Tòa soạn “dã chiến”
Kế hoạch cải cách nội dung nhật báo được khẩn trương thực hiện, chuẩn bị cho 3 tháng thử nghiệm đưa báo ra sạp. Nhiều anh chị từ nhiều đơn vị khác nhau khắp vùng miền được triệu tập về Hà Nội. Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt từ Cơ quan đại diện tại TP HCM được điều động ra nhận chức danh nghề nghiệp Tổng Thư ký báo ngày.
Vợ của anh Kiệt cũng phải ra cùng để chăm sóc chồng. Nhân sự Ban Thư ký lúc đó còn có Thư ký Tòa soạn (TKTS) Nguyễn Thị Quỳnh Lưu (hiện là Trưởng ban Chuyên đề báo in), TKTS Lương Nga (hiện là Phó ban Pháp luật Điện tử). TKTS Tuyết Lan là tôi từ Văn phòng đại diện Nghệ An cũng được điều động “khăn gói” ra Hà Nội.
Dồn lực cho chiến dịch cải cách, Ban Biên tập đã tính toán “trang bị tận răng” cho nhóm cán bộ, phóng viên từ xa đến: Từ trang thiết bị làm việc tại cơ quan, nơi ăn chốn ở cho người ở xa, đến những bữa cơm nóng sốt ngay tại Tòa soạn.
Đầu tháng 4/2014, sau một thời gian kỹ lưỡng nghiên cứu thị trường, định vị bạn đọc, chuẩn bị nội dung, nhật báo PLVN in bìa 4 màu ra sạp. Đêm trước số báo đầu tiên ra thị trường, Ban Biên tập và các anh chị em ở tất cả các bộ phận liên quan như chế bản, phát hành... đều có mặt tại nhà in.
Đã nhiều lần trực in lúc đêm khuya hay khi tờ mờ sáng, nhưng lần đầu tiên tôi thấy không khí nhà in đông người mà tĩnh lặng như hôm ấy. Chỉ có tiếng máy chạy ràn rạt trong sự chờ đợi hồi hộp.
Khi những trang báo còn nóng ấm và nồng mùi mực in, mọi người đều nâng niu chăm chú đánh giá từng chi tiết nhỏ nhất như màu mực, nét chữ... Đối với nhiều người, đó là một đêm không ngủ, chỉ mong trời sáng để chờ đợi phản ứng của thị trường.
Thị trường có ngay câu trả lời bằng những con số. Lượng phát hành khá ổn. Nhiều phản hồi tốt về nội dung và hình thức tờ báo. Quyết tâm của cả tập thể càng hừng hực.
Anh chị em thư ký chúng tôi gần như cả ngày ở cơ quan. Những cuộc họp liên tiếp. Những cuộc tranh luận không ngừng. Cón nhớ có những khi hàng chục người nâng niu gọt giũa mới ra cái tít loạt bài “5 nông dân lấy cái chết lay động một phiên tòa”. Đích thân Tổng Biên tập cùng các Phó Tổng Biên tập tham gia chỉ đạo nội dung. 1-2h đêm, đèn cơ quan vẫn sáng. Lãnh đạo Báo cũng thức đêm duyệt bài cùng.
Tất cả các phòng ban trong Tòa soạn đều cuốn theo không khí chiến đấu hừng hực. Còn nhớ chị Lương Vân Anh, lúc đó là Phó ban Bạn đọc, hiện là Phó ban Thời sự, cảm thán: “Ngày nào cũng làm việc rầm rập như ở công trường. Có lúc chạy bài không kịp thở. Chờ đến báo ra lại thấy vui”.
Đổi lại những nỗ lực hết mình của tất cả mọi người là những bài báo được chọn lọc đặc sắc, được bạn đọc ghi nhận. Đồng thời, điện thoại của lãnh đạo Báo cũng không ngừng đổ chuông về những tuyến bài “động chạm”. Nhưng Ban Biên tập khẳng định sẽ bảo vệ những tuyến bài điều tra gai góc, “anh em chỉ cần lo về nội dung”.
Ban Biên tập rút kinh nghiệm với Ban Thư ký ngay tại nhà in. |
Nhắc đến không khí “thời cải cách PLVN”, có ai đó đã nói vui về một “tòa soạn dã chiến”. Có những thời điểm gấp rút, bữa cơm phải phân công nhau ăn. Thậm chí có người còn “làm một hơi”, xong báo mới yên tâm lên nhà ăn “thưởng thức” cơm nguội. Có vất vả nhưng ai cũng làm việc hăng say, nhiệt huyết dâng trào.
Bóng mát chở che
Hà Nội hè năm ấy cũng nóng nực vô cùng. Ngoài những giờ làm đến khuya tại cơ quan, chúng tôi còn có thêm thói quen dậy sớm lang thang các sạp báo, cafe hè phố, chờ đợi hỏi những xe báo rong, người bán báo dạo. Mua ở đâu cũng hỏi dò tờ này đọc “được” không, bán chạy không,... Có ông chủ sạp báo còn quen mặt, vừa thấy tôi đến đã đưa báo kèm những thông tin có sẵn chờ “cung cấp” như: Hôm qua bán mấy tờ, trả mấy tờ, bài nào hay, tin nào chậm...
Báo ra sạp cũng thăng trầm theo thị trường. Đều đặn mỗi ngày chúng tôi đều chờ đợi tin báo từ các đầu mối phát hành. Mỗi nơi tăng vài nghìn tờ cũng vui, giảm vài trăm tờ cũng buồn. Tăng hay giảm đều tự hỏi vì sao tăng, vì sao giảm?
