Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ngày 29/8 cảnh báo căng thẳng đang ngày càng gia tăng ở các vùng biển có tranh chấp ở châu Á sẽ làm tăng nguy cơ của một cuộc xung đột nguy hiểm mang tính chất quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. |
Phát biểu của ông Hagel được đưa ra trong ngày thứ 2 của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) tại Brunei. Hội nghị có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
“Các hành động trên biển để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền sẽ không làm tăng tính pháp lý cho tuyên bố của các bên. Thay vào đó, nó sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu, phá hoại sự ổn định trong khu vực và làm lu mờ đi các triển vọng về mặt ngoại giao” – ông Hagel nói.
Tại cuộc gặp với các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày hôm qua ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kin sẽ không né tránh các vấn đề còn tồn tại trong những tranh chấp trên biển Đông. ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ tiến hành thêm các cuộc thảo luận về COC vào tháng 9 và tháng 12 tới. |
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng của Mỹ nói với các phóng viên về các cuộc thảo luận của các bộ trưởng quốc phòng tham gia ADMM+: “Tất cả các nước đều đang quan ngại rằng việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền bằng những hành động quyết đoán có thể dấy lên một cuộc xung đột”.
Giới chức Mỹ cho biết, tại cuộc họp, một số bộ trưởng từ 10 nước trong khối ASEAN đã đệ trình các bước đi thực tế để ngăn chặn xung đột, trong đó có việc thiết lập một đường dây nóng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, các giải pháp để tránh đối đầu và một thỏa thuận “không dùng vũ lực trước”.
Tuy nhiên, nỗ lực ngoại giao chính là những lời kêu gọi về một “bộ quy tắc ứng xử” mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý trên biển Đông (COC). Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với vấn đề này.
Trong suốt chuyến công du kéo dài 1 tuần ở khu vực Đông Nam Á, ông Hagel đã nhắc lại quan điểm của Mỹ rằng những bất đồng về lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực. Theo thông tin từ giới chức Mỹ, những căng thẳng đang gia tăng tại Syria cũng đã được đưa ra tại các cuộc thảo luận ngày 29/8 nhưng không phải là trọng tâm đàm phán.
Sự chú ý cao độ của Mỹ tới khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc gia tăng những chiến dịch trợ giúp quân sự, là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Trong suốt thời gian công tác tại khu vực, với các chặng dừng chân Malaysia, Indonesia và cuối cùng là Philippines, Hagel đã liên tục nhắc lại cam kết thực hiện chính sách “tái cân bằng” hướng tới châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp những áp lực về ngân sách hay các vấn đề ở Trung Đông.
Nhấn mạnh sự chuyển hướng trọng tâm của Washington, ông Hagel đã mời các nước ASEAN lần đầu tiên tổ chức một cuộc gặp tại Mỹ vào năm tới, và bộ trưởng các nước cũng đã đồng ý đề nghị này.
Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)