Mua đồ cũ trên mạng: Ham rẻ dễ bị lừa

“Đi chợ online” hiện  không còn là cụm từ xa lạ với nhiều người. Dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng phát triển và giá rẻ những ứng dụng tiên tiến trên mạng internet  không ngừng  mở rộng, tạo điều kiện để nhiều trang web bán hàng trực tuyến ra đời, đáp ứng nhu cầu mua sắm của rất nhiều công dân mạng.

“Đi chợ online” hiện  không còn là cụm từ xa lạ với nhiều người. Dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng phát triển và giá rẻ những ứng dụng tiên tiến trên mạng internet  không ngừng  mở rộng, tạo điều kiện để nhiều trang web bán hàng trực tuyến ra đời, đáp ứng nhu cầu mua sắm của rất nhiều công dân mạng. Không chỉ lên mạng săn lùng những mặt hàng mới nguyên tem mác, hiện nhiều bạn trẻ có xu hướng chuyển sang tìm kiếm những món đồ “ nước hai” hay đồ second-hand và cùng với đó cũng nảy sinh vô số những bất cập khó lường. 

 

Đa dạng mặt hàng, giá cả phải chăng

 

Những sản phẩm “hàng hiệu” nổi tiếng  là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ khả năng để sở hữu những món đồ đắt tiền đó. Nay thì thông qua những diễn đàn mua bán trên mạng bạn có thể dễ dàng tìm thấy một món đồ yêu thích đang được rao bán dưới hình thức “đã qua sử dụng”. Chất lượng  mới tới 80%, mà giá  chỉ còn một nửa. Hay chính bạn đã thấy chán chiếc điện thoại đang dùng và muốn  thanh lý nó để mua về một chú dế khác … Chỉ bằng một cú nhấp chuột có thể giải quyết tất cả, mua bán hàng second - hand (đã sử dụng) qua mạng  đang là mốt của giới trẻ.

 

Xem qua mục đồ cũ của diễn đàn mua bán trên trang webtretho.net, cô bạn cùng phòng phải thốt lên: “Đông vui hơn chợ, nhiều hàng hơn siêu thị” So sánh như vậy  không ngoa chút nào. Chỉ cần nhấp chuột chạy qua từng trang, từng hạng mục là thấy hết sự “sầm uất” của nó. Lúc vắng vẻ nhất cũng là vài trăm người đang “mua bán”, khi đông đúc phải lên đến hàng nghìn người. Chưa bao giờ những diễn đàn trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng lại “hot” như lúc này! Các mặt hàng được mua bán, trao đổi trên diễn đàn đa dạng chẳng kém gì trong siêu thị, từ thứ đơn giản như cái đèn ngủ  đến những thứ “phức tạp” hơn như mỹ phẩm, quần áo vải vóc, thậm chí là cả điện thoại di động, ti vi, laptop…Có  nhiều lý do để người ta rao bán đồ : “Chuyển nhà, bán bớt đồ gia dụng và điện tử”, “Dọn tủ quần áo”, “Nhiều mỹ phẩm quá, tớ thanh lý bớt”… đó là những tiêu đề thường thấy.

 

Với người mua  cũng mỗi người một lý do. Ngọc Thúy (số 7 lô 162 khu T4, Cát Bi) có nick Shopvivu trên  diễn đàn enbac.com giải thích việc mình mua đồ dưỡng da đã dùng rồi vì: “Mình mua để dùng thử xem có hợp không. Nếu mua một lọ mới tinh thì rất đắt, mà dùng không hợp thì rất phí”. Kiểu mua bán này đặc biệt thích hợp với các bạn gái yêu thích thời trang, nhưng tính hay cả thèm chóng chán! Chẳng hạn, một cái váy dù có đẹp đến thế nào nhưng cứ phải “chung thủy” với nó mãi thì bạn cũng sẽ chán. Với điều kiện chiếc váy không đến nỗi quá cũ , bạn có thể rao bán nó trên mạng, lấy tiền sắm đồ mới!

