Dù ngay ở phần mở đầu cuốn “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”, tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh đã giãi bày rằng, đây là tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, bối cảnh, nhân vật, sự kiện không liên quan đến hiện thực mà chỉ là câu chuyện ở thành phố giả tưởng mang tên Nam Yên trong một đại dịch có tên là Moros+. Thế nhưng, tất cả những sự giãi bày đó không thể ngăn được người đọc liên tưởng…
Chúng ta còn nhớ, vào những ngày đại dịch COVID - 19 hoành hành, có một phóng sự bom tấn trên truyền hình về những giây phút nghẹt thở ở một phòng cấp cứu, khi các y bác sĩ và cả các bệnh nhân trong những bộ đồ bảo hộ kín mít quay cuồng giành giật sự sống từ tử thần.
Phóng sự đó không có lời bình, chỉ có những tiếng hô gấp gáp, những tiếng kêu gào sợ hãi, hoảng loạn... Hàng triệu người đã nín thở xem phóng sự đó với cảm giác tái tê trong lòng về một cuộc chiến quá đỗi tàn khốc.
|
Tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh ký tặng độc giả sách “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi”. (Ảnh: A.Vân) |
Và rồi chúng ta cũng đi qua đại dịch. Cuộc sống dần trở lại bình thường với những vòng quay hối hả. Trong sự bận rộn ấy, đã có lúc ta phần nào cũng lãng quên đi khoảng thời gian hơn hai năm, chính ta, và cả thế giới, đã oằn mình chống dịch như thế nào.
Nhưng chắc chắn rằng những người trong cuộc, những y bác sĩ tận hiến sức lực và cả tính mạng mình trong đại dịch cùng những bệnh nhân ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần sẽ không bao giờ quên. Nhưng tiếc rằng có quá ít tác phẩm đánh thức được những trải nghiệm tử sinh đó của tất cả chúng ta, để đến hôm nay và mãi mãi mai sau, chúng ta có thể nhớ lại. Và tiểu thuyết “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh đã làm được điều đó.
Ra mắt khi đại dịch đã đi qua được 2 năm, cuốn tiểu thuyết như một cú chạm mạnh vào ký ức, khiến những năm tháng chúng ta đã từng trải qua sống động trở lại như mới hôm qua. Nó cho ta thấy giữa không khí ngột ngạt trong phòng cấp cứu kia - như những gì mà phóng sự trên truyền hình ghi lại - không chỉ có những âm thanh, hành động lạnh lùng mà còn có cả một thế giới tâm tư tình cảm của con người, có hoang mang, đau đớn tột cùng nhưng cũng có tình yêu, phản bội, hận thù, và thức tỉnh…
Một tình cảm nảy nở với muôn vàn cung bậc khác nhau, tất cả đều được miêu tả tỉ mỉ giữa hai con người, dù là nam thanh nữ tú đấy, dù ở gần nhau thật đấy, nhưng phải đến nửa cuối truyện thì mới lần đầu tháo khẩu trang ra để... thấy mặt nhau; vậy mà những khoảnh khắc bên nhau, với họ, vẫn là mãi mãi.
Biết bao nhiêu diễn biến đậm chất “ngôn tình” xảy ra, khiến người ta rơi lệ để nói lên một điều về sức cảm hoá của những trái tim đã tự nguyện dâng hiến tận cùng cho nghề nghiệp, cho cuộc đời, cho cái Thiện. Tác phẩm với thông điệp, tình yêu, lòng bao dung và nhiệt huyết của những con người hết lòng vì nghề nghiệp, vì xã hội... chính là chìa khóa hóa giải mọi nghịch cảnh, mọi đau đớn, làm nên phép nhiệm màu trong thực tại này.
Tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh cũng tự nhận đã chọn một đề tài rất khó ở tiểu thuyết này, bởi tác giả là người “ngoại đạo” với ngành y, hơn nữa những gì chúng ta đã trải qua ở đại dịch từng quá khốc liệt, rất khó để nói hết, nói đủ được.
Vì vậy, Hồ Điệp Thanh Thanh tìm cho mình một góc nhìn riêng ở một câu chuyện giả tưởng với mong muốn thông qua văn học, giữ lại một phần nhỏ nào đó ký ức về những ngày chúng ta đã đi qua và đã sống sót, hy vọng mỗi người sau khi đọc sẽ trân quý hơn cuộc sống bình thường mà ta đang có.
Được biết, “Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi” là tiểu thuyết thứ 2 của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh, sau bộ tiểu thuyết rất thành công “Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh” phát hành năm 2021.