Mỹ chính thức kết thúc cuộc chiến tại Iraq

Hôm qua (15/12), quân đội Mỹ tổ chức lễ hạ cờ tại thủ đô Baghdad, chính thức kết thúc các hoạt động quân sự ở Iraq sau gần 9 năm hiện diện ở quốc gia Trung Đông này.

Hôm qua (15/12), quân đội Mỹ tổ chức lễ hạ cờ tại thủ đô Baghdad, chính thức kết thúc các hoạt động quân sự ở Iraq sau gần 9 năm hiện diện ở quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Obama trong buổi gặp gỡ các binh lính. Ảnh Reuters
Tổng thống Obama trong buổi gặp gỡ các binh lính. Ảnh: Reuters

Trong tuần này, khoảng 5.500 binh sĩ cuối cùng của Mỹ sẽ rời khỏi Iraq, trao trả lại quyền kiểm soát an ninh cho các nhà chức trách nước này.

Trong một bài phát biểu tại cuộc gặp mặt với các binh sĩ vừa trở về ở doanh trại ở Fort Bragg, Bắc Carolina hôm 14/12, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã tán dương những “thành tích phi thường” của quân đội và nói rằng họ rời khỏi Iraq trong tâm thế “ngẩng cao đầu”.

Ông Obama cho biết, trong những tháng gần đây, những công tác cuối cùng của việc rút quân tại Iraq đã được thực hiện xong, căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq đã đóng cửa hoặc chuyển giao lại cho chính quyền sở tại, thiết bị quân sự cũng được chuyển về nước.

Theo vị Tổng thống, Mỹ khi rút quân để lại một “Iraq có chủ quyền, ổn định và tự chủ”. “Tương lai của Iraq sẽ nằm trong tay người dân Iraq, hiện tại tuy không phải là hoàn hảo và vẫn còn nhiều thách thức cần phải đối mặt, nhưng nước Mỹ đã để lại một Iraq có chủ quyền, ổn định và tự chủ, với chính phủ do nhân dân bầu ra” – ông Obama phát biểu đồng thời cho hay Mỹ đang xây dựng một quan hệ đối tác mới với Iraq.

Ông Obama thừa nhận, cuộc chiến đã gây nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt đầu nhưng “kết thúc một cuộc chiến thậm chí còn khó hơn bắt đầu nó”, và nước Mỹ đã làm những điều tốt nhất có thể ở Iraq.

Các nghị sỹ của đảng Cộng hòa đã chỉ trích quyết định rút quân vì lo ngại về tình hình an ninh của Iraq trong khi hầu hết người dân Mỹ đều tỏ ra ủng hộ động thái này. Khoảng 1,5 triệu quân nhân Mỹ đã phục vụ tại chiến trường Iraq từ năm 2003. 4.500 lính Mỹ và hơn 100.000 người Iraq đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh mà theo như nhiều người dân sở tại thì thành quả cao nhất chỉ là lật đổ Saddam Hussein. Ngoài số lính Mỹ đã tử trận, gần 30.000 người khác cũng đã bị thương. Cuộc chiến cũng đã tiêu tốn của Mỹ số tiền khổng lồ lên đến 1.000 tỉ USD.

“Đổ nát và lộn xộn”

Tuy nhiên, sau 9 năm quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq, tình hình Iraq giờ vẫn ngổn ngang những bất ổn. Dù đã đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các đảng của người Sunni, Shiite và Kurd những chính quyền nước này vẫn đang phải đau đầu với tình hình căng thẳng sắc tộc.

Tình trạng bạo lực đã giảm một cách đáng kể nhưng những vụ đánh bom đường phố, các vụ ám sát, các cuộc tấn công vẫn đang là một phần của cuộc sống thường nhật đối với người dân Iraq từ phương Tây tới phương Nam. “Giờ tôi luôn sống trong sợ hãi. Đã từng có một quả bom lớn tại khách sạn Sheraton. Một quả bom khác cũng phát nổ ngay tại vườn nhà tôi” – một người dân bày tỏ nỗi lo về sự an nguy của bản thân.

Các vụ tấn công của Al Qaeda cũng là một trong những lo ngại lớn đối với người dân Iraq. “Tôi phải thừa nhận rằng người Mỹ đã giải thoát chúng tôi khỏi Saddam Hussein. Nhưng tôi nghĩ rằng giờ chúng tôi lại chuẩn bị rơi vào khó khăn. Có thể những phần tử khủng bố sẽ lại bắt đầu các cuộc tấn công” - Malik Abed - một người bán cá ở chợ Baghdad nói.

Bên cạnh đó, theo số liệu của chính phủ Iraq, khoảng 1/3 dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp ước tính vào khoảng 15% với hàng trăm nghìn người vẫn không có việc làm. Số người làm bán thời gian chiếm 28%. Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào nước này để giúp Iraq phục hồi qua nhiều năm chiến tranh.

Thanh Tùng (theo Reuters)

Đọc thêm