Một bộ tú lơ-khơ, một bộ bát đĩa cùng 4 quân vị, một khoảng trống trên vỉa hè, là đủ để hàng chục người ham mê thú “bác thằng bần” lập một chiếu bạc. Những chiếu bạc có ở khắp nơi từ nội thành đến ngoại thành, từ bến xe, công viên, vườn hoa, cổng trường, bờ sông trên địa bàn thành phố. Sau mỗi ván bài là kẻ cười, người khóc... Nhưng dễ nhận thấy, kẻ khóc thường chiếm số đông.
|
Cờ bạc bịp tại chợ Hàng |
Muôn kiểu…cờ bạc
Chợ Hàng buổi sáng, lẫn trong đám đông người đến chợ, hơn chục chiếu bạc hoạt động . Mỗi chiếu chừng hơn chục người, vây quanh một bộ bài hoặc một bộ đát đĩa. Khi quân bài rơi xuống đất hoặc tiếng lóc cóc của những quân vị bên trong bộ bát đĩa dừng lại, lập tức những tờ bạc pô-ly-me cũng bắt đầu rơi xuống đất. Trên tay các con bạc là những xấp tiền mệnh giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Bộ "đồ nghề" gồm: bát, đĩa và 4 quân vị nhỏ được cắt ra từ vỏ bao thuốc lá có hai mặt khác nhau do một thanh niên xóc liên hồi rồi đặt xuống mặt đường. Tiếng hô "chẵn", "lẻ" vang lên, những người chơi thi nhau "vãi" tiền xuống "đặt cửa". Kẻ đặt vài chục nghìn, kẻ “100”, “200”, thậm chí có người đặt đến 500 nghìn đồng. Chiếc bát được mở, kẻ cười, người mếu... Nhưng rất dễ nhận thấy, kẻ mếu thường chiếm số đông.
Đó chỉ là một trong những kiểu cờ bạc phổ biến đang diễn ra từ nội thành đến ngoại thành, từ bến xe, công viên, cổng trường, bờ sông…, thậm chí đến các lễ hội, hội chợ. Các “bác thằng bần” rất chịu khó “sáng tạo” hình thức “đỏ đen” nhằm thoả nỗi đam mê, từ xóc đĩa, 3 cây, phỏm, đến những trò có tên “mĩ miều” như: "nhanh tay, nhanh mắt", “tôm-cua-cá”, “chiếc nón kỳ diệu”...Đặc điểm của nhóm cờ bạc bịp kiểu này là thường hoạt động theo nhóm từ 5-6 tên, cả nam và nữ, đủ các lứa tuổi. Một trong số chúng lấy dụng cụ ra hành nghề, các tên còn lại (giả làm khách) bắt đầu tham gia chơi. Những tên này (hay còn gọi là "cò") thường chơi rất hăng, sẵn sàng mang cả đồng hồ, nhẫn vàng, điện thoại di động "đặt cửa" trong những ván "chắc ăn" và chúng liên tục thắng, thu nhiều tiền. Đây là thủ đoạn tạo sự tin tưởng, kích thích lòng tham của những người chung quanh, hơn nữa chúng vừa chơi, vừa gạ gẫm họ "đặt cửa" theo mình hoặc đưa tiền để chúng đánh hộ. Thủ đoạn của chúng là tên cầm cái "hét" số tiền rất lớn để bọn "cò mồi" vờ không đủ và "huy động vốn" của những người hám lợi góp tiền cùng chúng, kết quả là ban đầu thắng nhỏ, rồi sau mất ngày càng lớn... Nhiều người, nhất là phụ nữ, dù chưa bao giờ chơi cờ bạc, song vì bị mồi chài, hám lợi, sau khi trót “sa chân” lại cay cú muốn gỡ lại số tiền bị mất, kết cục có khi phải lột cả dây chuyền, nhẫn cưới, điện thoại di động đưa cho chúng.
