Quảng cáo phản cảm sẽ bị xử phạt như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn đọc Mai Anh (Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Tôi thấy hiện nay xuất hiện nhiều trường hợp quảng cáo phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Xin hỏi, pháp luật Việt Nam có chế tài như thế nào để hạn chế những hành vi quảng cáo phản cảm này?

Luật sư Lê Hiếu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Các cá nhân, chủ thể để đạt được mục đích của mình (bán hàng, giới thiệu sản phẩn, quảng bá hình ảnh….) đã sử dụng chiêu trò quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam… Đây là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 đang có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 40- 60 triệu đồng.

Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị thiệt hại do hành vi quảng cáo bị vi phạm gây ra đều có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tổ chức vi phạm bồi thường thiệt hại./.

Đọc thêm