Giúp hoạt động giám sát được triệt để, trọn vẹn
Các đại biểu Quốc hội (QH), chuyên gia đều ghi nhận, đánh giá cao việc lần đầu tiên trong nhiệm kỳ QH khóa XV, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết năm 2023 và từ đó, lần đầu tiên khái niệm “giám sát lại” được đề cập.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, đây là một hoạt động, một cách làm khá đổi mới của QH, UBTVQH bởi sau mỗi lần giám sát, đặc biệt là với hình thức chất vấn và trả lời chất vấn thì QH đều có nghị quyết, trong đó nêu rõ yêu cầu với đối tượng được chất vấn cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ nhất định. Nếu chúng ta dừng lại ở đây thì chúng ta khó có thể đánh giá lại được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện Nghị quyết của QH sau chất vấn như thế nào. Vì vậy, việc UBTVQH tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Phiên họp thứ 36 tháng 8/2024 rất có ý nghĩa trong xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến hết năm 2023.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga. (Ảnh: Hồ Như Ý) |
Trong Phiên chất vấn này, tất cả các yêu cầu, kiến nghị đối với các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã được rà soát rất kỹ nhằm nhìn lại các nhiệm vụ mà QH đã yêu cầu được các Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện ra sao, kết quả đạt được như thế nào; đối chiếu với kết quả thực hiện được thời gian qua, còn có vấn đề gì chưa đạt được, chưa thực hiện nghiêm túc hoặc còn có vướng mắc, khó khăn. “Đây là một phiên chất vấn hết sức sâu sắc. Tham gia cùng UBTVQH, các đại biểu QH đã đặt rất là nhiều câu hỏi liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của QH”, vị Phó Trưởng Đoàn chuyên trách chia sẻ.
Cũng theo Đại biểu Nga, nếu như chúng ta chỉ thực hiện giám sát mà không tái giám sát việc thực hiện nghị quyết thì có thể chưa triệt để, chúng ta đã đề ra kiến nghị, yêu cầu cụ thể nhưng việc thực hiện kiến nghị đến đâu thì chưa có cơ quan nào giám sát việc thực hiện kiến nghị sẽ là chưa trọn vẹn. Vì vậy, tái giám sát là vô cùng quan trọng vì nó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.
“Một khi chúng ta thực hiện tái giám sát thì bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các kiến nghị trong nghị quyết về giám sát của QH. Có như thế thì mới bảo đảm được hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QH nói chung và của hoạt động giám sát nói riêng”, Đại biểu Việt Nga nêu quan điểm.
Nói riêng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, Đại biểu Nga nhấn mạnh, đây là một chủ trương lớn hết sức đúng đắn của Đảng và chúng ta vẫn đang tiến hành. Tuy nhiên, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là cả một quá trình, không phải là công việc ngày một ngày hai có thể làm xong, cần lộ trình nhất định cho công việc khó khăn này, đòi hỏi chúng ta làm thận trọng, từng bước một, đặc biệt là những khó khăn về sắp xếp tổ chức bộ máy, xử lý tài sản sau sáp nhập và sửa đổi một loạt những quy định có liên quan sau sáp nhập. Tất cả cần rất nhiều thời gian, công sức, tài chính nên không thể nóng vội được. Trong thời gian qua, bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh một số vấn đề mà chúng ta cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn nữa.
Chẳng hạn, về việc xử lý tài sản dôi dư sau sắp xếp, chúng ta đã mất thời gian lúng túng như khi sắp xếp các ĐHVC cấp xã, giữa 2 trụ sở của 2 xã mà chỉ sử dụng 1 trụ sở, tài sản còn lại sẽ xử lý như thế nào thì hướng dẫn của cơ quan chức năng chưa kịp thời, dẫn đến tình trạng bỏ hoang, trụ sở xuống cấp, gây lãng phí. Hay khi chúng ta sử dụng 1 trong 2 trụ sở chưa hẳn đã thuận tiện của cán bộ xã lẫn người dân, nhất là ở những địa bàn xã rộng lớn sau sáp nhập mà lại không thể bỏ cả 2 trụ sở để xây trụ sở mới thì cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Hay việc xử lý bộ máy dôi dư sau sắp xếp cũng còn chậm, có những nơi việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập mới mang tính cơ học, thậm chí có những đơn vị sáp nhập chưa thực sự hiệu quả do đặc thù khác nhau…
Từ những dẫn chứng trên, Đại biểu Nga cho rằng, việc giám sát lại là rất cần thiết để chúng ta ghi nhận kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những phản ánh của cơ sở để đề xuất những giải pháp điều chỉnh, thậm chí cả những điều chỉnh liên quan đến hoàn thiện thể chế.