Nguy hiểm hơn, nếu như có người bỏ tiền ra tham gia chơi và giành phần thắng, thì trong số tiền mà "nhà cái" trả cho họ có lẫn cả những đồng tiền giả. Đáng buồn là một số người vì tham lam, tưởng dễ kiếm tiền nên tình nguyện trở thành những con thiêu thân cho bọn lừa đảo “vặt lông, làm thịt”.
|
Tại lễ hội Núi Voi 2010 vẫn xuất hiện các tụ điểm đánh bạc công khai |
Những kẻ tự biến thành “gà công nghiệp”
Lân la tại chợ Hàng sà vào những chiếu bạc ở khu vực này, tôi đóng vai một tay cờ bạc “cò con”. Nhìn những con bạc đốt tiền vào chiếu mới thấy hết được “sức nóng” của chiếu bạc vỉa hè. Phương “cá”, một tay bán cá cảnh ở khu chợ này, dáng đi thất thểu, dường như vẫn chưa hết bàng hoàng khi “ném” 10 triệu đồng trong chưa đầy 2 giờ. Giọng nói hoang mang, Phương “cá” phân trần: “Vào chơi cho vui, càng thua càng ham gỡ. Giờ thì mất tiền...”.
Những con bạc “tự đốt mình” như Phương “cá” không hiếm. Chúng tôi chầu rìa quan sát một chiếu bạc dưới chân cầu Lạc Long (phía đường Điện Biên Phủ), trong chưa đầy 2 giờ có dăm “con” điện thoại bị nướng chỉ qua một vài lần hô chẵn, lẻ. Những con bạc như Phương xem ra vẫn còn là... quá nhẹ nhàng. Một "tay bạc" tên H.- chủ vườn hoa đào có tiếng ở xã Đặng Cương (An Dương) nổi tiếng khắp các chiếu bạc trong huyện, không một con bạc nào là không biết tên. Kết thúc mỗi vụ hoa, có tiền, H. lại ném vào các chiếu bạc. Mùng ba Tết vừa qua, H. ôm hơn 40 triệu đồng- số tiền của cả một năm vất vả cày sâu cuốc bẫm nướng vào một lần chẵn lẻ.
Theo lời kể của một con bạc, bộ đồ nghề xóc đĩa của dân cờ bạc bịp chuyên nghiệp được “đặt hàng” sản xuất nhỏ gọn, gồm thanh cảm ứng từ dài khoảng một gang tay, to bằng ngón tay cái nối với nút điều khiển và nút báo rung bằng một sợi dây điện mảnh. Khi "hành nghề", thanh cảm ứng từ được quấn chặt vào bắp chân, còn nút điều khiển và nút rung được đặt ở vị trí thông với túi quần trước. 4 quân vị được cắt từ vỏ bao thuốc lá, sau đó bóc tách phần giấy bạc để gắn một mẩu mạt sắt rất nhỏ và mỏng rồi dán lại, người chơi khó mà nhận biết.
"Vào cuộc", kẻ gắn bộ điều khiển cảm ứng từ vờ làm một con bạc ngồi cạnh "nhà cái". Khi "nhà cái" xóc đĩa, kẻ mang trong người bộ điều khiển bấm nút cho thanh cảm ứng từ hoạt động, truyền tín hiệu "chẵn, lẻ" lên nút rung, từ đó giúp chúng "điều chỉnh" việc đặt cửa của con bạc. Để hút con bạc, ban đầu, kẻ "chim mồi" được chúng cho thắng vài ván để những người chung quanh thấy bở đặt tiền theo. Khi hút được đông người chơi, chúng quay lại "vặt". Tâm lý con bạc càng thua càng ham gỡ, không còn đủ tỉnh táo để nhận ra mình đang nằm trong bẫy của bọn bịp bợm.
Điều đáng nói nữa là các đám bạc bịp này ngang nhiên hoạt động công khai tại các nơi công cộng, đặc biệt là trong dịp đầu xuân, mà chẳng thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Phải chăng, có tâm lý “vui tý ngày xuân cũng chẳng sao”. Nếu vậy thì thật nguy hiểm, bởi nhiều bạn trẻ sa chân lỡ bước vào con đường tệ nạn cũng bắt đầu từ những chiếu bạc vỉa hè này…
Thảo Nguyên