Mùng 10 tháng ba, “điểm hẹn” tâm linh trong tâm thức Việt

(PLVN) - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. 

Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm.Cội nguồn của tinh thần yêu nước

Ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, thành kính một niềm tin thiêng liêng trở về cội nguồn dân tộc.

Nguồn gốc của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, theo truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau đó nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Hùng Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con. Và rồi 50 người con theo cha lên núi, 50 người con theo mẹ xuống biển là tổ tiên của người Bách Việt. 

Hùng Vương là vị vua đầu tiên của nước Văn Lang, đây cũng là nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Từ rất lâu trong dân gian đã lưu truyền nhiều truyền thuyết về những triều đại Hùng Vương, những lí giải về nguồn gốc của dân tộc theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, gắn liền với những phong tục tập quán và nền văn hóa lúa nước.

Một số câu chuyện nổi tiếng mà chúng ta thường nghe như là Sơn Tinh - Thủy Tinh, sự tích bánh chưng bánh giầy, sự tích con Rồng, cháu Tiên… Từ những câu chuyện trên mà nhân dân ta đã đúc kết ra thời kỳ Hùng Vương là thời đại mở đầu trong quá trình dựng nước, là thời kỳ đặt nền móng của đất nước Việt Nam ngày nay.

Từ những truyền thuyết xa xưa kể lại, Hùng Vương là thủ lĩnh của các bộ tộc người Lạc Việt, đứng lên thống nhất các bộ lạc lập ra nhà nước Văn Lang và vương triều cuối cùng của thời kỳ Hùng Vương là lúc nhường ngôi cho Thục Phán (An Dương Vương), để lập nên nhà nước Âu Lạc.

Thời kỳ Hùng Vương có 18 đời vua, Vua Hùng chia đất nước thành 15 bộ lạc, tổ chức các Lạc hầu, Lạc tướng. Con trai của vua gọi là Quan Lang, con gái của vua gọi là Mị Nương. Tiếp nối giữa thị tộc, bộ lạc và thời kỳ phân hóa giai cấp và sau cùng thành lập nên nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Từ thời phong kiến xa xưa, các vị vua đã lập đền thờ các vị Vua Hùng nhằm để ghi nhớ công ơn xây dựng nước và tôn vinh thời kỳ khai thiên lập quốc. Thời Vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời Vua Lê Kính Tông năm 1601 đã chọn ngày 11 và 12 của tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn mồng 10 tháng 3 âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vị Vua Hùng đồng thời nhắc nhở con cháu Đại Việt về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ban Sắc lệnh số 22c/NV/CC ngày 18/02/1946 ấn định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch) được quy định là một trong những ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Năm 2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi Điều 73 của Luật Lao động, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thì người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương. Đặc biệt năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị lòng yêu nước bởi đây là sự tôn trọng sùng bái công lao to lớn của các Vua Hùng. Công đức các Vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn là biểu tượng của anh hùng lập nước. Có thể coi đây là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức về các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. 

Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt. Ngay từ năm 40-43 sau Công nguyên trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, nữ tướng Hai Bà Trưng đã đọc lời thề Sông Hát trước khi xung trận: 

“Một, xin rửa sạch quốc thù 

Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Giá trị tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc được khởi nguồn từ sự khai sinh lập nước của các Vua Hùng được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định như trong Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” và đến thời đại Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, 

Bác cháu ta phải cùng  nhau giữ lấy nước”.

Và sợi chỉ đỏ trong tâm thức người Việt

Theo số liệu thống kê Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật có liên quan thời đại Hùng Vương. Vào ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại các tỉnh, thành phố, chính quyền và nhân dân đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương để tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc.

Theo GS Nguyễn Chí Bền: “Ở phương diện xã hội, giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Có thể coi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là sợi dây liên kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai mà là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa con người, giữa cộng đồng các dân tộc trong thực tại. 

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung một cội nguồn, chung một dòng máu Lạc Hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra - cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ, một biểu hiện cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, niềm tự hào, ý thức về lịch sử, cội nguồn muôn đời trong tâm thức người Việt. (Ảnh minh họa)

Ở cấp độ quốc gia tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một tổ, chung một ngày Giỗ Tổ, chung một cội nguồn.

Vì vậy Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng của giá trị văn hoá tinh thần vô cùng sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, vừa là niềm tự hào, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng lớn. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang giá trị văn hóa tâm linh càng thêm sâu sắc. Đời sống vật chất, các giá trị văn hoá tâm linh giúp con người cân bằng trong thực tại. Ý thức về tổ tiên giúp con người có niềm tin, tạo nên động lực vượt qua cái trần tục đời thường, thúc đẩy tìm tòi vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước.

Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, các yếu tố tâm linh được ẩn chứa sâu sắc từ các kiến trúc đền, miếu nơi tiến hành các tín ngưỡng đến các nghi lễ tế, lễ rước, lễ vật, phẩm vật, phẩm phục… đến các trò diễn dân gian đều chứa đựng các yếu tố văn hoá tâm linh sâu sắc. 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu tượng cội nguồn của quốc gia, dân tộc, phản ánh một ý thức hệ sâu sắc như một sự minh triết được cha ông truyền lại cho đến hôm nay nên mang giá trị lịch sử rõ nét. “Giá trị dễ nhận thấy của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị lịch sử. Tín ngưỡng không phải là lịch sử đích thực, mà là lịch sử hiện lên phản ánh qua cảm xúc, qua niềm tin, là ý thức của người dân về lịch sử. Nói đến một tín ngưỡng là nói đến niềm tin vào một nhân vật được phụng thờ. Nhân vật được phụng thờ bao giờ cũng được người dân đẩy vào cõi thiêng vừa huyền ảo, vừa kỳ bí”... 

Ngày nay, trên vùng đất Phú Thọ có thể thấy dày đặc các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó các trò chơi dân gian, các diễn xướng, các lễ hội truyền thống đều gắn kết với chủ đề dựng nước và giữ nước thời đại các Vua Hùng. 

Cùng với đó, các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường... các lễ hội Rước vua về làng ăn tết, Rước chúa gái, Lễ hội Vua Hùng dạy dân trồng lúa, Lễ hội hát Xoan... thể hiện vùng đất Phú Thọ là kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các Vua Hùng. Phía sau bức màn truyền thuyết là yếu tố lịch sử.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Kết hợp giữa các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ như Gò Mun, Phùng Nguyên, Sơn Vi, làng Cả, xóm Dền và các di vật, cổ vật được tìm thấy quanh núi Hùng như Nha Chương, trống đồng, rìu, mũi tên... cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ và thể hiện rõ nét một Nhà nước Văn Lang cổ đại, trung tâm khởi phát của người Việt cổ…

Và mỗi người dân đất Việt, dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đều biết về các Vua Hùng trong buổi đầu dựng nước và giữ nước với tất cả niềm tự hào về nguồn cội, về xứ sở “con Rồng, cháu Tiên” của mình…

Đọc thêm