Đồng tình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, Đại biểu QH khóa XV Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh, tái giám sát sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là vấn đề rất cần và đủ để thực hiện chủ trương lớn của Đảng. Về mặt lý thuyết, trong thời gian qua, chúng ta đã thấy việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đạt hiệu quả nhất định nhưng trong thực tiễn, hiệu quả ra sao thì rất cần được đánh giá, nhìn nhận cụ thể vì vẫn còn một số bất cập như biên chế dôi dư, trụ sở dôi dư.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa. (Ảnh: PV) |
Đại biểu Hòa phân tích, cần giám sát lại xem Chính phủ, UBND cấp tỉnh đã thực hiện lộ trình 3 - 5 năm cam kết với QH trong xử lý trụ sở, biên chế dôi dư như thế nào. Hoạt động tái giám sát sẽ xem việc thực hiện có đúng lộ trình đề ra không; hiệu quả tác động trong sắp xếp các ĐVHC, nâng cao đời sống của người dân địa phương sau sắp xếp có đi lên không; giảm chi thường xuyên sau sắp xếp không, việc sắp xếp thực sự được Nhân dân ủng hộ không… vì việc sắp xếp, nhất là sắp xếp biên chế có thể xảy ra trường hợp theo ý chí chủ quan. Theo Đại biểu, có nhiều yếu tố khác nhưng cần giám sát lại để chúng ta nắm được tình hình, có những đánh giá khách quan hơn.
Cần bảo đảm đủ sức thuyết phục
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, Đại biểu QH khóa XV Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận thấy, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là khá tốt. Chúng ta sắp xếp được 1/3 ĐVHC cấp huyện, gần 40% ĐHVC xã. Trong bối cảnh công cụ quản lý phát triển hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức quản lý, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến…, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, quy mô các ĐVHC sắp xếp cần điều chỉnh tăng lên để tinh giản bộ máy, đồng thời có thêm điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, hiện đại hơn. “Đây là định hướng tôi cho là phù hợp trong thời gian bởi đối tượng quản lý và người dân ở địa phương sẽ được hưởng thụ thành quả sau sắp xếp”, Đại biểu Cường nhấn mạnh.
Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, QH xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của QH, nghị quyết của UBTVQH về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp QH, phiên họp UBTVQH. (Khoản 8 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015)
Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Tự Nam lại nêu băn khoăn, khi tiến hành giám sát sắp xếp ĐVHC, các cơ quan sẽ xem xét tinh gọn được bao nhiêu bộ máy, đơn vị, dôi dư ra bao nhiêu cán bộ, bố trí họ vào đâu, làm tiếp công việc gì hay nghỉ sớm, nhận lương/trợ cấp hay làm ở đơn vị khác. Cùng với đó, phải trả lời được rằng từ khi sắp xếp ĐVHC thì bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả không? Nếu không có khó khăn, ảnh hưởng, trục trặc, đội ngũ cán bộ không có tâm tư, rất phấn khởi, việc quản lý địa bàn tuy lớn hơn nhưng vẫn tốt thì việc tinh gọn đã đem lại hiệu quả và ngược lại.
“Song giám sát lại thì sẽ trả lời vấn đề gì?”, vị cựu Đại biểu nêu vấn đề và cho rằng phải chăng là xem xét những quyết nghị trong Nghị quyết đã thực hiện được như thế nào, còn những vấn đề gì của Nghị quyết chưa được thực hiện, do nguyên nhân gì, kiến nghị địa phương cần tiếp tục thực hiện, kiến nghị những nội dung mà Bộ Nội vụ, Chính phủ cần thực hiện…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Tự Nam. (Ảnh: PV) |
Theo ông Nam, đáng chú ý là về mặt chủ thể, sau Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, UBTVQH sẽ ra nghị quyết thì cần cân nhắc giá trị pháp lý của nghị quyết của UBTVQH khi xem xét lại các Nghị quyết của QH đã thông qua trước đó. Vì vậy, dù đánh giá cao hoạt động tái giám sát song ông đề nghị phải nghiên cứu thấu đáo, đủ sức thuyết phục; còn không vẫn có thể vận dụng khoản 8 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 để tiến hành “giám sát lại”.
Ngược lại, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, không nên nhìn nhận Phiên chất vấn của UBTVQH vừa qua là việc của UBTVQH. UBTVQH là cơ quan đứng ra tổ chức nhưng có sự tham gia của QH, bằng chứng là có sự tham gia, đặt câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH ở các điểm cầu khác nhau, ngoài điểm cầu chính là Hội trường Diên Hồng. Theo Đại biểu, nên coi đây là phiên chất vấn của QH với sự tham gia rất nhiệt tình của các đại biểu QH ở tất cả các điểm cầu.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đề nghị, ngoài quy định tại khoản 8 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, trong sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND tới đây nếu chưa “định danh” hoạt động tái giám sát thì các Ủy ban của QH, Hội đồng Dân tộc, các Ban thuộc UBTVQH nên đề ra chương trình giám sát hàng năm, cụ thể với giám sát lại sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì Ủy ban Pháp luật của QH cần đề ra kế hoạch hàng năm giám sát nội dung này.
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của QH, HĐND các cấp là việc chúng ta phải điều chỉnh trong thời gian tới thông qua việc sửa đổi Luật lần này. Cùng với đó, giám sát làm sao phải trúng, đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và nhân dân đặt ra cho QH. Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát tâm phục, khẩu phục, và khi thấy Đoàn giám sát đến là mừng, là vui, vì chính Đoàn giám sát chỉ ra những điểm mạnh, điểm hạn chế và giải pháp để thực hiện, khắc phục trong thời gian tới.
Trong câu chuyện giám sát, Chủ tịch QH cũng nêu rõ, hậu giám sát là quan trọng nhất. Khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất và xác định rõ ai làm, thực hiện như thế nào, bao giờ xong là phải có địa chỉ, thời gian nhất định thì mới bảo đảm chất lượng, hiệu quả của giám sát. Hoạt động giám sát của QH vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân, của cử tri, đồng thời phải gắn với công tác lập pháp.