Thượng viện Mỹ hôm 1/12 đã nhất trí thông qua những biện pháp trừng phạt mới chống lại ngân hàng trung ương Iran để tăng cường gây sức ép đối với chính quyền Tehran và buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Cùng ngày, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 180 công ty và công dân Iran.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP |
Với 100 phiếu thuận và không có phiếu chống, các thượng nghị sĩ Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới dưới hình thức một dự luật sửa đổi về tài chính cho Lầu Năm Góc để chi tiêu ngân sách năm 2012, bất chấp những do dự của chính quyền Tổng thống Barack Obama vốn lo ngại sự rối loạn của thị trường dầu khí.
Theo đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể phong tỏa tài sản của bất kỳ thể chế tài chính nước ngoài nào có quan hệ làm ăn với ngân hàng trung ương Iran trong lĩnh vực dầu khí. Những thể chế tài chính đó cũng sẽ không thể làm việc với Mỹ được nữa.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sẽ có quyền không áp dụng các biện pháp trừng phạt này trong trường hợp đòi hỏi cấp bách về an ninh quốc gia hoặc vì những lý do nhân đạo.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt chỉ áp dụng nếu như Tổng thống Mỹ quyết định có đủ dầu lửa nhập từ các nước khác hơn là Iran để không gây rối loạn thị trường vàng đen của thế giới.
Các biện pháp trừng phạt trên do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Kirk và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Robert Menendez đệ trình. “Đó là dịp trang bị công cụ ngoại giao hòa bình để làm ngừng bước tiến của Iran tới vũ khí hạt nhân”, Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Thượng viện Mỹ.
Về phần mình, các ngoại trưởng các nước thành viên EU hôm 1/12 cũng đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 180 công ty và công dân Iran do không thực hiện những yêu cầu của quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ngoại trưởng các nước EU cũng đã nhất trí tiếp tục xem xét các biện pháp trừng phạt bổ sung có thể nhằm vào ngành tài chính, vận tải và năng lượng có vai trò sống còn của Iran.
Cho đến nay, EU đã phong tỏa tài sản của hàng trăm công ty của Iran và thông qua các biện pháp nhằm cản trở các dự án đầu tư mới cũng như hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là sản xuất và tinh chế khí đốt.
Những biện pháp trừng phạt mới nói trên được Mỹ và EU tính đến sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo bày tỏ “những lo ngại sâu sắc” về chương trình hạt nhân Iran hồi đầu tháng 11. Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ bản báo cáo này và khẳng định rằng chương trình hạt nhân của mình chỉ có mục đích dân sự.
Phúc Lợi (Theo AFP, BBC)