Mua phiếu chạy đua đăng cai World Cup: FIFA rối bời

Bất ngờ nhất với bóng đá thế giới năm nay là LĐBĐ thế giới (FIFA) sẽ công bố liền hai quốc gia được đăng cai vòng chung kết World Cup 2018, 2022 vào ngày 2-12 tới tại Zurich (Thụy Sĩ). Nhưng với nghi án mua phiếu bầu đang diễn ra, có lẽ kết quả đó không còn là một bí mật.

Bất ngờ nhất với bóng đá thế giới năm nay là LĐBĐ thế giới (FIFA) sẽ công bố liền hai quốc gia được đăng cai vòng chung kết World Cup 2018, 2022 vào ngày 2-12 tới tại Zurich (Thụy Sĩ). Nhưng với nghi án mua phiếu bầu đang diễn ra, có lẽ kết quả đó không còn là một bí mật.

 

Hai hay còn nhiều hơn

 

Tờ Sunday Times (Anh) đã tung cảnh quay quan chức Amos Adamu, người Nigiêria, thành viên ban điều hành FIFA đồng ý bán lá phiếu của họ trong việc giành quyền đăng cai World Cup 2018 với giá 500.000 bảng Anh. Tờ này cũng cáo buộc thêm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương, ông Reynald Temarii, yêu cầu được nhận 1,5 triệu bảng tài trợ cho một học viện thể thao Niu Dilân để đổi lấy phiếu bầu của mình.

 

Với việc bỏ phiếu bầu cho quốc gia giành quyền đăng cai World Cup, các quan chức FIFA luôn được đánh giá cao. Thế nhưng việc xảy ra khiến ngôi nhà “đạo đức” này bị rung chuyển. Công chúng không còn tin nữa mà nghi ngờ có thể còn nhiều hơn các quan chức nhận “hối lộ” để mua phiếu bầu ở tổ chức quyền lực nhất bóng đá hành tinh.

 

Ngược lại quá khứ, báo chí phanh phui LĐBĐ Anh tặng 24 chiếc túi da Mulberry, mỗi chiếc trị giá 230 bảng, cho vợ của 24 thành viên của Ủy ban điều hành của FIFA (Exco). Còn báo chí Ôxtrâylia phẫn nộ về tính thiếu minh bạch của quá trình lựa chọn ứng viên, dẫn đến các khoản chi không rõ ràng của Ủy ban vận động World Cup nước này.

 

FIFA điều tra toàn diện

 

Trước sự thể diễn ra ở ngôi nhà “đạo đức”, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cam kết sẽ tổ chức một “cuộc điều tra sâu rộng” nhằm làm sáng tỏ. Ông Blatter nhấn mạnh: Cuộc điều tra được tiến hành ngay lập tức.

 

Không chỉ FIFA đau đầu mở cuộc điều tra toàn diện, mà các quốc gia của hai vị quan chức cao cấp FIFA cũng cảm thấy xấu hổ, dù nó mới chỉ là nghi án. Thủ tướng Niu Dilân John Key khẳng định “ảnh hưởng tiêu cực” này và nước ông không liên quan gì đến vụ bê bối của ông Temarii.

Nếu nghi án này là sự thật quả nghiêm trọng với FIFA, nhưng có điều, vào đúng thời điểm nhạy cảm này đã có quốc gia chạy đua rút lui.

 

Đầu tiên là Mỹ rút lui khỏi cuộc đua đăng cai World Cup 2018, và ngay lập tức nước Anh rút lui khỏi cuộc đua đăng cai World Cup 2022. Việc Anh rút lui có chuyên gia cho rằng, báo chí Anh gài bẫy vụ này nên các quan chức FIFA sẽ không bỏ phiếu cho Anh. Ngược lại, đây là nước cờ khôn ngoan của hai quốc gia này. Nếu cả hai cùng nộp đơn xin đăng cai họ sẽ có thể tạo cơ hội cho các đối thủ khác nên Anh chỉ xin đăng cai World Cup 2018 đua với Nga, liên doanh Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha và Hà Lan-Bỉ. Tương tự là Mỹ chỉ chạy đua World Cup 2022 với Cata, Ôxtrâylia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên nghi án đang làm ảnh hưởng đến cuộc bầu chọn. Báo chí bắt đầu lôi ra tất cả ngóc ngách của vấn đề là có hai cuộc đua song song diễn ra để giành quyền đăng cai hai kỳ World Cup đó. Một diễn ra công khai với những chiến dịch rầm rộ, một là bí mật diễn ra trong các phòng VIP và chỉ ra kẽ hở tạo cơ hội cho các trò gian lận. Đặc biệt sự phức tạp càng lớn hơn khi FIFA quyết định bỏ thể thức quay vòng giữa các châu lục. Và trước nghi án bùng nổ, thì quốc gia thắng trong cuộc chạy đua chắc chắn là quốc gia đã vượt qua thế giới chính trị bóng đá đầy rối ren.

                          

Bùi Anh

Đọc thêm