Bạn đọc Hà Công Trường (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) hỏi: Tôi có người bạn đang là thương binh, trong quá trình anh ý đi làm tại một doanh nghiệp, họ có đóng BHXH bắt buộc kể từ ngày anh ấy đi làm đến nay cũng gần hai năm. Đến khi anh ấy đi khám bệnh tại bệnh viện Đa khoa huyện Lập Thạch, anh ấy xuất trình thẻ BHYT đối tượng thương binh của anh ấy để khám bệnh thì bệnh viện họ bảo thẻ BHYT ấy hết tác dụng. Không những thế, thẻ BHYT của thân nhân anh ấy cũng không được hưởng.
Vậy, trường hợp của bạn tôi vừa là thương binh vừa đi làm tại doanh nghiệp thì quyền lợi về BHYT được tính như thế nào? Thẻ BHYT cho thương binh và thân nhân của anh ấy có còn tác dụng nữa không hay khi đi làm thì quền lợi này không được hưởng nữa?
Về trường hợp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:
1. Luật BHYT quy định một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì xác định theo đối tượng đầu tiên theo thứ tự tại Luật BHYT và được hưởng quyền lợi cao nhất.
Như vậy, trước khi đi làm, ông thuộc đối tượng Người có công với Cách mạng (do Ngân sách Nhà nước đóng tiền BHYT), sau đó ông chuyển sang đối tượng Người lao động (do Đơn vị sử dụng lao động và Người lao động đóng). Do đó, thẻ BHYT trước đây của Ông đã hết hiệu lực sử dụng khi Ông bắt đầu tham gia vào nhóm đối tượng Người lao động nên không thể tiếp tục sử dụng thẻ BHYT này để đi KCB BHYT.
Mức hưởng của đối tượng Người có công với cách mạng được quy định cụ thể như sau:
a. Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT (không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng BYT):
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
b. Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB BHYT (có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng BYT) đối với những người có công khác.
2. Về cấp thẻ BHYT cho thân nhân Người có công với cách mạng, gồm có: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Trường hợp thân nhân của Ông đủ điều kiện cấp thẻ BHYT theo nhóm Thân nhân người có công với cách mạng, nhưng không thể sử dụng thẻ BHYT này để đi KCB BHYT, đề nghị Ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ để được hướng dẫn giải quyết.