Mục tiêu tham vọng của NATO khó hiện thực hóa

Sau hơn 60 năm tồn tại, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) không tránh được một thực tế là đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với một trật tự thế giới mới có trọng tâm đang dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang châu Á.
Sau hơn 60 năm tồn tại, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) không tránh được một thực tế là đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với một trật tự thế giới mới có trọng tâm đang dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang châu Á.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại Lisbon ngày 20/11.

Hơn nữa, "bão" tài chính đã khiến nhiều thành viên châu Âu không còn mặn mà với những khoản đóng góp cho NATO. Vì thế NATO phải cố gắng thích ứng với tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Trong thế giới đang biến đổi với nhiều mối đe dọa mới, từ khủng bố, tên lửa đạn đạo đến tấn công mạng, NATO đang tìm cách xác định lại vai trò và lý do cho sự tồn tại của tổ chức này. Thế nhưng, những mục tiêu mà NATO đặt ra dường như quá tham vọng bởi khả năng hiện thực hóa vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua ở Lisbon (Bồ Đào Nha), NATO đã thông qua ba văn kiện lớn liên quan đến những chủ đề nóng trên thế giới hiện nay, bao gồm "Khái niệm chiến lược" mới, kế hoạch thiết lập lá chắn phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu, và lịch trình rút quân khỏi Afghanistan.

Không thể phủ nhận việc NATO gạt sang một bên những bất đồng giữa các cường quốc hạt nhân ở châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, tại hội nghị vừa qua để đưa ra sách lược phòng thủ kết hợp răn đe hạt nhân với lá chắn tên lửa là một sự điều chỉnh nhằm thích ứng với tình hình mới.

Trong "Khái niệm chiến lược" mới, được coi là "lộ trình" hoạt động của NATO trong 10 năm tới, NATO nhấn mạnh đến những mối đe dọa mới, đặc biệt là tấn công mạng Internet. "Khái niệm chiến lược" mới sẽ chỉ ra các cuộc tấn công mạng có thể được xem là hành động xâm lược. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa rõ về hình thái tấn công trong cuộc chiến tranh mạng mà NATO có thể tiến hành.

Trong khi đó, kế hoạch triển khai là chắn phòng thủ tên lửa mới để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) được giới phân tích nhìn nhận là một sự chuyển hướng đáng kể, đặc biệt là có tính tới sự tham gia của Nga.

Việc chuyển trọng tâm của hệ thống phòng thủ tên lửa từ "cơ cấu Đông Âu là trung tâm" sang một cơ cấu linh hoạt hơn sẽ giúp làm dịu căng thẳng với Nga.

NATO hiện đang tìm cách khởi động một cuộc đối thoại sâu rộng với Nga, một chủ đề được đề cập kể từ khi Washington và Mátxcơva "khởi động lại" quan hệ song phương. Lập luận then chốt được nêu ra là Nga và NATO đang phải đối mặt với những thách thức chung và "không phải là đối thủ của nhau."

Mặc dù đã được cải thiện đáng kể trong khoảng một năm trở lại đây, song quan hệ NATO-Nga trên thực tế vẫn chưa thoát khỏi sự ngờ vực từ cả hai phía. Tuy nhiên, vì lợi ích chiến lược của mối quan hệ này, NATO sẵn sàng mặc cả với Nga trong nhiều vấn đề hoặc kết hợp thành một gói vấn đề để dễ đạt được thỏa thuận.

Dù không được trao quyền chỉ huy chung lá chắn tên lửa, song có lẽ Nga sẽ được đề nghị hợp tác trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin tình báo và đánh giá các nguy cơ.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị tiếp tục khẳng định rằng Mátxcơva chỉ hành động trên cơ sở "hợp tác và đối tác bình đẳng", một điều kiện mà NATO chưa lần nào muốn đề cập cụ thể, và "bất kỳ lá chắn tên lửa nào cũng không được phá vỡ thế cân bằng hạt nhân chiến lược hiện nay," hàm ý Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Vấn đề đặt ra là liệu NATO có thể hiện thực hóa được kế hoạch đầy tham vọng trên khi cần tới một khoản chi phí khổng lồ, có thể lên tới hàng trăm tỷ euro, cho một hệ thống lá chắn như vậy?

Trong khi đó, cần nhìn nhận một thực tế là nhiều nước thành viên đang có kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách, bao gồm chi tiêu quân sự, để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Điều đó cho thấy vấn đề thiếu ngân sách hoạt động của NATO không còn là một kịch bản xa vời.

Ngân sách của tổ chức này năm 2010 thiếu hụt tới 640 triệu euro, trong khi 10 tỷ euro phục vụ cho các chương trình khác cũng không có nguồn tài chính. Chi phí cho các hoạt động tác chiến đã tăng 400% trong vòng 5 năm qua. Vì thế, lo ngại nguồn tài chính cho dự án phòng thủ châu Âu bị cạn kiệt là hiện hữu, trong khi vấn đề chỉ huy và kiểm soát hệ thống phòng thủ tên lửa thậm chí còn chưa được giải quyết.

Trong vấn đề Afghanistan, cam kết của NATO bắt đầu tiến trình chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan vào năm 2011, chấm dứt sự hiện diện ở nước này vào cuối năm 2014, có thể là nhiệm vụ khó khả thi.

Thế giới chưa quên những bài học về sự can dự của NATO ở Bosnia và Herzegovina năm 1995 hay ở Serbia năm 1999. Những cuộc chiến này từng gây bất ổn kéo dài, làm hao người tốn của và gây chia rẽ ngấm ngầm trong nội bộ NATO.

NATO hiện đang nỗ lực tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới. Điều đó là cần thiết nếu tổ chức này muốn tồn tại và đủ khả năng đối phó với những thách thức trong thế kỷ 21. Vấn đề là với thực lực của NATO và tình hình thực tế của châu Âu và thế giới hiện nay, liệu tổ chức này có "lực bất tòng tâm" trước những mục tiêu và tham vọng được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh Lisbon vừa qua.
(Theo Vietnam+)

Đọc thêm