PV: Thưa luật sư, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giấy tờ bị làm giả, làm khống như: làm giả bằng cấp, làm giả bằng khen…và làm khống giấy chứng nhận sức khỏe. Trong khi người muốn xin giấy chứng nhận sức khỏe, cần phải được thăm khám tại các cơ sở y tế hoặc bệnh viện trước khi được cấp giấy chứng nhận; thì nay loại giấy tờ này lại được công khai rao bán trên các trang mạng xã hội. Vậy xin ông cho biết, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Việc cá nhân muốn có giấy chứng nhận sức khỏe và cơ sở y tế cấp giấy khám sức khỏe phải tuân theo các quy định tại điều 4, 5, 6, 7, 8 Thông tư Số: 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 05 năm 2013 của Bộ Y tế. Cụ thể: Người được cấp giấy khám sức khỏe phải có hồ sơ theo quy định và được cơ sở y tế tiến hành khám cho người đó và ghi các kết quả trên giấy khám sức khỏe.
Để thực hiện thủ tục khám sức khỏe, thì người kết luận trong giấy khám sức khỏe phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, và có thời gian khám chữa bệnh ít nhất là 54 tháng; được người có thẩm quyền phân công thực hiện việc phân loại sức khỏe, ký giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ. Việc phân công phải được thực hiện bằng văn bản và đóng dấu hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh.
Vì vậy, hành vi mua bán, làm giả, cấp khống giấy chứng nhận sức khỏe là hành vi vi phạm pháp luật, cần phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật.
PV: Quy trình cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người có nhu cầu, đã được Bộ Y tế quy định rõ. Vậy vì sao trên thực tế, vẫn có những trường hợp mua bán giấy chứng nhận sức khỏe, mà không thông qua việc thăm khám, phải chăng là có sự “nhờn luật” ở đây, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe hiện nay đang diễn ra ồ ạt, thứ nhất là do nhu cầu của người sử dụng với mục đích xin việc, học tập hoặc cấp giấy phép lái xe.. trong khi thủ tục khám sức khỏe lại mất nhiều thời gian, đôi khi thủ tục còn rườm rà, nên một số đối tượng đã lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý của các cơ quan có liên quan đến vấn đề trên, để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
PV: Để xảy ra tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe diễn ra ồ ạt như hiện nay, thì hẳn trách nhiệm không chỉ thuộc về những người trực tiếp tham gia giao dịch. Vậy theo luật sư, trong vấn đề đang còn nhiều nhức nhối này, trách nhiệm cao nhất thuộc về ai?
Luật sư Đặng Văn Cường: Về vấn đề này, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe, các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, phát hiện giấy chứng nhận sức khỏe giả. Còn đối với những người có hành vi vi phạm, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp |
PV: Với những người tham gia mua bán giấy chứng nhận sức khỏe, sẽ bị pháp luật xử lý ra sao, thưa luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả cụ thể mà các đối tượng thực hiện hành vi mua bán, làm giả, hoặc vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe mà bị xử lý:
* Trách nhiệm đối với người cấp sai giấy chứng nhận sức khỏe:
_Nếu người thực hiện hành vi mua bán, làm giả giấy chứng nhận sức khỏe là người có thẩm quyền, ký xác nhận vào giấy chứng nhận sức khỏe (nghĩa là không có việc khám sức khỏe nhưng vẫn có cấp giấy khám sức khỏe theo quy định) có thể bị xử lý về tội giả mạo trong công tác, theo Điều 284 Bộ luật hình sự hiện hành, cụ thể như sau:
“Điều 284. Tội giả mạo trong công tác
Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu.
b) Làm, cấp giấy tờ giả.
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn”
_Trường hợp "làm giả" giấy chứng nhận sức khỏe, thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự hiện hành. Cụ thể như sau:
“Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Tuy nhiên, đối với người trực tiếp mua giấy chứng nhận sức khỏe giả, khống để sử dụng trong việc xin việc, học tập hoặc cấp giấy phép lái xe … thì hiện nay pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài xử lý.
PV: Vậy với tư cách là một luật sư, ông có giải pháp nào đưa ra nhằm hạn chế tình trạng mua bán giấy chứng nhận sức khỏe trên thị trường?
Luật sư Đặng Văn Cường: Để hạn chế tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe trên thị trường, thì trước hết cần phải tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm tình trạng mua bán, làm giả giấy chứng nhận sức khỏe.
Tiếp theo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để người dân hiểu biết về mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán, làm giả giấy chứng nhận sức khỏe.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh cũng cần đơn giản hóa thủ tục khám sức khỏe, để người dân nếu cần giấy chứng nhận sức khỏe, thì có thể dễ dàng thực hiện thủ tục này tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra, cũng cần quy định chế tài để xử lý đối tượng là người mua giấy chứng nhận sức khỏe khống, giả bởi pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý đối với đối tượng trên.
Cảm ơn luật sư về buổi phỏng vấn!