Hy sinh âm thầm phía sau trang báo đẹp:
Những ngày lăn lộn cùng cuộc cải cách 2014, tôi càng khâm phục những anh chị ở bộ phận chế bản. Bao nhiêu năm họ vẫn không có bữa ăn tối bên gia đình để cặm cụi với công việc đọc morat, thiết kế, dàn trang...
Trong thời báo cải cách, bước chân họ về đến nhà càng muộn hơn, nhưng không một ai than phiền. Họ chỉ tận tụy với công việc của mình, soi từng lỗi chính tả, ngắm nghía từng khung ảnh.
Một trang báo đẹp, không bị bạn đọc gọi điện “bắt lỗi” là niềm vui của những người chế bản.
Trong những thời điểm căng thẳng vì áp lực và khối lượng công việc, Phòng Ban Thư ký có khi mù khói thuốc lá. Tôi còn nhớ Tổng Thư ký Anh Kiệt nghiền thuốc ba số, đã mua là mua một lúc vài cây. Vậy mà có lần vẫn hết giữa đêm, anh phải “xài” một lúc hai điếu loại khác mới “đủ đô”. Chị em ngồi cùng phòng nhiều lúc bị hun trong khói thuốc, bước ra khỏi phòng đầu bốc khói theo đúng nghĩa đen.
Nhưng những nỗ lực không mệt mỏi từ các bộ phận nội dung đến phát hành đều không chống đỡ được xu hướng smartphone lên ngôi. Dù yêu những tờ báo giấy đến thế nào, dù nội dung những bài báo in trên giấy có độc đáo sâu sắc đến đâu, những chiếc loa gắn trên xe bán báo rong rao “khản cổ” cũng thưa dần người mua. Hàng loạt sạp báo giải tán. Phần lớn người bán báo rong chuyển nghề.
Sau một thời gian thử nghiệm, Ban Biên tập quyết định tạm ngưng thử nghiệm cải cách phương thức phát hành báo giấy. Khi trong chúng tôi có người rơm rớm, Tổng Biên tập Đào Văn Hội vẫn nở một nụ cười như thường thấy: “Không sao, chúng ta có “nhân hòa”, nhưng chưa phải “thiên thời, địa lợi”. Còn nhiều “sân chơi” khác. Báo giấy mãi mãi vẫn là tờ báo “mẹ”, ấn hành hàng ngày, nhưng vẫn phải làm đúng tôn chỉ mục ích, làm hay, đừng để bạn đọc than phiền là “bị ấn vào tay và hành hạ””.
Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt nay đã về hưu. Nhớ lại những ngày ngồi ghế “nóng” Tổng Thư ký, anh tâm sự: “Nhiều năm làm báo ở nhiều tờ báo, nhưng chưa bao giờ anh trải qua không khí làm việc mới mẻ như vậy. Một tập thể mới gặp nhưng gắn kết. Có áp lực, có khẩn trương, có khúc mắc, có những lúc vừa làm vừa tìm hiểu... nhưng trên tất cả là tinh thần vượt khó, quên mình vì tờ báo”.
Nhà báo Anh Kiệt kể, vẫn có lúc nhớ Hà Nội những ngày tháng ấy, đêm nằm mơ có khi lại thấy cảm giác êm đềm khi cây đa cổ thụ trước cửa Tòa soạn vươn cành xạc xào vào khung cửa sổ tầng 5 Ban Thư ký… Tôi đồng ý, nhưng cũng liên tưởng thêm một điều khác: Những người lãnh đạo ở báo PLVN như Tổng Biên tập Đào Văn Hội, nguyên Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Luyến, Tổng Thư ký Lê Đại Anh Kiệt… một đời tâm huyết với nghề, luôn nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, tận tâm chăm sóc nhân viên; cũng chính là những “cây đa” tỏa bóng mát che chở những lớp hậu sinh chúng tôi.
Dấu ấn PLVN thời cải cách trong lòng bạn đọc
Sau này, Giám đốc Công ty phát hành tại khu vực phái Bắc từng tâm sự chính ông cũng mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cùng với PLVN. Giữa lúc thị trường báo giấy khó khăn, nhiều tờ “giữ mình” giảm lượng phát hành chống lỗ, PLVN vẫn “ra trận” và kịp ghi dấu với nhiều bạn đọc.
Đằng sau đời sống của một tờ báo và hàng trăm cán bộ, phóng viên là nỗi lo toan chèo lái của Ban Biên tập. Đằng sau mỗi quyết định đổi mới là sự kiên cường mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Từ lần cải cách này, chúng tôi có thể cảm nhận sâu sắc trong chặng đường đã qua của Báo PLVN, có thành công, có vinh quang, nhưng cũng có những quyết định hợp thời, “biết mình biết ta”. Và thực tế, Báo PLVN vẫn không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo, xây dựng thương hiệu bằng nhiều kênh thông tin, nhiều ấn phẩm đa dạng.
Đến bây giờ, hơn nửa thập kỷ đã trôi qua, tôi vẫn bùi ngùi khi đi qua những nơi từng là sạp báo, nay chủ sạp đã chuyển nghề. Tôi vẫn nhớ những cuộc gọi của bạn đọc hỏi tìm mua báo không được. Thậm chí khi báo đã dừng bán ra thị trường cả năm vẫn có người đọc báo cũ, gọi hỏi kỳ tiếp theo mua ở đâu?