Muốn được quyền nuôi con, tôi phải làm thế nào?

(PLO) - Bà Nguyễn Ngọc Anh (Yên Bái) hỏi: Tôi với chồng cũ ly hôn được 4 năm rồi. Lúc ly hôn tôi và anh ấy có 1 con trai chung được 3 tuổi. Khi đó tôi chưa có việc làm nên tòa xử cho bố nuôi, sau đó 1 năm thì tôi đón con về nuôi. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng chồng cũ tôi không đồng ý chuyển quyền nuôi con và không cho con trai tôi chuyển khẩu theo mẹ mà vẫn để hộ khẩu theo bố. Mỗi lần nộp hồ sơ đi học cho con tôi lại phải nhờ photo giấy khai sinh và sổ hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn vì tôi ở Yên Bái, anh ấy ở Hà Nội. Còn về tôi, sau khi ly hôn tôi xin việc và đã vào biên chế, giờ tôi là giáo viên thu nhập ổn định, lương hơn 5 triệu 1 tháng.

Đến nay con trai tôi đã hơn 7 tuổi. Tôi gọi điện nhưng chồng cũ vẫn không đồng ý chuyển quyền nuôi con và chuyển khẩu cho cháu. Tôi muốn hỏi, trẻ em từ 7 tuổi trở lên có quyền lựa chọn ở với bố hay mẹ có đúng không? Nếu chồng cũ của tôi cứ không đồng ý thì tòa án có xem xét và giải quyết theo nguyện vọng của tôi không? 

Văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên và cộng sự tư vấn: Sau khi ly hôn, căn cứ vào thỏa thuận của cha mẹ và quyền lợi về mọi mặt của con, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Tất nhiên, người trực tiếp nuôi con có thể được thay đổi nhưng phải dựa trên một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Pháp luật không quy định rằng trẻ em từ 7 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn ở với cha hay mẹ mà chỉ quy định rằng: khi Tòa án thụ lý giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Do vậy, nguyện vọng của con không phải yếu tố quyết định trong trường hợp này mà quan trọng nhất là phải có căn cứ để Tòa án thụ lý vụ việc.

Như vậy, cách nhanh nhất là bạn phải thỏa thuận được với chồng bạn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Có thể tác động thông qua những người thân khác như bố mẹ chồng, hoặc có thể để con bạn tác động trực tiếp đến bố, thể hiện mong muốn nguyện vọng của con là muốn ở cùng với mẹ, không muốn thay đổi nơi ở, trường học… Nếu thỏa thuận thành công, bạn có thể gửi đơn yêu cầu công nhận thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú để được giải quyết.

Nếu chồng bạn vẫn nhất định không đồng ý thay đổi người trực tiếp nuôi con, bạn có thể gửi đơn tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn cư trú để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, trong đơn bạn phải chứng minh được chồng bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc con.

Cụ thể, bạn nên trình bày theo hướng: bạn đã nuôi dưỡng, chăm sóc con từ năm con 4 tuổi đến nay còn chồng bạn đã không chăm sóc con trong suốt khoảng thời gian này; công việc của chồng bạn không có nhiều thời gian để có thể chăm sóc tốt cho con; nếu con sống cùng bố sẽ phải thay đổi môi trường sống, bạn bè, trường học không phù hợp với lợi ích của con… Kèm theo đơn yêu cầu, bạn phải nộp theo bản sao giấy khai sinh của con; bản sao sổ hộ khẩu của bạn, và của chồng con; các giấy tờ thể hiện việc con bạn đã học tập ở Yên Bái.  

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng do chồng bạn không có những biểu hiện rõ ràng thể hiện việc không còn đủ điều kiện để nuôi dưỡng con như không có việc làm, không có nơi ở, không quan tâm con cái, đánh đập con cái… nên yêu cầu này có được chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào sự xem xét của Tòa án.

Đọc thêm