Tự ý cấp đất vượt diện tích, cấp thừa lô đất
Theo đơn tố cáo của ông L.B.T. (SN 1950, trú tại thị trấn Xuân An, Nghi Xuân), năm 1991 UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi 2.040m2 đất Cty Thủy sản tại Hồ Gỗ cấp cho 18 hộ là cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm nhà.
Tuy nhiên, khi ông Bùi Tùng Phong (nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân) ký giấy cấp đất cho CBCNV đã tự ý rút ra 6 lô, tăng diện tích lên 2 lần để chia cho một số người khác. Nhiều cán bộ Cty Thủy sản đã không được cấp đất hoặc cấp thiếu diện tích nên làm đơn tố cáo.
VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo VKSND huyện Nghi Xuân khởi tố vụ án hình sự số 02/KS về 2 tội theo Điều 174 và 180 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, sau đó VKSND tỉnh đã rút quyết định khởi tố vụ án, chuyển Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh kiểm tra lại vụ án.
Quá trình giải quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Thông báo số 333/TN-TU nêu rõ: Đồng chí Bùi Tùng Phong lúc ký giấy cấp đất 15 hộ vượt diện tích so với diện tích quy hoạch khu dân cư được UBND tỉnh phê duyệt trước đó, không báo cáo, bổ sung kịp thời là vi phạm chế độ quản lý đất đai; 5 hộ chưa có quyết định cấp đất của cấp có thẩm quyền nhưng UBND xã Xuân An đã giao đất, có hộ làm móng, có hộ đã làm nhà là vi phạm quy định Luật Đất đai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thấy rằng khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý cấp đất, giao đất cho các hộ gia đình tại Hồ Gỗ Gia Lách là có, nhưng xét về tính chất, động cơ, mức độ vi phạm về kinh tế chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nên chưa đến mức phải khởi tố vụ án hình sự.
Một vấn đề trong đơn tố cáo của ông T. thì nội dung của Thông báo số 333 nêu: UBND huyện Nghi Xuân và thị trấn Xuân An cần rà soát lại việc cấp đất, giao đất, thu tiền kinh tế đất các hộ ở khu vực Hồ Gỗ trình UBND tỉnh làm đầy đủ thủ tục cấp đất cho các hộ theo đúng quy định của pháp luật đến nay chưa được thực hiện.
Theo ông T., việc cấp thừa 5 lô đất, cấp nhiều lô đất lớn hơn so với quy hoạch đã làm thất thoát tiền của Nhà nước trong việc đền bù Dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 mà chúng tôi đề cập dưới đây.
Thu hồi một đường, cấp tái định cư một nẻo
Theo Quyết định phê duyệt Dự án Xây dựng cầu Bến Thủy ngày 22/12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 4147 phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) do UBND huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư khu TĐC. Trong quá trình đền bù GPMB và TĐC đã xuất hiện một số sai phạm.
Cụ thể, sai phạm về việc thẩm định hồ sơ GPMB gây thất thoát tiền của Nhà nước số tiền 1.051.757.200 đồng. Liên quan đến hồ sơ thu hồi đất, đền bù GPMB, khu TĐC, phóng viên đã nhiều lần hẹn gặp nhưng cán bộ phụ trách cho rằng cơ quan công an mượn hồ sơ nên không cung cấp dù vụ án đã được tòa tuyên trước đó hơn 1 năm.
Theo hồ sơ do một số hộ dân cung cấp thì quyết định thu hồi đất quy hoạch khu TĐC chỉ thể hiện thu hồi đất để phục vụ Dự án cầu Bến Thuỷ 2. Điều đó thể hiện tại hai quyết định thu hồi trong năm 2010 do ông Nguyễn Hiền Lương (Chủ tịch thời kỳ này) ký chứ không đề cập đến việc xây dựng khu TĐC cho các công trình tương lai. Điều này phù hợp với Quyết định 4147 của UBND tỉnh Hà Tĩnh và bản vẽ quy hoạch khu TĐC.
Tuy vậy, tại Văn bản số 400 ngày 7/4/2016 UBND huyện Nghi Xuân cung cấp cho PLVN có nêu: ngày 22/3/2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định 769 phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu TĐC phục vụ GPMB Dự án với tổng diện tích là 70.500m2. Thực hiện quyết định trên UBND huyện Nghi Xuân đã thu hồi 62.589m2 đất của các hộ và đất giao thông thủy lợi nội vùng tại thị trấn Xuân An.
Trong diện tích thu hồi có 31.440m2 đất được quy hoạch thành 141 lô đất ở, trong đó 85/141 lô đã được đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Sau đó đã tiến hành cấp 37/85 lô đất cho 32 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong Dự án.
Văn bản này nêu rõ: Việc UBND huyện Nghi Xuân thu hồi 62.589m2 đất để quy hoạch 141 lô đất nói trên là nhằm mục đích phục vụ nhiều dự án trên toàn huyện để phát triển kinh tế - xã hội chứ không chỉ riêng Dự án cầu Bến Thủy 2.
Trao đổi với ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, ông Nam chia sẻ: “Do trước đây (cán bộ nhiệm kỳ trước) quy hoạch khu TĐC là tính đến phương án “dự phòng” cho khu đô thị Nam bờ Sông Lam. Ý tưởng để chỉnh trang đô thị, còn cụ thể chủ trương để làm TĐC cho dự án nào thì chưa có, mới chỉ xây dựng để dự phòng trước”.
Phóng viên đề cập đến việc thu hồi diện tích đất nông nghiêp, việc này theo ông Nam thì hồ sơ đã được Hội đồng Bồi thường GPMB làm đầy đủ, cơ quan công an đã vào cuộc làm rõ rồi. Tỉnh đã giao rà soát lại toàn bộ, cơ quan công an đã làm rõ và tòa đã có bản án.
Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh tiến hành thu hồi 63.366m2 đất, phân chia 188 lô đất để phục vụ Dự án TĐC đê hữu sông Lam với 54.252m2 đất nông nghiệp. Nhưng chỉ cấp 18 lô đất với 3.780m2 đất trên tổng số 63.366m2 đất thu hồi. Thế nhưng, số lô đất thừa này vẫn không được sử dụng vào cho Dự án TĐC cầu Bến Thủy 2 mà tiếp tục bỏ kinh phí ra thu hồi thêm 70.500m2 chỉ để cấp 37 lô đất trên 141 lô đất.
Theo lãnh đạo địa phương là để phục vụ các dự án khác, thế nhưng diện tích đất dự án TĐC đê hữu sông Lam vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc và tiếp tục thu hồi một diện tích lớn khác để làm dự án TĐC trong khi chỉ một số nhỏ trong số diện tích bị thu hồi được cấp cho dân còn lại vẫn bỏ hoang.
Với việc diện tích lớn đất nông nghiệp rồi bỏ hoang không đưa vào sử dụng cho việc TĐC đã không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân mất đất sản xuất. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An cho biết: “Diện tích đất thu hồi cho dự án TĐC đê hưu sông Lam và TĐC cầu Bến Thủy 2 chỉ sử dụng một phần nhỏ để cấp cho hai dự án trên, còn lại để phục vụ các dự án khác. Huyện cũng nhận được phản ánh của dân về việc thu hồi đất nông nghiệp, chưa sử dụng cho TĐC để hoang gây lãng phí, nhưng đó là chủ trương của tỉnh và huyện triển khai…”.