Mùa ốc lể

(ĐNĐT) -  Từ tháng giêng đến tháng tư, miền Trung bắt đầu vào mùa ốc lể. Đâu đâu cũng thấy ốc lể hiện diện, từ chợ, về nhà, len vào cả những công sở vào những giờ nghỉ trưa…

(ĐNĐT) -  Từ tháng giêng đến tháng tư, miền Trung bắt đầu vào mùa ốc lể. Đâu đâu cũng thấy ốc lể hiện diện, từ chợ, về nhà, len vào cả những công sở vào những giờ nghỉ trưa…

“Thảnh thơi ngồi chơi, lể ốc”

Bà Bê (chợ Hàn, Đà Nẵng) với nồi ốc lể luộc luôn nóng hổi và luôn đắt khách

Ốc lể, còn gọi là ốc ruốc, từ hàng chục năm nay, đã trở nên vô cùng nổi tiếng ở các tỉnh, thành miền Trung. Những ngày này, chỉ cần đặt chân vào các khu chợ đã thấy ốc lể hiện diện ở khắp mọi nơi. Chạy suốt dọc đường Ông Ích Khiêm, khu vực trước chợ Cồn (Đà Nẵng) những ngày này sẽ thấy một hàng dài những bà, những chị bán hàng bao ốc lể đã được luộc sẵn, nóng hổi, thơm phưng phức đầy quyến rũ.

Người mua cũng đông đúc, tấp nập không kém. Nhìn người mua, mới thấy, không chỉ chị em phụ nữ mới mê mẩn món ăn tỉ mẩn này, mà cả những thanh niên, đàn ông cũng “nghiện” món này không kém. Chỉ khác, chị em thì ăn ốc lể mọi nơi, mọi lúc, còn quý ông thì len lén mang về nhà lể.

Bà Bê, người nổi tiếng ở chợ Hàn với món ốc lể. Ốc của bà giá đắt hơn tất cả các nơi ở Đà Nẵng, từ 1.000-2.000đ/lon, nhưng người mua lúc nào cũng đông đúc, bởi ốc bà bán luôn là loại mới nấu và là ngon nhất: to, đều và béo. Hàng ngày, bà bán vài trăm lon ốc lể, mà nấu không kịp bán.

Không ít người, thoạt trông thấy món ốc lể đã vội lắc đầu ngoầy ngoậy, bảo, món gì mà mắc công, nhỏ xíu bằng nửa hạt nút áo, ăn bao nhiêu cho đủ? Vậy mà lại hoàn toàn thay đổi “chính kiến” ngay khi được thưởng thức món ăn cầu kỳ này. Ốc lể là ốc biển, được luộc kèm sả, sau đó sẽ được trộn với muối, ớt bột, bột ngọt; hoặc với mắm gừng, ớt bột, mắm, bột ngọt, dầu phi hành…

 
Ốc lể đã luộc, có sả, gia vị thơm phức

Với một cái gai dâu - nhất định phải là gai dâu mới là “đúng điệu”-  trên tay, từng miếng thịt ốc nấp kín trong cái vỏ xoắn ốc đầy màu sắc sẽ xuất hiện, thơm ngon và béo ngậy đến không thể cưỡng lại. Bỏ vào miệng sẽ nghe đầu lưỡi có rất nhiều vị chua, ngọt, cay, mặn và béo…Càng ăn càng nghiện.

“Thảnh thơi ngồi chơi, lể ốc” là câu nói dân gian dành cho món ốc lể, đơn giản, vì đây là món ăn đưa chuyện rất hấp dẫn. Vì vậy mà vào giờ nghỉ trưa, nhiều chị em trong các công sở đã chọn món ăn này, tụ tập nhau ngồi lể ốc và trò chuyện. “Ăn ốc lể mà ăn một mình thì vô duyên lắm, chẳng còn thú vị nữa. Phải đông người thì càng hấp dẫn”, chị Nguyễn Hải Vân, công tác ở một công ty TNHH đóng ở đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng), nói như vậy.

Về làng ốc lể

Dò hỏi theo những người bán ốc lể ở Đà Nẵng về nguồn gốc của nơi có món ốc lể ngon nhất, chúng tôi tìm về Cẩm Nam (Hội An, Quảng Nam). Nơi đây, hàng trăm hộ gia đình có được cuộc sống no đủ trong mùa ốc lể.

Anh Hải với công đoạn đãi ốc lể ở vùng sông nước lợ...

Ngay ở bờ sông Hoài, chúng tôi gặp vợ chồng anh Hải và chị Hồng đang chồng đãi, vợ gánh những con ốc lể đầy màu sắc. Bao tải ốc lể được mua từ những người cào ốc ven biển Hội An, đang được anh chị thực hiện công đoạn đãi cát. Một rổ ốc mà anh đãi phải 5-7 bận mới sạch được những lớp cát bẩn bám trên vỏ ốc và cát ốc ngậm sâu vào bên trong vỏ. Chị Hồng bảo, đã vậy, sau đó về nhà phải ngâm ốc vào nước biển 24 giờ đồng hồ thì mới gọi là sạch hẳn cát, sau đó bắt đầu luộc mang đi bỏ cho các nơi.

Mỗi lon ốc chưa luộc, loại lớn được bán với giá 3.000đ/lon, luộc xong thì có giá 3.500- 4.000đ/lon; ở các chợ Hội An người ta sẽ bán với giá 5.000đ/lon có tẩm thêm gia vị; ra Đà Nẵng thì giá cao hơn, phải từ 8.000-10.000đ/lon. Mỗi ngày, anh chị bỏ mối chừng được 150 - 200 lon, thu về hơn 300.000đ/ngày.

... sau đó được chị Hồng gánh về nhà và bắt đầu công đọan ngâm nước biển

Cách đó không xa, gia đình ông Hùynh Hỉ và bà Đỗ Thị Có cũng sống bằng nghề cào ốc lể và buôn ốc lể. Bà Hỉ bảo: “Cào ốc lể là dễ nhất hạng, vì chỉ cần một cây vợt chỉa có móc sắt, một cái ống bằng bao hoặc tre để đựng ốc là đủ để bắt tay vào nghề”.

Ốc lể là loại sống từng lớp dày đặc ở mặt cát sát đáy những bờ biển nông, vì vậy, câu nói “dễ như bắt ốc” có lẽ là dành cho ốc lể. Chỉ cần cắm chỉa xuống cát, sau đó cứ đi về phía trước để cào, là ốc đã vào bao, khi nào thấy nặng tay tức là ốc đã đầy. Vì vậy mà có người trong một buổi có thể cào cả trăm lon ốc là chuyện thường.

Ốc Cẩm Nam (Hội An) ngon đặc biệt, nổi tiếng mà không lý giải được. Vì vậy mà ốc Hội An có đi đến đâu cũng được chào mua với giá cao hơn ốc lể của các vùng biển của những tỉnh, thành khác hơn vài ngàn đồng/lon và không bao giờ bị ế.

Nhờ nghề ốc lể, mà nhiều người Cẩm Nam (Hội An, Quảng Nam) sống đầy đủ. Mỗi ngày, có nhà có thể "lãi ròng" 200.000-300.000 đồng nếu nhiều người cùng đi cào ốc lể. Đó là lộc đầu năm của biển, mang đến cho người dân vùng quê này sau những ngày Tết Nguyên đán.

VIẾT THANH

 

Đọc thêm