Mưu sinh mùa Tết

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng từ bây giờ, trên các đường phố đã bắt gặp những người “buôn bán thời vụ” chuyển động vào mùa mưu sinh cuối năm. Họ là những người bán cát lư hương, bán hoa cảnh trưng Tết, bán tượng Phật...

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, thế nhưng từ bây giờ, trên các đường phố đã bắt gặp những người “buôn bán thời vụ” chuyển động vào mùa mưu sinh cuối năm. Họ là những người bán cát lư hương, bán hoa cảnh trưng Tết, bán tượng Phật... Mỗi người một nghề, không ai giống ai, nhưng họ đều có chung một ước muốn, ấy là sao cho cái Tết năm nay con cái đủ đầy hơn...

Mô tả ảnh.
Bán hoa nhựa chưng Tết.

Anh Nguyễn Văn T., trú tại phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) đang lúi húi với mấy tấm bạt trải rộng trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ để phơi cát lư hương. Anh cho biết, cứ hằng năm vào thời điểm này là chuyển động cho công việc phơi khén cát trắng để giáp Tết bán cát lư hương. Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, nhưng phải chuẩn bị từ bây giờ và giáp rằm tháng Chạp là kéo xe cùng khắp ngõ phố để bán. Mỗi bao cát đủ đổ vừa bình cắm hương có giá 1.000 đồng, không nhiều so với các mặt hàng khác thời “bão giá”. Nhưng đó là miếng cơm, manh áo, là niềm vui no đầy cho gia đình anh khi Tết đến xuân về.

“Làm cái nghề nào cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì cái chữ cho con cái mà phải cố. Nhưng với cái nghề bán cát lư hương như bọn tôi, không phải ai cũng có thể làm được. Chẳng phải là khó, nhưng nếu anh không có cái tâm thì cái nghề rồi nó cũng phụ mình thôi”, anh T. tâm sự. Bán cát lư hương trước hết phải phơi khô cát, mà phải là loại cát trắng, sạch; lúc phơi phải có bạt lót dưới để tránh pha tạp rác bẩn vào cát. Điều này không chỉ giữ cát luôn trắng, mà một phần cũng để tránh “tạp chất” khi cát được đổ vào bình thắp trên bàn thờ tổ tiên.

Anh Nguyễn Hữu Cường, quê ở Hà Nam, vào mưu sinh tại Đà Nẵng, bán hoa trên đường Lê Duẩn chia sẻ với chúng tôi: “Bọn em vào đây đã ba năm, mùa nào bán thứ đó. Lúc mới vào, em đi làm công nhân trong khu công nghiệp Hòa Khánh. Làm công nhân thu nhập thấp, rồi em bén nghề buôn bán đường phố này. Tết đến, bọn em bán hoa cảnh làm bằng nhựa để trưng Tết (chủ yếu nhập từ ngoài Bắc vào, xuất xứ từ Trung Quốc), thu nhập tùy vào lượng bán được. Cũng bấp bênh lắm, chỉ mong sao Tết này kiếm được kha khá, cả nhà về quê đỡ vất vả”. Bình quân mỗi ngày những người đẩy xe bán dạo như anh Cường đi bộ không dưới 10 cây số, dù chỉ luẩn quẩn ở trong thành phố. Bây giờ còn sớm nên lượng người mua còn ít, tất nhiên cũng chưa có nhiều người đi bán, khoảng vài tuần nữa cảnh buôn bán này mới tấp nập. “Thời buổi “của khôn người khó” này, kiếm được đồng tiền cực nhọc lắm anh ạ, đủ miếng cơm manh áo đã khó, lại còn bao nhiêu thứ phải lo toan cho con cái. Trong lúc đó, bản thân gia đình những người nhập cư như bọn em, các khoản ưu đãi xã hội gần như trắng sổ”, anh Cường cho biết thêm.

Chưa nhiều, nhưng ở một số tuyến phố, chúng ta dễ bắt gặp khung cảnh Tết đến xuân về qua những chiếc xe đẩy bán hàng Tết. Trên nhiều bãi đất trống ven đường Điện Biên Phủ đã có nhiều người “cắm dấu” để dọn chỗ bán hàng hoa, cây cảnh. Bức tranh ngày Tết chưa rực rỡ, nhưng trên các nẻo đường đã thấp thoáng hương vị ngày xuân qua những cuộc mưu sinh của những người bán hàng dạo cho mùa Tết đã bắt đầu.

Bài và ảnh: Trọng Huy

Đọc thêm