Luật sư Trần Thị Loan - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn: Theo thông tin bạn trình bày thì chiếc xe được bạn mua lại từ cửa hàng cầm đồ, chiếc xe không có giấy đăng ký xe. Như vậy, việc mua bán xe được diễn ra giữa bạn và chủ cửa hàng cầm đồ, bạn không được trực tiếp gặp hoặc làm việc với chủ của chiếc xe. Việc mua bán xe như trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về pháp lý đối với người mua, đặc biệt là khi chiếc xe là tang vật của một vụ trộm cắp tài sản. Cụ thể như sau:
Đối với chiếc xe đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tài sản bị các đối tượng xấu trộm cắp hoặc cướp tài sản để có được, sau đó mang bán cho chủ cửa hàng cầm đồ. Khi đó, chiếc xe được xác định là tang vật của một vụ án hình sự. Trường hợp trong quá trình mua bán, chủ cửa hàng cầm đồ (bên bán) đã cung cấp thông tin cho người mua về nguồn gốc của chiếc xe là do trộm cắp, cướp mà có. Tuy nhiên, vì giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường nên người mua vẫn đồng ý mua.
Tại khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Chứa chấp” hoặc “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” như sau: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Căn cứ quy định trên, nếu cơ quan có thẩm quyền có đủ cơ sở xác định bạn biết rõ là chiếc xe máy này là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn tiêu thụ thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Qua kết quả giám định, giá trị chiếc xe SH dưới 100 triệu đồng thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 323 với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu chiếc xe SH này có giá trị trên 100 triệu đồng, bạn có thể phải chịu mức hình phạt tù từ 3 - 7 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 323 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp trong quá trình giao dịch, mua bán, người mua không được chủ cửa hàng cầm đồ thông tin cho biết đây là chiếc xe bị mất cắp hoặc bị cướp. Chủ cửa hàng cầm đồ nói với người mua rằng đây là xe hợp pháp nhưng do chủ xe đã làm mất giấy tờ xe; hoặc trong giấy mua bán chủ cửa hàng cầm đồ cam kết với người mua đây không phải tài sản do phạm tội mà có. Lúc này, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định người mua ngay tình, không biết đây là tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì vậy, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, vì đây là tang vật trong vụ án hình sự nên trong quá trình giải quyết vụ án, chiếc xe sẽ được giao trả cho chủ xe. Căn cứ Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Như vậy, giao dịch mua bán xe giữa bạn và chủ cửa hàng cầm đồ là vô hiệu, bạn phải trả lại chiếc xe và có quyền yêu cầu chủ cửa hàng hoàn trả lại số tiền đã nhận. Tuy nhiên, thực tế để nhận lại được số tiền này có thể gặp khó khăn hoặc mất nhiều thời gian nếu chủ cửa hàng không còn khả năng trả lại, không có tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ trả tiền hoặc chủ cửa hàng không tự nguyện trả lại ngay mà phải thực hiện theo thủ tục thi hành án.
Ngoài ra, trường hợp chiếc xe trên không phải là tài sản do người khác phạm tội mà có thì bạn cũng sẽ gặp những vướng mắc pháp lý liên quan đến thủ tục đăng ký sang tên chính chủ đối với chiếc xe này. Trường hợp vì thủ tục phức tạp dẫn đến người mua không đi đăng ký hoặc không đủ điều kiện đăng ký thì việc bạn sử dụng xe máy không đăng ký sang tên chính chủ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 17 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.