Ngày nay, chỉ với một click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm đủ loại hàng hóa, dịch vụ thông qua mạng internet. Nhiều tiện ích, nhưng mua săm qua mạng cũng đang đặt ra không ít rủi ro…
Ít vốn, không tốn thời gian
Hiện bán hàng qua mạng đã trở thành mô hình kinh doanh phổ biến tại thị trường Việt Nam với hàng loạt trang thông tin thương mại được thành lập trong thời gian qua. Tiện ích của việc mua hàng trên mạng là có nhiều mẫu mã để lựa chọn, giao hàng tận nơi; đặc biệt là NTD có thể thõa sức so sánh giá cả sản phẩm giữa các nhà cung cấp.
Quy trình đăng ký tài khoản để kinh doanh trên các trang mạng hiện nay cũng khá đơn giản, người bán chỉ cần tiến hành đăng ký tạo “cửa hàng” thông qua việc kê khai các thông tin về người đứng tên kinh doanh cũng như thông tin nơi bán, đồng thời phải xác thực những thông tin đó, bao gồm điện thoại cửa hàng, giấy tờ chứng minh sau 14 ngày đăng ký. Những “cửa hàng” kinh doanh hoàn tất các quy định sẽ được chú thích rõ để người mua dễ dàng nhận biết và yên tâm.
Bạn Huỳnh Thủy Tiên, sinh viên năm 3 trường ĐH Văn Hiến, TP. Hồ Chí Minh khởi nghiệp bằng việc bán quần áo, đồ dùng cũ của bản thân qua trang mạng xã hội Facebook, nay đã “phát triển kinh doanh” sang các mặt hàng mỹ phẩm với hệ thông “cửa hàng” chuyên nghiệp. Theo Tiên, bán hàng qua mạng vừa không phải bỏ nhiều vốn, tốn tiền thuê mặt bằng, vừa ít rủi ro: khách hàng đặt mua sản phẩm nào thì lấy hàng từ đại lý và giao qua, mỗi sản phẩm thu lợi nhuận từ 10.000 – 50.000 đồng…
Nhưng thực tế cho thấy, bên cạnh những nhà cung cấp dịch vụ phát triển mô hình mua bán qua mạng theo cách thức bền vững, thì vẫn có một bộ phận những cá nhân, tổ chức kinh doanh nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và sử dụng nhiều “chiêu thức” không lành mạnh để “hút khách”.
Hút khách bằng giá “sốc”
Anh Hồng Quân, kỹ sư Công ty TNHH Lê Minh ở quận 1, TP.HCM than thở: có lần mua phiếu giảm giá spa chỉ với 300.000 đồng cho dịch vụ hơn một triệu đồng để tặng vợ nhân sinh nhật, nhưng khi đến địa điểm spa ghi trên phiếu giảm giá, thì mới biết chất lượng phục vụ rất tệ, nhân viên làm qua loa, không như những gì đã quảng cáo trên trang mua bán qua mạng.
Minh Thư, sinh viên ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh thì kể, lúc trước có mua phiếu giảm giá của một quán cà phê ở quận 3 qua trang mua bán trên mạng, nhưng khi đến nơi mới phát hiện giá thức ăn, nước uống ở quán này rất đắt, nên dù được giảm giá nhưng vẫn phải bù thêm gần nửa giá trị nước uống.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Lâm, đại diện một trang mạng tương đối nổi tiếng khẳng định, để bảo vệ quyền lợi NTD, khi nhận được thông tin phản hồi của khách hàng, ban quản lý sẽ có những quy định xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, từ mức độ cảnh cáo, khóa tài khoản có thời hạn cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn.
Ông Võ Hồng Quang, đại diện một trang mạng có tiếng khác cũng cho biết, điều đầu tiên khi làm việc với các nhà cung cấp thẩm định dịch vụ của họ có hấp dẫn NTD, chất lượng có đảm bảo, sau đó mới đến giá cả và lợi nhuận. Quy trình này nhằm tránh gây những kỳ vọng ảo cho NTD, ngoài ra nếu liên kết được với nhà cung cấp tốt thì nhà mạng sẵn sàng giảm lợi nhuận để có những sản phẩm chất lượng và dịch vụ tốt…
Nhật Phương