 

Không chỉ  giới trẻ thích thú với cách mua sắm này mà ngay cả “người lớn” cũng vậy. Cô Phượng (khu nhà ở Trại Cau- Tô Hiệu), vốn là giáo viên dạy văn THCS đã về hưu, thường mua sách trên mạng, cho biết  cách mua bán này rất thú vị: “Người không cần dùng nữa thì đem bán cho người cần mua, cũ người nhưng mới ta, tránh được sự lãng phí khi để không một vật dụng nào đó. Khi mua sách trên mạng, cô có điều kiện sưu tầm, mua lại được những cuốn sách, truyện hay với bản in cũ ngày xưa mà nếu ra hiệu sách mua thì không cách nào mua được.”

 

Bạn đừng nghĩ  việc lướt web xem hàng hóa là vô hại, nó cũng dễ gây “nghiện” lắm đấy… Trang (nhân viên văn phòng) có nick JulyMoon trên một loạt trang bán hàng trực tuyến tâm sự rằng, nếu một ngày không dạo qua diễn đàn mua sắm là cô thấy trong người bứt rứt khó chịu. Con gái có ai không thích shopping, nhiều khi thấy có cái gì đẹp mắt là mua, mua mà chưa biết là sẽ để làm gì. Đồ cũ thì đúng là giá rẻ đấy, nhưng nhiều món rẻ góp lại sẽ thành một khoản tiền lớn, cũng tốn kém lắm!

 

Hãy cảnh giác khi tìm mua đồ dùng, hàng hóa trên mạng

Cẩn thận đừng ham rẻ

 

Ưu điểm của mua sắm qua mạng thì ai cũng biết, nhược điểm của nó chúng ta cũng chẳng lạ gì, đó là dễ mua phải hàng giả. Mặc dù vậy, vẫn có người bị “ăn thịt lừa” của những kẻ buôn gian bán lận.

 

Trang kể, một lần cô mua nước hoa qua mạng, do tin lời quảng cáo “Hàng xách tay, thật 100%” nên đã không kiểm tra sản phẩm. Về đến nhà, mở ra mới biết  là hàng giả. Mất cả một ngày gọi điện yêu cầu trả lại hàng nhưng không được, chỉ biết ngồi ấm ức nhìn chai nước hoa rởm. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Sẵn kinh nghiệm mua bán trên mạng, cô lập tức chụp ảnh chai nước hoa, rồi lại đem rao bán, chỉ qua ngày hôm sau, lập tức lại có một người khác bị lừa khi đồng ý chuyển khoản mua lại chai nước hoa đó. Trang hồ hởi, khách mua ở tận Bình Dương nên không sợ bị phát hiện rồi lằng nhằng nữa. Cô vui mừng khi bán được  món đồ rởm đi mà quên mất rằng chỉ mới hôm trước chính mình cũng bực tức đầy vơi khi mua phải nó.

 

Người bị “ăn thịt lừa” thì nhiều, nhưng người trả lại được và dám “trả đũa” đám buôn bán gian lận kia thì không biết được bao nhiêu? Vì thế, khi mua hàng qua mạng, dù là hàng mới tinh hay đã dùng rồi, cần kiểm tra tận tay tận mắt. Nếu không phải là gian hàng được tin cậy và có nhiều ý kiến phản hồi tốt từ những khách đã mua hàng ở đó, tốt nhất bạn nên bỏ qua cho dù món đồ rao bán được quảng cáo “ngon, rẻ, bổ”. Cũng không nên mua đồ của những người bán ở quá xa, không thể tới tận nơi xem hàng, hoặc phải nhờ người quen xem hộ.

 

Mua bán qua mạng đã dần đi vào nếp sinh hoạt của nhiều người. Ngoài việc người mua phải cảnh giác để bảo vệ quyền lợi của mình, các ngành quản lý cần có những quy định pháp lý để quản lý hình thức mua bán này trong khuôn khổ thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng.

 

Thiên Lam

Đọc thêm