|
Bốn đảng viên được nêu gương tại Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc. |
Người khởi xướng đấu tranh đòi lại đất công, đảng viên Trần Bá Tiều (sinh năm 1951) kể lại: Vào ngày 21/8/1993, UBND huyện Đức Trọng ra Quyết định giao trả xưởng xì dầu và xưởng cưa cho hộ ông Thi Siêu Bô tại thôn Nam Sơn 1, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng đã khiến cho dư luận địa phương đặt nhiều nghi vấn.
Bởi hầu như người địa phương đều biết sau giải phóng, ông Thi Siêu Bô và vợ là bà Trần Lai đã hiến hai cơ sở xì dầu và xưởng cưa cho chính quyền cách mạng. Bằng chứng là Công an tỉnh Tuyên Đức (cũ) đã tiếp quản đầu tiên hai cơ sở nhà đất hiến này để làm nơi tạm giam đối tượng phạm pháp.
Sau đó lần lượt được chuyển giao qua Công ty Thương nghiệp huyện Đức Trọng rồi cuối cùng là giao đến chính quyền xã Tùng Nghĩa (cũ) để xây dựng trường học. Thực tế đã quá rõ ràng. Chỉ còn lại là văn bản hiến đất của ông Thi Siêu Bô và vợ của ông không biết đang “lưu lạc” ở đâu để đối chiếu (?!) “Là người đảm trách chức vụ Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của Công ty Thương nghiệp tổng hợp Đức Trọng, trực tiếp quản lý nhà đất hiến của ông Thi Siêu Bô cùng vợ trong nhiều năm nên tôi quyết định đi tìm hồ sơ lưu trữ để chứng minh cho sự thật này…”- ông Tiều nói.
Không quản ngại thời gian đến nhiều cơ quan hành chính nhà nước, cuối cùng đảng viên Trần Bá Tiều được Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cung cấp văn bản hiến nhà đất phô tô có công chứng của ông Thi Siêu Bô và vợ là bà Trần Lai ký; cùng biên bản bàn giao nhà đất sử dụng (của ông Bô, bà Lai hiến) từ Công ty Thương nghiệp tổng hợp Đức Trọng sang UBND thị trấn Liên Nghĩa.
Vậy là căn cứ không thể ẩn khuất được nữa nhưng việc đấu tranh đòi đất công khó thể được trong ngày một ngày hai, nếu chỉ một mình đảng viên Trần Bá Tiều thực hiện. Nghĩ vậy nên đảng viên Trần Bá Tiều quyết định tìm đến những đảng viên cán bộ lão thành cách mạng trong thị trấn Liên Nghĩa để mong được sự hợp tác.
Sau khi nghe đảng viên Trần Bá Tiều trình bày sự việc, cả ba đảng viên lão thành là ông Lê Đạo (sinh năm 1927, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng), ông Nguyễn Phú Hộ (sinh năm 1929, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng) và ông Nguyễn Ngọc Phán (sinh năm 1937, nguyên trung tá quân đội), đều ủng hộ cao việc đấu tranh, và không lâu sau đã cùng với đảng viên Trần Bá Tiều ký đơn khiếu nại lên các cơ quan của trung ương và địa phương.
Đơn đính kèm những chứng cứ thuyết phục, ngày 31/10/2001, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 3196 hủy bỏ Quyết định ngày 21/8/1993 của UBND huyện Đức Trọng. Buộc ông Thi Siêu Bô bàn giao lại toàn bộ nhà đất đã hiến cho nhà nước tại thôn Nam Sơn 1, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng.
Ông Thi Siêu Bô khiếu nại gay gắt lên cấp trung ương.
Nhắc lại thời điểm này, đảng viên lão thành Lê Đạo không quên: “Nhiều lần tiếp xúc với các Đoàn Thanh tra của Chính phủ về Lâm Đồng làm việc, chúng tôi luôn xuất trình những bằng chứng khẳng định lại việc UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định buộc ông Thi Siêu Bô giao lại nhà và đất đã hiến cho UBND huyện Đức Trọng là đúng pháp luật, phù hợp với thực tế.
Nhưng tính suốt mười năm dài đi đòi lại đất công, bốn anh em đảng viên chúng tôi đã viết đến 60 lượt đơn gửi lên tỉnh và trung ương, phô tô hơn 30 kg tài liệu, 70 lần trực tiếp lên tỉnh trình bày…”. Tuy nhiên đây là chưa kể những ngày tháng phải thường xuyên đối diện với những thủ đoạn hết mua chuộc đến những thủ đoạn dọa dẫm từ những người trong cuộc và ngoài cuộc, nhưng cả bốn đảng viên không một lần nào thể hiện thiếu đi bản lĩnh khi vượt qua.
Kết quả gần đây nhất là vào ngày 06/10/2008, UBND huyện Đức Trọng ra Quyết định số 2724, thu hồi hơn 6.000m2 tại khu vực xưởng cưa và xưởng xì dầu cũ của ông Thi Siêu Bô, giao lại cho UBND thị trấn Liên Nghĩa quản lý, sử dụng.
Tại hội nghị biểu dương thành tích cá nhân phòng chống tham nhũng toàn quốc năm 2010 vừa tổ chức tại Hà Nội, đảng viên lão thành Lê Đạo đại diện cho bốn đảng viên khiếu nại đòi lại được hơn 6.000m2 đất cho nhà nước, đã nói: “Ước theo giá đất hiện thời, chúng tôi đã đấu tranh thu hồi lại cho nhà nước hơn 30 tỷ đồng.
Qua đó chúng tôi đã làm hạn chế những sai phạm nghiêm trọng của một số cán bộ liên quan. Về phần chúng tôi đấu tranh là xuất phát từ nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ đảng viên, đấu tranh đòi lại đất công là nhằm được đóng góp phần công sức của mình vì sự công bằng của pháp luật nhà nước.
VŨ VĂN