì có sứ thần Chiêm là Mục Đà Na xin trả lại Hóa Châu. Hai bên đang tiến hành hòa giải thì Chế Bồng Nga đem quân đánh úp. Tướng Trần Thế Hưng bị bắt. Đỗ Tử Bình và Phó tướng Phạm Nhữ Dực đi đoạn hậu, tình hình không cho phép ứng cứu.
Năm Canh Thân 1380, Chiêm Thành đem quân xâm phạm Nghệ An. Vua Trần Nghệ Tông cử Lê Quý Ly (sau khi lên ngôi, đổi thành Hồ Quý Ly) lãnh thủy binh, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực lãnh bộ binh chặn đánh tan quân Chiêm ở sông Ngư Giang.
Năm Mậu Tuất (1382), Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực vây thành Thanh Hóa. Quân Chiêm rút chạy.
Đến năm Tân Mùi 1391, tướng La Khải lên thay Chế Bồng Nga, đem binh xâm phạm Hóa Châu. Vua Trần Nghệ Tông lại cử Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực chặn đánh quân Chiêm ở Trà Bàn.
Năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Lúc bấy giờ, Phạm Nhữ Dực đã có ý từ quan nhưng Hồ Quý Ly triệu về triều, gia phong chức vị để cùng các tướng Đỗ Mãn, Ngụy Trưng, Nguyễn Cảnh Chân trấn giữ Hóa Châu. Lúc này, Chiêm Thành phải dâng thêm vùng đất Cổ Lũy (Quảng Ngãi ngày nay).
Năm Tân Tỵ 1401, Hồ Hán Thương hạ chiếu sắc phong Phạm Nhữ Dực là Chánh Đô án Vũ sứ, yêu cầu ông tổ chức đưa dân vào vùng đất mới (Cổ Lũy), cùng với Phó Đô án Nguyễn Cảnh Chân. Phạm Nhữ Dực đã tổ chức chương trình cải cách và thu dụng tù binh Chiêm Thành vào công cuộc khai hóa trên vùng đất mới. Công cuộc đang tiến hành thì ông thọ bệnh, từ trần ngày 1-1 năm Kỷ Sửu (1409), hưởng thọ 96 tuổi. Giản Định vương nhà Hậu Trần phong cho ông chức Bình Chiêm thượng tướng quân, tước Dực Nghĩa hầu.
Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Tần đến trấn thủ Quảng Nam dinh, đã tưởng nhớ công đức của ông nên cho lập sở từ, xây lăng mộ ông tại làng Đồng Tràm, xã Phú Phong, huyện Quế Sơn (thuộc Quảng Nam dinh) và truy tặng ông tước Phủ Quốc công. Đến năm 1810, thời vua Gia Long, sở từ và lăng mộ của ông lại được tu sửa chỉnh trang, tộc phả cũng được viết hoàn chỉnh.
Con trai ông là Phạm Nhữ Đệ và cháu nội là Phạm Nhữ Dự đều là những tướng cầm binh trấn giữ vùng đất mới. Cháu gọi ông bằng cố là Phạm Nhữ Tăng cũng được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân Đô thống. Khi Phạm Nhữ Tăng mất, nhà vua thương tiếc viếng câu đối: “Nghĩa sĩ uẩn mưu cơ, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc. Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang” (Nghĩa là: Nghĩa sĩ đủ cơ mưu, hiệp sức một lòng bình Chiêm quốc. Mộ phần xây tráng lệ, hồn thiêng muôn thuở rạng trời Nam).
Hiện nay, tại làng Hương Quế bên quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời nhà Nguyễn, nhà Lê.
Đối với các bậc tiền nhân có công với nước với dân nói chung, xứ Quảng nói riêng, chúng ta không có ước vọng nào hơn là ghi chép, biên soạn công tích của các ngài để những thế hệ kế tiếp luôn tưởng nhớ, trân trọng công ơn các vị.
Đức Trí