Mỹ bảo vệ Nhật nếu xảy ra xung đột tại đảo tranh chấp?

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba ngày 17/9 cho biết Tokyo và Washington đã nhất trí rằng quần đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba ngày 17/9 cho biết Tokyo và Washington đã nhất trí rằng quần đảo đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp của ông Gemba với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Tokyo. “Tôi không mang chủ đề này ra thảo luận trong hôm nay nhưng cả Nhật và Mỹ đều hiểu rằng quần đảo nằm trong phạm vi hiệp ước” – ông Koichiro Gemba nói với các phóng viên.

Nếu quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, được xác định thuộc phạm vi của Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật, Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại quần đảo tranh chấp. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto. Ảnh: Kyodo
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto. Ảnh: Kyodo

Tại cuộc họp, ông Panetta nói rằng Mỹ sẽ thực hiện những nghĩa vụ theo hiệp ước an ninh với Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhắc lại Washington sẽ không đứng về phía nào trong vấn đề tranh chấp, thúc giục các bên bình tĩnh và kiềm chế. “Tất cả mọi người đều có lợi nếu Nhật Bản và Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và tìm cách tránh căng thăng leo thang”, ông Panetta nói với các phóng viên tại Tokyo.

Những tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Nhật xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, dấy lên một làn sóng các cuộc biểu tình chống Nhật tại hàng chục thành phố Trung Quốc. Sang ngày 17/9, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc và yêu cầu công nhân không ra khỏi khu vực nhà máy.
Công ty điện tử Nhật Bản Canon sẽ ngừng sản xuất tại 3 trong số 4 nhà máy của họ tại Trung Quốc trong 2 ngày 17 và 18/9 trong khi hãng hàng không All Nippon thông báo sẽ tiếp tục hủy thêm các chuyến bay từ Trung Quốc đến Nhật Bản. 
Mỹ lập hệ thống phòng thủ tên lửa thứ 2 tại Nhật Bản
Tại buổi họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Satoshi Morimoto, Bộ trưởng Panetta nói rằng giới chức Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa thứ 2 tại Nhật Bản để bảo vệ nước này trước mối đe dọa của một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Địa điểm chính xác của trạm rada vẫn chưa được quyết định nhưng giới chức Mỹ nói rằng nó sẽ được đặt tại miền Nam Nhật Bản. 

Nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Seven & I Holdings ngày 17/9 cũng tuyên bố sẽ đóng cửa 13 siêu thị Ito Yokado và 198 cửa hàng tiện ích thuộc chuỗi cửa hàng “7-11” ở Trung Quốc.

“Thật đáng tiếc là các cuộc biểu tình chống Nhật đang diễn ra trên quy mô chưa từng thấy và một số người biểu tình đã gây bạo loạn, gây thiệt hại đáng kể cho những công ty liên kết với Nhật. Tôi sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện những biện pháp thích hợp. Tôi cũng sẽ nhắc lại những yêu cầu phía Trung Quốc đảm bảo tôn trọng luật pháp và trật tự” - ông Gemba nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 17/9 tuyên bố chính phủ nước này sẽ bảo vệ các doanh nghiệp và công dân Nhật Bản đồng thời kêu gọi những người biểu tình tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, ông Hồng cũng nói rằng những thiệt hại từ các cuộc biểu tình bạo lực là hậu quả mà Nhật Bản phải gánh chịu từ việc mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Mức độ phát triển của tình hình sẽ phụ thuộc vào thái độ của Nhật Bản trước lập trường của Trung Quốc và việc liệu họ có đáp ứng những kêu gọi pháp lý của người Trung Quốc và lựa chọn thái độ cũng như cách tiếp cận đúng đắn hay không” – ông Hồng lớn giọng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác lớn thứ 3 của Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều 2 nước trong năm 2011 đạt 345 tỉ USD.
Trong một động thái mới nhất nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo tranh chấp, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ đệ trình lên một ủy ban của Liên hợp quốc, đề nghị giải thích rõ ràng các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Hoa Đông dựa trên những định nghĩa về giới hạn thềm lục địa. Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ bảo vệ đội tàu cá của mình khi lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông kết thúc và khoảng 1.000 tàu cá của nước này dự kiến sẽ tràn ra vùng biển gần quần đảo tranh chấp.
Minh Ngọc (theo Reuters)

Đọc thêm