Mỹ, EU tiến thoái lưỡng nan

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giờ đây cảm thấy khó khăn và tiến thoái lưỡng nan khi đối phó với những bất ổn ở khu vực Trung Đông. Riêng EU trước đó đã nhanh chóng cam kết tài trợ và trợ giúp bầu cử sau các vụ bất ổn xảy ra ở Tunisia cũng như Ai Cập.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giờ đây cảm thấy khó khăn và tiến thoái lưỡng nan khi đối phó với những bất ổn ở khu vực Trung Đông. Riêng EU trước đó đã nhanh chóng cam kết tài trợ và trợ giúp bầu cử sau các vụ bất ổn xảy ra ở Tunisia cũng như Ai Cập.

Mô tả ảnh.
Người biểu tình bật khóc khi tiến vào Quảng trường Pearl ở Bahrain.  Ảnh: Reuters
Đang tìm kiếm tiếng nói mạnh mẽ hơn, EU đã lên tiếng thể hiện sự quan tâm đến làn sóng biểu tình quy mô lớn ở Tunisia, Ai Cập và trở thành “mô hình kiểu mẫu” lan rộng sang các nước khác ở Trung Đông cùng Bắc Phi. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton nhiều lần kêu gọi cần phải tôn trọng nguyện vọng dân chủ của người dân, đồng thời chỉ trích bạo lực chống lại những người biểu tình.

Theo chuyên gia cấp cao Rym Ayadi tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở ở Brussels (Bỉ), với việc Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ, châu Âu đã bị mất sự tín nhiệm trong quan hệ với các Chính phủ Trung Đông này. Ayadi còn nhận định: Trong hơn 20 năm qua, châu Âu còn có mối liên hệ chặt chẽ với các nước ở Bắc Phi. Các quan chức EU luôn nhận biết được những tình huống ở quốc gia này, nhưng họ đã không làm gì để cứu vãn.

Chuyên gia Ayadi nói rằng, EU đang rơi vào tình thế rất khó. Bởi lẽ, nền kinh tế trì trệ và sự bất mãn của dân chúng đã không thuyết phục được châu Âu chống lại Chính phủ Ai Cập độc đoán do ông Mubarak nắm quyền. Trái lại, liên minh gồm các “ông lớn” châu Âu đã ủng hộ nhà lãnh đạo này, người điều hành đất nước bằng “bàn tay sắt” suốt 30 năm. Được sự che chở của Mỹ cùng phương Tây, ông Mubarak được cho là có vai trò ổn định, nhất là khi đưa ra quyết định về thỏa thuận hòa bình Ai Cập - Israel. Thực tế, cả Mỹ lẫn châu Âu đều tin rằng, bất kỳ quốc gia Arab nào có hiệp ước hòa bình với Israel thì cần được khuyến khích và ủng hộ. Hai “ông lớn” này mong muốn sự ổn định ở các quốc gia Arab cũng như Israel. 

Giờ đây, khi Tổng thống Ai Cập Mubarak bị lật đổ, tương lai của nhà lãnh đạo mới có thể không đi theo hướng đặt lợi ích của phương Tây lên trên lợi ích của người dân Ai Cập nữa. Các nhà phân tích cho rằng, EU sẽ phải có các biện pháp giúp kiến tạo những điều kiện, như thúc đẩy việc làm và nâng cao triển vọng của thanh niên ở các nước xảy ra bất ổn. Trong chuyến công du Tunisia vào tuần trước, bà Ashton đã cho biết, EU sẽ giải ngân 350 triệu USD cho gói viện trợ quốc gia này vào năm 2013, trong đó ngay lập tức chuyển 23 triệu USD.

Với Mỹ, “cơn bão” ở đồng minh Arab đặt Chính phủ của Tổng thống Barack Obama vào thế bất lợi bởi thay đổi chính trị, thực hiện cải cách theo yêu cầu của người biểu tình thì có thể đẩy lợi ích của Mỹ ra xa thế giới Arab. Tính đến hôm qua (20-2), 200 người ở Benghazi thuộc Bahrain đã thiệt mạng, 99 người chết ở đất nước Bắc Phi Libya. Chưa kể đến số thương vong ở Algeria, Yemen, Oman, Kuwait, Djibouti khi dòng người tràn ra đường phố, yêu cầu thay đổi kinh tế và chính trị. Bahrain là nơi Mỹ đặt Hạm đội số 5. Nằm giữa Eritrea và Somalia, Djibouti nguyên là thuộc địa của Pháp và được xem có vị trí quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của phương Tây. Djibouti cũng có căn cứ quân sự lớn nhất Bắc Phi của Pháp và một căn cứ lớn của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước này khoảng 60%.

Chính phủ Bahrain bắt đầu đối thoại với lực lượng đối lập. Một tòa án ở Ai Cập đã phê chuẩn Đảng Wasat, đảng mới đầu tiên được công nhận kể từ khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ. Một quan chức Ai Cập cũng nói rằng, sẽ sớm cải tổ nội các. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng, những ngày đen tối ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ nhanh chóng trôi qua.

VĨNH AN

Đọc thêm