Mượn danh bạn bè, nguyên Giám đốc 'rút túi' công ty bỏ 'túi nhà'

(PLO) - Hai bị cáo nguyên là Giám đốc và Phó phòng Tín dụng Đầu tư Nguồn vốn Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy, chi nhánh TP HCM mượn pháp nhân của 8 công ty (là bạn bè với hai bị cáo) để lập hồ sơ vay hơn 39 tỷ đồng tại công ty mình. Sau đó, rút ra phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh cá nhân nhưng đến nay không thể thu hồi, gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Các bị cáo đối diện vòng lao lý vì làm thất thoát hàng chục tỷ đồng.
Các bị cáo đối diện vòng lao lý vì làm thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Ngày 3/8, TAND TP HCM đưa vụ án làm thất thoát hơn 40 tỷ đồng xảy ra tại công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy, chi nhánh TP HCM (sau đây gọi tắt là VFC HCM) ra xét xử. Truy tố hai bị cáo Lưu Trung Hiếu (SN 1982, Giám đốc VFC HCM) và Dương Anh Tứ (SN 1983, Phó phòng tín dụng VFC HCM) về cùng tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hiếu và Từ được dẫn giải đến tòa từ khá sớm. Trong thời gian ngồi chờ đến giờ xét xử, hai bị cáo này tỏ ra khá thoải mái, thỉnh thoảng quay xuống dưới nói chuyện với người thân, đồng nghiệp. Ngoài hai bị cáo, tòa còn triệu tập đại diện của 8 công ty (vốn là bạn bè, người thân của Hiếu và Tứ) đến tòa để đối chất, làm rõ những vấn đề liên quan. 

Theo cáo trạng truy tố, VFC HCM là doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Cty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC), thuộc tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy). Ngày 14/11/2012, Tổng giám đốc VFC bổ nhiệm Lưu Trung Hiếu  giữ chức giám đốc VFC HCM). Ngày 22/9/2011, Tổng giám đốc VFC bổ nhiệm Dương Anh Tứ làm Phó phòng Tín dụng đầu tư Nguồn vốn.

Từ tháng 8/2012 đến tháng 8/2013, VFC HCM có việc làm trái với quy định của Nhà nước về cho vay vốn dẫn đến các khoản nợ đã quá hạn trên 39 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Thấy có dấu hiệu của tội phạm và căn cứ vào đề nghị của Tổng giám đốc Cty Tài chính MTV Công nghiệp tàu thủy, ngày 1/10/2014, cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Lưu Trung Hiếu và Dương Anh Tứ để điều tra.

Để có tiền đầu tư, kinh doanh cá nhân, từ tháng 8/2012 đến tháng 8/2013, Hiếu và Tứ đã mượn pháp nhân của 8 Cty (ngoài Tổng Cty Công Nghiệp tàu thủy) là người thân, bạn bè để lập hồ sơ vay vốn của VFC HCM. Sau đó, Hiếu và Tứ chỉ đạo nhân viên hợp thức các thủ tục, bỏ qua các bước kiểm tra hồ sơ vay vốn, khả năng tài chính và xác định tài sản thế chấp, không tiến hành thẩm định và tái thẩm định  phương án vay vốn, sử dụng vốn vay… nhưng vẫn phê duyệt và cho giải ngân  khi chưa đủ điều kiện theo quy định với tổng số tiền là hơn 39 tỷ đồng.

Tháng 8/2012, Dương Anh Tứ đặt vấn đề với Nguyễn Triều Duy (bạn Tứ), Tổng giám đốc Cty CP giám định Davicontrol (gọi tắt là Cty Davicontrol, trụ sở tại phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) mượn pháp nhân của công ty Davicontrol làm hồ sơ vay vốn của VFC HCM để sử dụng kinh doanh hàng tiêu dùng cá nhân và dầu nhớt tại Cty CP – DV và TM hóa dầu Tân Mai của Tứ. Tứ chỉ đạo cho thuộc cấp hợp thức hồ sơ vay vốn, giải ngân cho Cty Davicontrol 4,91 tỷ đồng. Trong số tiền này, Tứ đã sử dụng 1,5 tỷ đồng, hơn 3,4 tỷ đồng còn lại Hiếu rút ra sử dụng vào việc kinh doanh riêng.

Bằng thủ đoạn tương tự, Hiếu và Tứ đã có hành vi chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập hồ sơ vay vốn, bỏ qua quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và giải ngân cho 8 công ty ngoài ngành vay vốn là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái chức trách nhiệm vụ được giao.

Thực tế cả 8 công ty này là người thân, bạn bè của Hiếu và Tứ không hoạt động sản xuất kinh doanh, không có nhu cầu vay vốn, việc thành lập và sử dụng pháp nhân vay vốn VFC HCM là do Hiếu và Tứ hợp thức hồ sơ vay vốn để chiếm dụng vốn của nhà nước, sử dụng vào mục đích đầu tư, kinh doanh vào dự án nạo vét thông luồng sông Đồng Nai, kinh doanh dầu nhớt, hàng tiêu dùng của Hiếu và Tứ. Do kinh doanh thua lỗ nên Hiếu và Tứ không có tiền trả lại cho VFC HCM.

Ngày 27/5/2015, VFC xác định tổng dư nợ 8 công ty theo các hợp đồng tín dụng đã ký với VFC HCM tính đến ngày 30/9/2014  là hơn 47,1 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 39,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 8 tỷ đồng đều đã đến hạn nhưng không có khả năng thu hồi. Số tiền này đều do Hiếu và Tứ chỉ đạo giải ngân, sau đó rút ra sử dụng riêng. Trong đó, Hiếu sử dụng hơn 35,2 tỷ đồng, Tứ sử dụng 3,9 tỷ đồng.

Dự kiến phiên tòa sẽ xét xử đến hết ngày 4/8.

Đọc thêm